Thiếu nhà vệ sinh, thầy trò "đi bụi"
Đã vào năm học mới nhưng ngành giáo dục ở nhiều địa phương vẫn còn bao nỗi lo toan: Trường lớp xập xệ, thiếu thốn; học sinh nhăm nhe bỏ học; đường đến trường đầy hiểm họa chực chờ...
Đến nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa ĐBSCL, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh trường lớp xập xệ, tạm bợ. Biết bao dự án, kế hoạch xây dựng trường lớp khang trang đã có từ lâu nhưng hiện vẫn chưa rõ bao giờ mới thực hiện được vì thiếu kinh phí.
Trường không có nhà vệ sinh
Trường Tiểu học Phong Thạnh ở xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai - Bạc Liêu có thể xem là một trong những ngôi trường xập xệ nhất hiện nay ở miền Tây. Trường xây dựng cách đây 33 năm, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Hơn 6 năm nay, thầy trò phải gồng mình dạy và học trong nỗi lo trường lớp có thể sập bất cứ lúc nào.
Đã vào năm học mới nhưng ban giám hiệu và giáo viên Trường Tiểu học Phong Thạnh vẫn tất bật dọn dẹp bàn ghế, sắp xếp lại chỗ làm việc. “Sau nhiều lần xin sửa chữa, mới đây, trường được cấp tiền lót lại nền và đắp vá lại những cây cột sứt mẻ lòi cả lõi sắt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể yên tâm vì nhiều mảng tường đã bị nứt toác” - thầy Huỳnh Văn Tuấn, phó hiệu trưởng nhà trường, trăn trở.
Mớ bàn ghế, cửa nẻo cũ kỹ, hư hỏng này đã được “biên chế”
về các phòng học ở Trường Tiểu học Phong Thạnh - Bạc Liêu. Ảnh: Duy Nhân
Bên ngoài sân trường, hàng đống bàn ghế cũ kỹ, nhiều cái đã hư hỏng, chắp vá nhưng đã được “biên chế” về các phòng học. Nhiều cánh cửa gỗ phòng học, chỗ còn chỗ mất hoặc đã hỏng nát nhưng vẫn không có tiền để thay.
Ngoài điểm trung tâm, Trường Tiểu học Phong Thạnh còn có 4 điểm lẻ ở các ấp và tất cả đều không thua kém cơ sở chính về mức độ xập xệ. Điểm trường ở ấp 22 luôn bị ngập sâu mỗi khi có mưa. Một nỗi khổ khác mà thầy trò ở các điểm Trường Tiểu học Phong Thạnh phải chịu đựng nhiều năm nay là không có nhà vệ sinh. Mỗi khi có “tâm sự”, thầy trò đều phải... “đi bụi”!
Theo thầy Huỳnh Văn Tuấn, chính quyền địa phương đã có dự án xây dựng trường mới với kinh phí khoảng 4 tỉ đồng. Dự án đã có 2 năm nay nhưng chưa có kinh phí xây dựng. “Chúng tôi mong mỏi một ngôi trường mới từ rất lâu rồi. Có trường mới, thầy trò sẽ an tâm hơn, không sợ mưa nắng ảnh hưởng đến việc dạy và học. Có trường mới cũng đồng nghĩa sẽ thu hút được nhiều học sinh hơn vì không ít em đã phải bỏ học hoặc đi nơi khác vì không thể học ở ngôi trường thế này” - thầy Tuấn bộc bạch.
Ngã quỵ vì đứng học
Tại miền Trung, nhất là ở các vùng cao, chuyện trường lớp xuống cấp cũng luôn gây nhức nhối cho ngành giáo dục nhiều địa phương.
Đầu năm học mới, chúng tôi đến Trường Tiểu học Trà Veo nằm trên dốc đồi dựng đứng ở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà - Quảng Ngãi. Mang tiếng là trường nhưng thật ra chỉ một phòng có tường gạch, bàn ghế...; 3 “phòng học” còn lại dựng tạm bằng những tấm phên tre, không bàn ghế, không bảng đen, phấn trắng... Hôm chúng tôi đến, từng tốp học sinh đang đứng xếp hàng trong 3 “phòng học” này; phía trên, cô giáo - cũng phải đứng - cầm sách đọc, giảng bài…
Nhiều học sinh ở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà - Quảng Ngãi phải đứng học trong những phòng học thế này. Ảnh: Tử Trực
Theo cô Huỳnh Thị Hải Vân, giáo viên Trường Tiểu học Trà Veo, vì không có bàn ghế nên chưa thể cho các em học môn gì phải viết vào vở. “Vì phải đứng học lâu, nhiều em mỏi quá đã ngã quỵ xuống đất. Những lúc nắng nóng, mồ hôi học sinh tuôn như tắm; còn trời mưa thì nước tạt, dột ướt nhẹp các em” - cô Vân nói.
Trường Trà Veo có 73 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Phòng học khang trang duy nhất được ưu tiên cho các em lớp 1 và 2, còn các em lớp 3 và 4 phải học ở các “phòng” còn lại. Vì chỉ có một phòng học đàng hoàng nên giáo viên ở đây phải chia ra 2 ca sáng và chiều nhằm “khai thác” phòng này. Cảnh học tạm bợ này đã kéo dài từ đầu năm học 2010 đến nay.
Thầy Nguyễn Công, Hiệu phó Trường Tiểu học Trà Xinh, ngậm ngùi: “Hầu hết học sinh ở đây đều là con em gia đình rất nghèo khó, buổi sáng đi học, chiều phải theo cha mẹ lên rừng hái rau, kiếm củi… Nhiều lúc đang học, nhiều em ngất xỉu vì đói”.
Theo ông Đinh Văn Lập, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Trà, toàn huyện có 7 điểm trường trong tình trạng tạm bợ như Trường Trà Veo. “Hiện nay, 4 điểm trường đang được xây dựng, sửa chữa nhưng không kịp cho năm học mới; 3 điểm còn lại dù kế hoạch xây dựng đã có nhưng chưa thể triển khai vì không có kinh phí” - ông Lập cho biết.
Mượn tạm nhà dân Vào năm học mới 2012-2013, huyện miền núi Bắc Trà My - Quảng Nam vẫn còn thiếu phòng học trầm trọng. Theo Phòng GD-ĐT huyện Bắc Trà My, địa phương này còn 53 phòng học tạm, gồm 13 phòng lợp tấm bạt, vách tre nứa và 40 phòng sườn gỗ, mái lợp tôn đã xuống cấp. Ngoài ra, Bắc Trà My còn có 12 phòng học phải mượn tạm nhà dân, chủ yếu tại các khu dân cư tự phát ở các khu vực ảnh hưởng công trình thủy điện Sông Tranh 2. Do khó khăn về đất sản xuất và nước sinh hoạt ở các khu tái định cư tập trung nên người dân diện giải tỏa đã bỏ về nơi cũ, dẫn đến chuyện không có trường lớp cho con em học, buộc ngành giáo dục phải mở thêm lớp học, mượn tạm nhà dân để dạy. |
(Còn nữa)