Tranh cãi về chuẩn chất lượng cao

Không đợi chờ tiêu chuẩn về giáo dục chất lượng cao (CLC), các trường học đều nỗ lực nâng cao trình độ giáo viên và cơ sở vật chất hay bồi dưỡng HS giỏi. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đều khá thận trọng trước dự thảo thông tư quy định về học phí chất lượng CLC.

Để không phân biệt đối xử

Dự thảo thông tư quy định về học phí CLC của Bộ GD-ĐT nếu được áp dụng sẽ giúp các trường nâng chất lượng giáo dục và cải thiện đời sống cho giáo viên. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đón nhận thông tin này với thái độ hết sức thận trọng và không ít băn khoăn.

Tranh cãi về chuẩn chất lượng cao - 1

THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là ngôi trường thực hiện Đề án thí điểm đào tạo trình độ cao, chất lượng cao đã được UBND thành phố phê duyệt. (Ảnh: Văn Chung)

Theo ý kiến của hiệu trưởng Trường TH Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Yến: “Ngoài yêu cầu chuẩn giáo viên, trường CLC phải có cơ sở vật chất tốt, tăng cường dạy ngoại ngữ, ít học sinh”

“Nhiều phụ huynh có điều kiện sẵn sàng trả thêm tiền để con học trong môi trường tốt hơn. Nếu dịch vụ CLC vào đương nhiên cả phụ huynh, HS và nhà trường đều có lợi” – bà Yến chia sẻ.

Xét các tiêu chí của dự thảo trường đã đáp ứng được chuẩn về giáo viên khi 100% đội ngũ quản lí, giáo viên đều đạt trên chuẩn. 85% có bằng đại học, có người có bằng thạc sĩ, cơ sở vật chất tốt (cả trường đã áp dụng mô hình lớp học tương tác).

Tuy nhiên, trường khó đạt “chuẩn CLC” bởi phải thực hiện nhiệm vụ “giáo dục toàn dân”, mỗi lớp học khá đông (khoảng 50 em). Nếu muốn giãn học sinh phải mở thêm lớp, tăng biên chế giáo viên.

Tranh cãi về chuẩn chất lượng cao - 2

Còn nhiều băn khoăn, tranh cãi xung quanh dự thảo Thông tư quy định về học phí CLC. (Ảnh minh họa. Ảnh: Văn Chung)

Một điều khiến bà Yến lo ngại: “Nếu thực hiện dịch vụ cho một nhóm HS dễ dẫn tới suy nghĩ bị đối xử thiếu công bằng cho trẻ ngay trong một trường”.

Hiệu trưởng Trường TH Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) Nguyễn Thị Bích Hằng lại ủng hộ với việc có thể mở dịch vụ cho một nhóm HS gia đình có điều kiện và có nhu cầu.

Hiện tại, trường này đã thực hiện dạy tiếng Anh trên máy vi tính cho học trò.

Theo bà Hằng lớp học tương tác hay mô hình học tiếng Anh trên vi tính là một phần không thể thiếu trong dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

Song, khó khăn về bố trí lớp học và số học sinh/lớp ít là điều khiến bà Hằng, bà Yến và nhiều lãnh đạo nhà trường tại Hà Nội đau đầu bởi quỹ đất cho trường hạn hẹp trong khi số trẻ đến tuổi tới trường tăng nhanh.

Cùng với khối THCS của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đây cũng là năm thứ 2 Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện Đề án thí điểm đào tạo trình độ cao, chất lượng cao đã được UBND thành phố phê duyệt.

Tuy nhiên, do từ trước tới nay Bộ GD-ĐT chưa có văn bản nào nói về trường hay dịch vụ CLC nên hiện nay sĩ số HS/lớp của trường cũng khoảng 40 em. Nếu muốn được công nhận đào tạo CLC theo hiệu trưởng Dương Viết Tiến: “Trường cũng cần giãn học sinh, cân bằng sĩ số bằng cách tuyển ít hơn vào năm sau”.

Chia sẻ với lo ngại dịch vụ CLC cho nhóm HS có thể gây suy nghĩ phân biệt trẻ ngay trong một trường, ông Tiến cho rằng: “Vấn đề là giải quyết nhận thức cho mọi người hiểu và ủng hộ. Không có chuyện vì đào tạo dịch vụ CLC mà đối xử phân biệt với các em còn lại”.

Vị hiệu trưởng nhấn mạnh: “Không thể vì tư tưởng cào bằng mà kéo nhau về lạc hậu. Hơn nữa đây là nhu cầu của phụ huynh và cũng tạo điều kiện cho công tác xã hội hóa giáo dục”.

Mập mờ tiêu chí?

Hiệu trưởng Hằng bày tỏ nhiều băn khoăn với dự thảo dịch vụ CLC ở quy định “các khoản thu trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện của gia đình học sinh” và việc trường cam kết thực hiện “chất lượng giáo dục cao hơn với mức độ hiện tại”.

Tranh cãi về chuẩn chất lượng cao - 3

Lớp học với hệ thống bảng tương tác có giá hơn 160 triệu đồng của Trường TH Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). (Ảnh: Châu Giang).

Theo bà Hằng: “Các khoản thu nên có văn bản hướng dẫn cụ thể để phụ huynh và trường cùng nắm rõ, tránh hiểu lầm dẫn tới bức xúc của phụ huynh. Bộ hay Sở GD-ĐT cũng cần đưa ra những chuẩn cụ thể về các tiêu chí để trường được công nhận đào tạo CLC, không nên mập mờ như dự thảo”.

Cùng chung lo lắng, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm đề xuất về một “hội đồng giám sát độc lập” nhằm kiểm tra chất lượng giáo dục ở các cơ sở đào tạo dịch vụ CLC.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường TH Xuân Đỉnh Nguyễn Thị Bích Hằng cho rằng: “Không phải ai cũng có đủ chuyên môn và tâm huyết để làm việc “vác tù và” này. Cơ chế hoạt động của hội đồng nếu không chặt chẽ có thể sẽ gây khó khăn cho việc dạy và học trong nhà trường”.

Về xác định tiêu chí, tiêu chuẩn CLC ông Tiến cho rằng: “Mỗi địa phương, vùng miền điều kiện khác nhau nên Bộ GD-ĐT không thể ra chuẩn chung. Với Hà Nội, trí thức cao sẽ đòi hỏi cao hơn là ở vùng như Sơn La, Lai Châu,.. Do đó mới ủy quyền cho các tỉnh thành yêu cầu làm chặt, làm nghiêm và hợp lý.

Tương tự, từ tính toán các điều kiện mà mỗi địa phương đề ra các cơ sở về thu chi và tài chính cho phù hợp. Các ngành từ: Giáo dục, Nội vụ, Tài chính,...đều bắt tay vào làm các khâu từ thẩm định, ra quyết định, tổ chức thực hiện đến thanh- kiểm tra. Như vậy là khá chặt chẽ.

Trường CLC được thu cao?

Đối chiếu với các điều kiện trong dự thảo, có lẽ Trường THCS Cầu Giấy sẽ sớm được công nhận đào tạo dịch vụ CLC. Do là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên cơ sở vật chất của trường này khá khang trang. Trường thi tuyển và tuyển sinh ít.

Hiệu trưởng Dương Viết Tiến thông tin: đề xuất mức thu học phí 600.000 đồng/HS/tháng của trường chưa được thông qua. HS hiện chỉ phải đóng mức 40.000 đồng/HS/tháng, chi phí còn lại vẫn do ngân sách cấp.

Đội ngũ quản lí và giáo viên của trường đều đạt trên chuẩn: 100% GV đều là những người được công nhận là dạy giỏi, có trình độ ĐH và trên đại học, 30% có bằng thạc sĩ.

Trường có GV nước ngoài giảng dạy tiếng Anh, mỗi lớp học 4 tiết/tuần và dự tính mở 2 lớp song ngữ các môn Toán, Hóa, Sinh. Trường cũng có liên kết với một trường quốc tế làm kênh để học sinh có thể đi du học sau khi tốt nghiệp.

Việc Bộ GD-ĐT có chủ trương quy định về học phí chất lượng giáo dục cao đi kèm với yêu cầu về chất lượng thực sự là điều hiệu trưởng Tiến và các GV trong trường mong mỏi.

Ông Tiến phân tích: “Khác với trường chuyên, mô hình đào tạo CLC giúp HS phát triển toàn diện, đặc biệt là khả năng hội nhập quốc tế và vốn tiếng Anh tốt. Nhiều trường dân lập hiện nay thu phí cao nhưng lại đào tạo mập mờ, nhất là chất lượng GV tiếng Anh. Trong khi trường công lập từ chương trình dạy đến GV quản lí rất chặt, chất lượng đảm bảo. Nếu áp dụng trên diện rộng, phụ huynh sẽ có thêm lựa chọn tốt khi gửi con tới trường”.

5 tiêu chuẩn chất lượng cao

Trước đó, trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Theo chỉ đạo của TP, từ nay đến năm 2015, ở các cấp học, mỗi quận huyện phải xây dựng được một trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Những trường được công nhận đạt chuẩn chất lượng cao sẽ được thành phố đầu tư quỹ đất, xây dựng cơ bản.

Sở đang tiến hành thu thập ý kiến góp ý để hoàn thiện tiêu chuẩn trường chất lượng cao. Có 5 tiêu chí được đưa ra là : Hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng đầu vào, chất lượng dạy và học, kết quả đầu ra”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Chung (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN