Trẻ thị thành học trồng lúa nước

Với tổng diện tích gần 20.000m2 nằm trong Khu công viên Khánh Hội, quận 4, TP.Hồ Chí Minh, KizCiti là sân chơi hiện đại kết hợp giáo dục và rèn luyện cho trẻ các kỹ năng xã hội cần thiết. Đ

Đây là sân chơi hướng nghiệp dành cho các bạn nhỏ từ 3 – 15 tuổi. Mô phỏng thế giới công việc của người lớn trong một phiên bản thành phố thu nhỏ, KizCiti có quảng trường trung tâm, sân bay, nhà máy sản xuất, bệnh viện, trung tâm thời trang, trường đua, sân golf...

Trẻ được thoả thích vui chơi và làm quen với nghề như phi công, bác sĩ, kỹ sư, thợ làm bánh, công nhân nhà máy sữa, người mẫu thời trang, cảnh sát chữa cháy, họa sĩ… Đặc biệt, điểm nhấn của “thành phố hướng nghiệp” này là Dự án Vườn Nông nghiệp của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS).

Ngoài khu vực đồng lúa với nhiều giai đoạn từ ủ mầm, làm đất, cấy lúa, lúa làm đòng cho tới thu hoạch, dự án còn có một nhà máy xay xát lúa gạo hoàn chỉnh với đầy đủ các thiết bị cho một dây chuyền sản xuất từ lúa tươi sang gạo đóng gói.

Trẻ thị thành học trồng lúa nước - 1

Các em nhỏ trong trang phục nông dân làm đồng

Kỹ sư nông nghiệp Đặng Mạnh Khương là người được AGPPS giao phụ trách dự án cho biết, Vườn Nông nghiệp sẽ giúp các bạn nhỏ ở thành phố hiểu hơn về đời sống nông nghiệp, nhất là quy trình sản xuất lúa nước. Tham gia trò chơi, các em nhỏ sẽ được hóa thân làm nông dân, cảm nhận được sự vất vả của công việc đồng áng và biết quý trọng hạt gạo.

Các “nông dân nhí” có thể đăng ký tham gia trồng lúa qua nhiều giai đoạn, được chăm sóc thửa ruộng của mình lúc làm đất, ủ mầm, gieo cấy đến khi thu hoạch và đưa vào nhà máy xay xát trong suốt mấy tháng hè. “Tập làm nông dân, các bạn nhỏ được “trả lương” và dùng những đồng tiền (một loại coupon sử dụng trong KizCiti) này để tích lũy, tiếp tục tham gia các lần chơi sau” – kỹ sư Khương nói.

Chị Mỹ Hà – nhà ở quận Tân Bình, đưa con trai sang đây làm nông dân hào hứng: “Thấy mấy đứa nhỏ thích thú làm nông dân, nhiều phụ huynh như tôi cũng ước gì mình được trẻ lại để có một ngày làm nông dân cho thỏa nỗi nhớ đồng quê”.

Đưa tay quệt mồ hôi trên mặt, Đào Thanh Huy – 9 tuổi nhà ở quận 3 nói: “Trước đây, cháu ăn cơm hay bỏ thừa. Nhưng giờ làm nông dân, thấy muốn tạo ra hạt gạo rất là vất vả, nên sẽ không bỏ thừa nữa. Cháu hứa với mẹ sẽ ngoan thì mỗi tuần mẹ đều cho vào đây. Cháu muốn tận tay chăm sóc cây lúa cho tới ngày ra được hạt gạo”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hữu Danh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN