Tham nhũng giáo dục núp vỏ xã hội hóa

Từ tiền tưới cây, thuê bảo vệ, quét rác, xây bể bơi, mua điều hoà, đến… cái chổi quét lớp, cũng yêu cầu phụ huynh “xã hội hóa”!

Tại hội thảo về xã hội hoá giáo dục ngày 18/12, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng hình thức này đã xuất hiện nhiều biến tướng.

Cố tình hiểu nhầm xã hội hóa

Theo TS.Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, xã hội hoá là sự chuyển đổi từ chỗ chỉ dựa vào Nhà nước bao cấp hoàn toàn sang việc huy động nguồn lực trong dân để “cởi trói” cho giáo dục.

Tuy nhiên, trong quá trình huy động đóng góp tiền của dân đã dẫn đến nhiều hệ luỵ tiêu cực, mà những quốc gia tham gia viện trợ cho giáo dục Việt Nam, thời gian qua đã gọi chỉ danh là “tham nhũng trong giáo dục”.

Ông Lâm dẫn chứng bằng số liệu khảo sát gần đây của Công ty Tư vấn Quản lý và chuyến đổi tổ chức thực hiện ở 3 lĩnh vực giáo dục có thể xã hội hoá bao gồm: tuyển sinh đầu cấp, các khoản thu phí và dạy thêm học thêm.

Theo đó, có khoảng 20% số học sinh hiện đang học trái tuyến. Tỷ lệ này cao nhất tại các thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Lý do phụ huynh “quyết tâm” cho con học trái tuyến là: chọn trường công, chất lượng đào tạo tốt, gần nhà và chi phí phù hợp…

Trong đó, hầu hết nhà trường, phụ huynh được khảo sát đều thừa nhận học sinh phải đóng góp nhiều khoản phí khác nhau dưới danh nghĩa “tự nguyện – xã hội hoá”.

Tham nhũng giáo dục núp vỏ xã hội hóa - 1

Dưới "chiêu" xã hội hóa, lãnh đạo nhà trường này đã "ép" phụ huynh đóng tiền xây bể bơi (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Kết quả khảo sát cũng cho thấy: Việc học thêm xuất hiện ở hầu hết các trường. Trong đó, do nhà trường tổ chức chiếm 40%, do thầy cô dạy thêm riêng 49%, do cơ quan ngoài tổ chức 36%. Mức tiền chi cho việc học thêm hàng tháng trung bình là 470.000 đồng/ học sinh/ tháng.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng nhận định: “Nhiều người đang cố tình hiểu nhầm bản chất của xã hội hoá giáo dục. Theo họ, xã hội hoá giáo dục chỉ là: phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập có thể tự chủ tài chính và dân phải góp các khoản tiền để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất”.

Chính việc hiểu sai bản chất dẫn đến xã hội hoá bị lợi dụng: “Nhiều nơi kêu gọi phụ huynh “xã hội hoá” từ tiền tưới cây, thuê bảo vệ, quét rác, xây bể bơi, mua điều hoà, đến… cái chổi quét lớp. Nguyên tắc tự nguyện bị lấp liếm dưới vỏ bọc Hội phụ huynh, như thế là trái luật. Xã hội hoá không chỉ là thu tiền”, GS Dong nói.

Chi cho giáo dục chiếm hơn 30% thu nhập

Nhiều ý kiến cho rằng, mặt trái của xã hội hoá giáo dục còn khiến người nghèo đang khó tiếp cận hơn với các dịch vụ phúc lợi trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu của TS. Dương Việt Anh, Trung tâm Hội nhập và Phát triển về “sự tiếp cận các dịch vụ giáo dục của người nghèo ở nông thôn trong bối cảnh xã hội hoá” cho thấy: Gần 95% học sinh đang theo học tại các trường dân lập ở nông thôn là con em các hộ nông dân và phần lớn là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tham nhũng giáo dục núp vỏ xã hội hóa - 2

Người nghèo đang ngày càng khso tiếp cận với dịch vụ giáo dục chất lượng cao (Ảnh minh họa)

Theo đó, người nghèo đang chịu rào cản lớn hơn về học phí và phụ phí nếu so với 5 năm trước. Cụ thể, khi xã hội hoá giáo dục, các khoản phụ phí và học phí ngày càng tăng khiến khoản chi cho giáo dục của mỗi gia đình phải chiếm hơn 30% thu nhập, điều này hạn chế các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục đề xuất cần xây dựng một cơ chế bảo đảm cho học sinh nghèo có thể tiếp cận với dịch vụ giáo dục tốt nhất ở mọi hoàn cảnh. Làm thế nào để ngay cả khi học ở trường dân lập hay công lập học sinh cũng có thể được hưởng các chính sách phúc lợi giáo dục của Nhà nước.

Từ đây, ông Bảo đưa ra giải pháp xây dựng quỹ “phát triển giáo dục”. “Nên ban hành các sắc thuế đặc biệt đánh vào các loại hàng xa xỉ như thuốc lá, rượu, các cửa hàng sang trọng, dịch vụ cao cấp… Tiền thuế này sẽ được chuyển về quỹ “phát triển giáo dục” nhằm đầu tư mạnh hơn và có chiều sâu hơn cho hệ thống giáo dục bền vững”, ông Bảo nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN