“Thủ khoa kép” và nỗi lo thất nghiệp

Thủ khoa cả “đầu vào” và “đầu ra” Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học GTVT đang gánh nỗi lo thất nghiệp.

“Thủ khoa kép” và nỗi lo thất nghiệp - 1

Thủ khoa “đầu vào” và “đầu ra” Chu Thị Yến cùng mẹ và thầy giáo trong ngày nhận Bằng khen tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc 2015 do UBND TP Hà Nội tổ chức  (ảnh do nhân vật cung cấp)

Thủ khoa cả “đầu vào” và “đầu ra” ngành Kỹ thuật viễn thông và được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng “thủ khoa kép” Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học GTVT đang gánh trên mình nỗi lo tìm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường và khoản nợ của gia đình nuôi ăn học. 

Vượt khó, ghi danh Sổ vàng Văn Miếu

Đó là em Chu Thị Yến (SN 1993), sinh viên Khoa Điện - Điện tử, thủ khoa cả “đầu vào” và “đầu ra” ngành Kỹ thuật viễn thông và là gương mặt tiêu biểu của trường Đại học GTVT, tốt nghiệp loại xuất sắc, được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Yến được thày cô và nhiều sinh viên cảm mến vì có thành tích học tập ấn tượng. Năm 2011, Yến là thí sinh đạt điểm đầu vào cao nhất khoa, với 23,5 điểm. Tổng kết bốn năm học đại học, em đạt 3.64/4.0 điểm và tốt nghiệp loại xuất sắc với số điểm cao nhất khoa, trở thành “thủ khoa kép”.

Yến sinh ra và lớn lên tại Việt Yên (Bắc Giang) một vùng quê nghèo, gia đình làm nông. Bố Yến bị bệnh lao xương khớp nên chỉ quanh quẩn và làm được những việc nhẹ trong nhà. Mẹ Yến một mình chân lấm tay bùn làm nông, nuôi hai chị em ăn học. Chị Yến sau khi tốt nghiệp cao đẳng, giờ đang làm công nhân trong nhà máy, thu nhập cũng chỉ đủ lo cho bản thân.

Chăm chỉ học tập những mong cố gắng thoát khỏi sự đeo bám của cái nghèo, thế nhưng dù cầm trên tay tấm bằng đại học loại giỏi, “thủ khoa kép” ngành Kỹ thuật viễn thông vẫn đang phải vật lộn với công cuộc tìm việc. Đến nay, gần ba tháng trôi qua, những bộ hồ sơ xin thi tuyển của Yến vẫn chưa có “hồi âm”.

“Ý thức được gia cảnh nghèo khó, suốt bốn năm đại học, em luôn cố gắng học tập chăm chỉ, chịu khó tìm tòi nghiên cứu tài liệu, học thày học bạn. Sự nỗ lực đó đã giúp em đạt 6 học bổng trong 7 kỳ học”, Yến chia sẻ.

Trong chuỗi các hoạt động dành cho thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện năm 2015 do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức, Chu Thị Yến là một trong 98 thủ khoa vinh dự được góp mặt. Đặc biệt, Yến được tuyên dương, ghi danh trong Sổ vàng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2014, Yến cũng là sinh viên duy nhất của trường Đại học GTVT tham dự chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên ASEAN - Nhật Bản về khoa học công nghệ.

Chia sẻ về chuyến đi, Yến cho biết, ở Nhật Bản, mọi quy trình sản xuất đều vì môi trường và vì con người. Người ta bơm nước sông lên để làm nước sinh hoạt hàng ngày, nên nước thải từ các nhà máy đều phải được xử lý sạch đến mức cá có thể sống được trong nước đó mới xả ra sông, nước thải sinh hoạt cũng được xử lý tương tự. Các sản phẩm của họ cực kỳ tiện ích, họ chú trọng đến từng chi tiết nhỏ của sản phẩm. Mỗi nhà máy sản xuất đều đặt mục tiêu 0% chất thải.

“Trong chuyến đi Nhật, em được gặp rất nhiều bạn sinh viên trong khu vực Đông Nam Á và học hỏi được nhiều kiến thức về khoa học kĩ thuật của Nhật Bản. Điều đó rất hữu ích đối với một sinh viên kỹ thuật như em. Chuyến đi cũng giúp em nhận thức rằng, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của người khác”, Yến nói.

