Thủ khoa "vật vã" tìm việc

Tốt nghiệp bằng đỏ các trường đại học, cao đẳng chính quy, được vinh danh, khen thưởng... nhưng nhiều thủ khoa vẫn chật vật trong quá trình tìm việc làm, thậm chí vẫn đang thất nghiệp.

Lận đận tìm việc

Hoàng Thị Linh là thủ khoa Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội năm 2012, nhưng hiện vẫn thất nghiệp. Tốt nghiệp chuyên ngành huấn luyện múa, giờ Linh dạy múa tự do cho mọi đối tượng, từ bé mầm non, học sinh, sinh viên và cả những người đã đi làm. Với thù lao 250.000 - 300.000 đồng/giờ dạy, lịch dạy kín nên thu nhập của Linh hiện khoảng 10 triệu đồng/tháng, đủ lo cho mình và giúp đỡ thêm cho gia đình. Nhưng Linh vẫn ao ước có được một công việc ổn định, đúng chuyên ngành, có thu nhập đảm bảo cuộc sống. 

"Thống kê ban đầu cho thấy, hầu hết thủ khoa tốt nghiệp năm 2013 có nhu cầu làm việc tại cơ quan Nhà nước đều thuộc các chuyên ngành đào tạo như: Tài chính, kế toán, ngân hàng… những lĩnh vực gần như bão hòa về nhân sự. Còn các chuyên ngành như: Kiến trúc, công nghệ thông tin hay giao thông đô thị rất cần người nhưng Hà Nội lại chưa nhận được tín hiệu phản hồi từ phía các thủ khoa”.

Bà Nguyễn Kim Dung
Phó phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, Sở Nội vụ Hà Nội

Linh quê ở Thái Nguyên. Nhà 2 chị em, bố thất nghiệp nên mẹ Linh phải tảo tần buôn bán lo toan cho cả gia đình. Thấy mẹ vất vả, Linh luôn nỗ lực học giỏi. Năm thứ 2 đại học, Linh đã biết kiếm tiền từ những buổi dạy múa ngoài giờ, tham gia dựng chương trình văn nghệ. Tốt nghiệp thủ khoa, Linh nộp đơn vào hàng chục cơ quan, nhưng “có cơ quan chẳng hồi âm, có cơ quan cho biết chưa có biên chế, có cơ quan không có nhu cầu nhận người... Duy nhất có Thành đoàn Hà Nội nhận, nhưng mức lương trong 1 năm đầu chưa đầy 2 triệu đồng/tháng, chẳng lo nổi cho mình nói gì đến giúp đỡ cha mẹ”, Linh cho biết.

Anh Vũ Ngọc Thương (hiện công tác tại Trung tâm Hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư, trực thuộc T.Ư Đoàn) tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành sư phạm âm nhạc Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư năm 2004, cũng khá lận đận trong quá trình tìm việc. Đầu tiên, anh được nhà văn hóa huyện Gia Lâm nhận vào thử việc, rồi chỉ ký hợp đồng ngắn hạn. “Hoàn cảnh gia đình không dư dả, đi làm không biên chế, lương hợp đồng ít ỏi mà thời gian sát sao, muốn làm thêm bên ngoài cũng rất khó, nên mình chỉ cố được 1 năm rồi xin nghỉ. Mình nộp đơn vào Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị và cảnh làm việc không biên chế lại kéo dài một năm nữa”, anh Thương cho biết.

Thủ khoa "vật vã" tìm việc - 1

Hàng tối, cựu thủ khoa Vũ Ngọc Thương vẫn phải đi dạy đàn tại một trung tâm tư nhân để kiếm thêm thu nhập

Năm 2006, anh Thương mới có được suất biên chế tại Trường THCS thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm). Tại đây, anh vừa là giáo viên dạy nhạc, kiêm tổng phụ trách, kiêm giám thị, vừa phải xoay xỏa làm thêm ngược xuôi để trang trải cuộc sống. Năm 2010, anh chuyển sang Trung tâm Hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư. Hiện đồng lương công chức ít ỏi, anh vẫn phải dạy đàn, dạy hát, dàn dựng chương trình ca múa nhạc… để kiếm thêm thu nhập.

Đừng bó buộc chỉ làm đúng ngành 

Theo số liệu từ Sở Nội vụ Hà Nội, 11 năm qua, Hà Nội đã vinh danh 1.203 thủ khoa tốt nghiệp đại học, cao đẳng ­­nhưng chỉ có 103 thủ khoa trong số này về làm việc tại các cơ quan của thành phố như Thành Đoàn, Sở Tư pháp, Sở Tài chính… Tuy nhiên, có tới 30% trong số 103 thủ khoa đã được tiếp nhận đó đã “dứt áo” ra đi sau một thời gian công tác. 

“Thủ khoa có những lựa chọn riêng, có thể ở lại trường, đi du học, làm việc cho các doanh nghiệp hay làm cho Nhà nước. Cũng có cơ quan Nhà nước mà thủ khoa nộp đơn xin việc thì lại chưa có nhu cầu. 10 năm qua, có khoảng 1/4  số lượng thủ khoa được tuyển dụng đã bỏ việc do họ vẫn phải trải qua thời gian học việc với mức lương khởi điểm thấp”, bà Nguyễn Kim Dung - Phó phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, Sở Nội vụ Hà Nội lý giải. 

Bà Dung cho biết thêm, thời gian tới các thủ khoa sẽ được ưu ái hơn khi tuyển dụng bởi theo Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô mà HĐND TP Hà Nội đã thông qua, sẽ áp dụng chính sách ưu đãi tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng... cho những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các cơ sở đào tạo đại học ngành, chuyên ngành mà thành phố đang có nhu cầu... 

Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, chị Nguyễn Thị Ngà - Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho rằng: “Trong những năm vừa qua, Thành đoàn là đơn vị tiếp nhận khá nhiều thủ khoa về công tác. Thực tế cho thấy, không phải thủ khoa nào cũng phát huy sở trường cũng như kiến thức trong môi trường công việc. Có thể nói, trường học mới chỉ trang bị cho các bạn trẻ phần kiến thức, còn để phát huy hiệu quả trong công việc đòi hỏi các bạn trẻ tự thích ứng, học hỏi mới mong tiếp cận tốt với công việc”.

Theo ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực HDBank: “Môi trường học và môi trường thực tế khác nhau, có thể thủ khoa rất giỏi trong môi trường học, nhưng chưa chắc đã hiệu quả trong môi trường tại các doanh nghiệp - nơi có yêu cầu rất cao về sự linh hoạt và chủ động. Do đó, các thủ khoa cần nỗ lực rèn luyện và học hỏi, bởi các kiến thức ở trong trường học là rất nhỏ. Đặc biệt, thủ khoa cũng đừng bó buộc chỉ làm đúng ngành đã học, bởi sẽ bó hẹp cơ hội tìm việc của mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Vân - Thu Hà (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN