TP.HCM: Bấn loạn với “đóng” – “mở” dạy thêm

Sự kiện: Thời sự

Chỉ trong một thời gian ngắn, TP.HCM đã liên tục có những văn bản chỉ đạo trái ngược về việc dạy thêm, học thêm. Việc thay đổi chóng mặt này chứng tỏ TP.HCM chưa chạm tới nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng dạy thêm học thêm.

TP.HCM: Bấn loạn với “đóng” – “mở” dạy thêm - 1

Chỉ trong một thời gian ngắn, TP.HCM đã liên tục có những văn bản chỉ đạo trái ngược về việc dạy thêm, học thêm.

Cấm rồi lại cho phép

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo mới nhất về vấn đề dạy thêm học thêm trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm, học thêm trái quy định.

Hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường chỉ được thực hiện trên cơ sở, tinh thần tự nguyện của học sinh. Không tổ chức dạy học thêm ở trường tiểu học, những trường đã tổ chức học 2 buổi/ngày, trừ các hoạt động bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.

Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM được giao tham mưu, trình UBND thành phố lộ trình chấm dứt việc dạy thêm học thêm tràn lan, tiêu cực trên địa bàn thành phố, tập trung vào một số giải pháp như: Nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh/lớp; thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng thêm nguồn phụ cấp cho các giáo viên dạy các lớp vượt sĩ số, phụ cấp dạy phụ đạo cho học sinh chưa theo kịp chương trình, bồi dưỡng học sinh giỏi bằng nguồn ngân sách của thành phố;

Đổi mới phương pháp giảng dạy, biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng cao, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giáo viên về nhà ở, nâng cao cho các cán bộ, công nhân viên chức thuộc ngành giáo dục, giáo viên; nghiên cứu, hướng dẫn các trường xây dựng, triển khai thí điểm hệ thống giải đáp vướng mắc, giảng dạy cho học sinh các môn còn yếu qua điện thoại, trang tin điện tử của nhà trường…

UBND cũng giao Giám đốc Sở GDĐT phối hợp với Chủ tịch UBND các quận huyện thực hiện việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước trên địa bàn, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm học thêm trái với quy định của các tổ chức, cá nhân.

Chỉ đạo này của UBND TP.HCM có ngay sau khi Thành ủy TP.HCM có văn bản chỉ đạo về công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. 

Còn nhớ cách đây chưa lâu, vào cuối tháng 8/2016, trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, Sở GDĐT TP.HCM đã khẳng định sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về ngưng dạy thêm trong trường.

Sở không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường; giáo viên vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc; ngừng cấp phép mới hoạt động dạy thêm trong nhà trường, nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc quản lý dạy thêm của giáo viên, nếu để xảy ra tình trạng giáo viên ép học sinh tham gia học thêm, hiệu trưởng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm…

Làm sao để phân biệt “tự nguyện” hay “gợi ý”?

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn về việc học sinh tự nguyện học thêm. Anh Hoàng Tùng (Gò Vấp) thắc mắc: “Làm sao phân biệt giữa dạy thêm, học thêm tự nguyện và dạy thêm, học thêm bị ép buộc? Tôi muốn chỉ định giáo viên đang dạy chính khóa kèm thêm con mình thì có trái quy định của thành phố hay không?”

Có không ít người lo ngại nếu giáo viên gợi ý mà học sinh không đi học thêm liệu có bị đối xử không công bằng, bị cho điểm thấp hay không? Cách nào để hạn chế được dạy thêm tiêu cực?

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) nêu thực tế, chất lượng đầu vào của học sinh ngoại thành hiện nay vẫn ở mức thấp, với phân bổ nội dung chương trình hiện nay khá nặng, thời lượng trên lớp không đủ cho giáo viên truyền tải hết nội dung kiến thức, nếu không cho phép dạy thêm, học thêm trong trường sẽ ảnh hưởng chất lượng học tập của học sinh.

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cho rằng, nếu không thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá thì việc cấm dạy thêm, học thêm sẽ khiến học sinh TP.HCM thiệt thòi hơn rất nhiều so với học sinh các tỉnh thành khác.

Các chuyên gia cho rằng học thêm là một nhu cầu có thật từ nhiều phía và việc cấm hay hạn chế dạy thêm, cho phép dạy thêm cũng chỉ là những giải pháp giải quyết phần ngọn của vấn đề. 

Nếu giải quyết được các yếu tố gốc rễ như chương trình học gọn gàng hơn, thi cử thực tế hơn, thu nhập của giáo viên ổn định, đảm bảo cuộc sống thì việc dạy thêm, học thêm sẽ tự giảm và triệt tiêu chứ không cần phải có các văn bản cấm đoán như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bạch Dương (Infonet)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN