Tìm tương lai ở trường nghề
Sau mỗi kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, dường như tâm lý “phải vào được đại học” vẫn đang đè nặng lên nhiều thí sinh. Tuy nhiên, đã có nhiều bạn trẻ khác mạnh dạn chọn con đường mới: Học nghề.
Chắp nối cung - cầu
Ông Hoàng Bá Quyền – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối tượng thanh niên cần xác định mục tiêu chính đó là nhu cầu học và giải quyết việc làm sau học nghề. “Nhu cầu học nghề của thanh niên nông thôn hiện rất lớn, các em luôn xác định đi học để có nghề chứ không phải để lấy bằng cấp. Do vậy, trường nghề là cánh cửa mới cho thanh niên lựa chọn”- ông Quyền chia sẻ.
Tuy nhiên, học nghề phải gắn với việc làm mới có thể thực sự thu hút học viên và xu thế tất yếu hiện nay là các trung tâm dạy nghề, trường nghề thường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để sau khi các em ra trường có việc làm ổn định. Chẳng hạn, Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân liên kết với Trung tâm Kỹ thuật xe máy Hà Nội để tạo nơi thực tập, làm việc cho học viên sửa chữa xe máy. Ông Phạm Đình Hùng - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật xe máy Hà Nội chia sẻ: “Người làm nghề như chúng tôi rất cần những lao động có tay nghề bài bản, chuyên nghiệp. Vì vậy, việc liên kết với các trung tâm dạy nghề đang là hướng đi của chúng tôi để đảm bảo có nguồn lao động tốt”.
Học viên Trung tâm Dạy nghề Phương Nam trong giờ thực hành
Hoàng Trung Kiên- kỹ thuật viên sửa chữa xe máy tại Trung tâm Kỹ thuật xe máy Hà Nội chia sẻ: “Trước em theo học nghề ngắn hạn tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân, kết thúc khóa học, em được trung tâm giới thiệu làm việc tại đây. Vừa làm vừa học hỏi nâng cao tay nghề. Đến nay em đã có mức lương 10 triệu đồng/tháng”.
Với các học sinh thuộc diện gia đình chính sách, được hỗ trợ theo Quyết định 1956, một số trung tâm dạy nghề dân lập cũng có các hỗ trợ đặc biệt. Học viên Nguyễn Khánh Hoàn (Cẩm Khê, Phú Thọ) thuộc diện hộ nghèo, đang theo nghề điện dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề Phương Nam (Hà Nội) bộc bạch: “Bọn em được miễn giảm 10% học phí, chu cấp chỗ ăn ở và điều kiện sinh hoạt, nên rất yên tâm học tập”.
Bỏ tâm lý khoa cử
Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam nhận định, học trường nghề là một lựa chọn “đường gần, dễ đi” để có một ngành học phù hợp với khả năng của nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS hay THPT. Hiện ở các trường nghề cũng tiến hành việc đa dạng hóa ngành nghề với nhiều hình thức đào tạo. Nghề phổ biến nhất là sửa chữa ô tô, xe máy, điện dân dụng, điện thoại, cắt may…, học viên được đào tạo tại chỗ hoặc đưa tới các doanh nghiệp thực tập trực tiếp.
Ông Vũ Phương Nam - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Phương Nam cho biết: “Mặc dù đã đa dạng hóa trường nghề, đa dạng hóa hình thức học tập, nhưng nhiều thanh niên vẫn không mặn mà học nghề. Cái mác “đại học” đã làm lệch lạc suy nghĩ về con đường nghề nghiệp của nhiều học sinh”. |
Tuy nhiên, khi bước chân vào các trung tâm dạy nghề, nhiều học viên vẫn còn… ngại ngần. Học viên Lương Văn Cầu (Cư Yang, Eakar – Đăk Lăk), theo học tại Trung tâm Dạy nghề Phương Nam chia sẻ: “Gia đình em khó khăn, bố ốm nặng… thấy bạn bè đi thi ĐH, em cũng muốn đi thi. Nhưng sau em nghĩ, học đại học mà không tới nơi tới chốn thì cũng thất nghiệp, trong khi đi học nghề em có việc làm ngay và còn nhiều cơ hội học hành khác”.
Bà Nguyễn Thị Hằng chia sẻ, từ xưa tới nay, các trường nghề, trung tâm dạy nghề vướng phải một rào cản bởi tâm lý coi trọng bằng cấp của đại đa số phụ huynh, học sinh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần tuyển dụng đội ngũ có tay nghề chuyên nghiệp là rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các bậc phụ huynh cũng nên định hướng lại để giúp con em học đúng ngành nghề phù hợp. “Mục tiêu hợp lý nhất là phân luồng được 30% học sinh THCS vào học nghề, 50 – 60% học sinh THPT học nghề”- bà Hằng nói.