Thí sinh từ chối xét tuyển ĐH, CĐ có phải vì phân luồng tốt?
Mùa tuyển sinh năm nay, có đến hơn 100 trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng kết quả điểm học bạ 3 năm THPT với điều kiện cần là tốt nghiệp THPT. Điều này có nghĩa là các em chỉ cần tốt nghiệp THPT là gần như cầm chắc được vào ĐH, CĐ.
Theo thông tin từ Bộ GDĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 là 800.000 thí sinh (chỉ tính thí sinh là học sinh lớp 12), giảm khoảng 12% so với năm 2015. Đáng chú ý, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển ĐH, CĐ tăng rất nhiều, lên đến 32%.
Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, điều này chứng tỏ công tác phân luồng tại các trường THPT đã có tác dụng, là tín hiệu tích cực cho thấy học sinh có chuyển hướng không muốn vào ĐH, CĐ bằng mọi giá. Đồng thời, đây cũng là sự chuyển biến về nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc lựa chọn ngành nghề và cấp học phù hợp với năng lực bản thân cũng như nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh tác dụng của công tác phân luồng, cần lưu ý đến điều kiện để vào ĐH, CĐ hiện nay không quá khó. Mùa tuyển sinh năm nay, có đến hơn 100 trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng kết quả điểm học bạ 3 năm THPT với điều kiện cần là tốt nghiệp THPT. Điều này có nghĩa là các em chỉ cần tốt nghiệp THPT là gần như cầm chắc được vào ĐH, CĐ.
Trong khi đó, tình hình tuyển sinh của các trường nghề vẫn vô cùng lao đao trong những năm qua. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của Trường CĐ Nghề TP.HCM là 1.750 nhưng phải tuyển quanh năm mới được vài trăm sinh viên.
Với các trường trung cấp nghề, tình hình còn bi đát hơn rất nhiều. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của Trường Trung cấp Nghề Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một) là 200 – 250 học viên nhưng chỉ tuyển được gần 100 học viên. Trường Trung cấp Nghề Khu công nghiệp Bình Dương (TX.Dĩ An) đưa ra chỉ tiêu 300 em, nhưng đến lúc khai giảng cũng mới chỉ tuyển sinh được 50 em.
Hiệu trưởng một trường nghề tại TP.HCM cho biết, theo thống kê trong năm 2015, hầu hết các trường nghề chỉ tuyển được 50% so với chỉ tiêu. Nhiều trường thay vì đào tạo dài hạn phải chuyển sang mở các khóa đào tạo ngắn hạn để hoạt động cầm cự. Trong khi đó, đối tượng học viên của các khóa ngắn hạn lại là những người đã đi làm, muốn học để nâng cao tay nghề chứ không phải là học viên mới.
Như vậy, việc thí sinh “chê” xét tuyển vào ĐH, CĐ chưa hẳn là công tác hướng nghiệp có hiệu quả hoặc thí sinh có xu hướng chọn học nghề thay vì vào ĐH, CĐ.