Thày Nguyễn Văn Khởi, Phó bí thư Đoàn trường Đại học GTVT - người trực tiếp giảng dạy Yến chia sẻ: “Yến là người thông minh, cần mẫn. Không chỉ đạt được nhiều thành tích trong học tập, em còn là lớp phó học tập năng động, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè…”.

“Thủ khoa kép” và nỗi lo thất nghiệp - 2

Thủ khoa Chu Thị Yến (đứng giữa) là sinh viên duy nhất của Trường ĐH GTVT tham gia chương trình giao lưu thanh niên ASEAN - Nhật Bản về KHCN (ảnh nhân vật cung cấp)

Sau giấc mơ đèn sách, lo thất nghiệp, trả nợ

Tâm sự về con gái, cô Đỗ Thị Hằng, mẹ của Yến cho biết, dù nợ không biết bao giờ mới có thể trả hết, nhưng thấy con học giỏi, gia đình rất phấn khởi và tự hào. “Ngày Yến đỗ đại học, tôi mừng rơi nước mắt, nhưng cứ nghĩ đến các khoản tiền chu cấp cho con ăn học, tôi lại lo lắng chẳng đêm nào ngủ được”, bà Hằng nói.

Sát ngày nhập học của con gái, mẹ Yến phải chạy vạy khắp nơi mới vay đủ tiền cho con nhập trường. Hàng xóm, láng giềng và họ hàng đều thấy sự vươn lên của Yến nên đều ủng hộ, giúp đỡ. Khi Yến vào học, nhờ có sổ hộ nghèo, gia đình đã vay từ chính sách ưu đãi dành cho sinh viên nhưng mỗi năm cũng chỉ được 10 triệu đồng, còn lại phải vay nợ.

Gạt vội dòng nước mắt, cô Đỗ Thị Hằng kể: “Hồi đang học đại học, trong một lần về thăm nhà, thấy cô đang làm ngoài ruộng bị kiệt sức rồi ngất, Yến hốt hoảng lo lắng. Khi cô tỉnh dậy, Yến mếu máo bảo con sẽ nghỉ học ở nhà giúp mẹ, để mẹ đỡ vất vả, quá sức như thế này. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng, động viên con nhất định phải đi học…”.

Hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ tháng thứ hai sau khi nhập trường, Yến đã xin đi làm gia sư để phần nào giảm bớt gánh nặng chu cấp của gia đình. Dẫu vậy, số tiền kiếm được cũng không đủ cho việc học tập. Vì thế số tiền gia đình phải vay mượn từ chính sách sinh viên cho hai cô con gái ăn học đến nay đã ngót nghét 100 triệu đồng.

Yến cho biết, dù với danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc, song cơ hội Yến được tuyển thẳng vào một cơ quan Nhà nước làm việc là rất khó, hơn nữa đây là một ngành kỹ thuật khá đặc thù. Yến cho biết, vì thương trò nên thày giáo giới thiệu cho em vào một công ty về ngành Điện - Điện tử, nhưng khi vào làm lại được phân công không đúng chuyên ngành học. Một cán bộ quản lý sau khi xem hồ sơ tại công ty đã khuyên em nên tìm một nơi thích hợp hơn để phát huy khả năng và sở trường. Sau đó, Yến cũng nộp hồ sơ đến nhiều công ty, nhưng gần ba tháng trôi qua vẫn chưa có đơn vị nào gọi đến phỏng vấn. Yến nói, nếu không tìm được công việc khác, em buộc phải nộp hồ sơ vào các công ty tư nhân gần nhà làm những công việc lao động phổ thông, như chị em đang làm.

Sau những ngày mệt mỏi tìm việc, vì thấy mẹ quá vất vả với công việc ở quê, những ngày gần đây Yến trở về Bắc Giang phụ giúp mẹ. “Em ước mong sẽ sớm tìm được một công việc đúng chuyên môn đã học, có thể phát huy được năng lực bản thân, giúp mẹ trả nợ số tiền đã vay để lo cho em ăn học. Chỉ có như vậy, em mới bớt dằn vặt bản thân, vì cha mẹ đã quá lao tâm, khổ tứ lo cho các con ăn học những năm qua”, Yến chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tươi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN