Thâm nhập đầu nậu tuyển sinh liên thông

Việc tổ chức tuyển sinh liên thông xuất hiện những “đầu nậu” không có tư cách pháp nhân nhưng vẫn ngang nhiên công khai bán hồ sơ, thu phí ôn thi, lệ phí thi. Thậm chí, một số “đầu nậu” còn gợi ý cả việc chạy trường.

Dư luận nghi ngờ việc một số trường ĐH đang dung túng cho những đầu nậu tuyển sinh để giúp thu được nhiều hồ sơ tuyển sinh, các đầu nậu thì được hưởng số chênh lệch mức thu phí. Bên cạnh các trường ĐH một mực phủ nhận việc ủy quyền cho các cơ sở bên ngoài, vẫn có một số trường lại chấp nhận những bộ hồ sơ không đúng mẫu từ bên ngoài gửi tới.

Tràn ngập lời rao trên mạng

Trên hầu khắp những trang rao vặt như muare, rongbay.. đều xuất hiện những lời rao tuyển sinh với nội dung liên thông từ TCCN, CĐ lên hệ ĐH chính quy của những trường danh tiếng như: ĐH Điện Lực, ĐH kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Bưu chính viễn thông, ĐH Thương mại, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH GTVT… Tuy nhiên tất cả những lời rao trên đều được đăng ký bởi chủ nhân của những số điện thoại: 0989 45....; 0972 88..; 0912 36... Tìm kiếm trên trang Google, khi gõ những số điện thoại này đều nhận được hơn 1.300 kết quả đều với nội dung tuyển sinh liên thông xuất hiện từ năm 2011 tới nay.

Tất cả những lời rao tuyển trên đều có nội dung khá đầy đủ và chuyên nghiệp với các mục: ngành đào tạo, đối tượng tuyển sinh, thời gian ôn tập và tuyển sinh...và đặc biệt đều không quên dòng ghi chú: “Tạo điều kiện thuận lợi về đầu vào cho những sinh viên tham gia dự thi... tỷ lệ đỗ tới 99%”. Cũng theo những lời rao này, thí sinh không cần tới trường để nộp hồ sơ mà có thể tới những địa điểm khác trong thành phố...

Kiểm tra lại những nội dung tuyển sinh từ phía nhà trường, những nội dung tuyển sinh rao trên mạng đều trùng khớp từ ngành nghề tuyển sinh tới môn thi. Mặt khác, lời rao tuyển sinh còn xuất hiện rất sớm khi trang web chính thức của nhà trường còn chưa công bố.

Thâm nhập đầu nậu tuyển sinh

Theo địa chỉ và số điện thoại trong lời rao tuyển sinh được phát tán tràn lan trên mạng, trong vai một thí sinh đang có nhu cầu thi liên thông lên ĐH, phóng viên đã thâm nhập vào một cơ sở đầu nậu tuyển sinh, nằm tại trường Trung cấp Kinh Tế - Tài nguyên và Môi Trường Hà Nội, thuê địa điểm tại Q.Cầu Giấy. Đây cũng là địa chỉ xuất hiện rao tuyển nhiều nhất trên các trang mạng.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi bước vào phòng có gắn biển Phòng Tuyển sinh với 2 nhân viên một nam, một nữ. Chưa kịp lên tiếng, cô nhân viên nữ (xưng tên là T.) tuổi đời khá trẻ lên tiếng hỏi. Tôi trình bày muốn vào mua hồ sơ tuyển liên thông từ trung cấp lên Đại học. Nữ nhân viên hỏi lại: “Em muốn học ngành gì?”. Tôi nói muốn học kế toán. Như đã thuộc làu chương trình đào tạo tại các trường, nữ nhân viên trả lời luôn: “Thế này nhé, với bằng trung cấp liên thông ĐH, hiện tại em chỉ có thể đăng ký thi một là vào ĐH Điện lực, hai là ĐH Thương mại. Tiếc quá, không đến đăng ký sớm, vừa rồi các bạn đăng ký thi Thương mại đã xong, đang chờ giấy báo đỗ rồi”. Tôi đặt vấn đề: “Vậy bây giờ em muốn thi tiếp Thương mại thì thế nào?”. Nữ nhân viên nói luôn: “Em cứ mua hồ sơ, làm đủ thủ tục rồi nộp cho chị, tháng 7 ôn thi, tới tháng 8 lại có đợt thi nữa”. Tôi hỏi địa điểm thi là trong trường hay bên ngoài, nhân viên này nói: “Thi ngoài trường, bên chị liên kết xin được chỉ tiêu tuyển sinh mà”. “Vậy khi ra trường em có bằng chính quy hay tại chức?”, tôi hỏi tiếp. “Bằng chính quy chứ!”.

Khi người bạn đồng hành của tôi ngỏ ý muốn thi liên thông lên ĐH ngành xây dựng, thì nhận được luôn lời gợi ý: mua hồ sơ tuyển sinh vào trường ĐH Phương Đông hoặc ĐH GTVT, sẽ thi vào tháng 9 tới. Nói rồi nữ nhân viên lấy ra 2 bộ hồ sơ tuyển sinh cho chúng tôi rồi hẹn khi nào hoàn tất hồ sơ thì lại tới đóng phí ôn thi và lệ phí thi, với mức 1.500.000 đồng/người. “Tất cả bọn em cứ thông qua chị, cần liên lạc gì cứ gọi điện vào số điện thoại chị đã ghi trên vỏ hồ sơ rồi đấy. Cứ nộp hồ sơ ở đây, khi nào có giấy báo thi chị sẽ gọi”, T. dặn dò.

“Ở đây không nói được!”

Khi tôi tỏ ý không tự tin vào lực học của mình để có thể thi đỗ, T. :“Cứ nộp hồ sơ vào thi đi rồi chị sẽ hướng dẫn. Giúp được chị sẽ giúp, không vấn đề gì đâu”. Tôi gợi ý cụ thể hơn, T. vẫn dè chừng: “Ở đây là văn phòng, chị không nói được. Em cứ yên tâm mà thi. Khi nào mang hồ sơ tới đây, chị em mình sẽ nói chuyện này sau”.

Thâm nhập đầu nậu tuyển sinh liên thông - 1

Phiếu thu không có con dấu, không ghi rõ người nộp, người thu, lý do cũng như đơn vị thu

Tiếp xúc với chúng tôi, một thí sinh tên H. cũng đã từng nộp hồ sơ vào cơ sở của T. cho biết cô đã đăng ký nộp hồ sơ tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH Điện lực ngành Kế toán với mức phí ôn thi và phí thi là 1.250.000 đồng. H. đã nộp đầy đủ thủ tục từ tháng 4 với lời hứa sang tháng 6 sẽ thi nhưng tới giờ vẫn chưa thấy có giấy báo thi. “Mãi không thấy được thi mình liền tới trung tâm phản ánh. Thấy vậy họ đã cho mình vào học tại một cơ sở liên kết với trường ĐH Điện lực và nói cứ học rồi chờ ngày thi sau”, H. nói và đưa cho tôi xem tờ phiếu thu mà trên đó không hề có con dấu, ngay cả tên đơn vị thu cũng không có. Nội dung chỉ vỏn vẹn tên người nộp, số tiền, chữ ký người nộp và chữ ký của người lập phiếu. Cầm phiếu thu trên tay, H. ái ngại: “Nhìn tờ phiếu cũng biết không hợp pháp, nếu có chuyện gì với cơ sở này thì bọn em cũng mất trắng tiền chứ chả biết hỏi ai”.

H. còn cho biết, khi tới nộp hồ sơ, nếu ai có gợi ý muốn “chạy” để được chắc đầu vào đều được nhân viên “đáp ứng”. “Không bao giờ nhân viên dám ngã giá chạy trường ở trong phòng. Bao giờ họ cũng đợi lúc vắng người rồi gọi đối tượng có nhu cầu ra quán nước gặp mặt rồi ngã giá. Hình như họ cứ nhìn người để hét giá, bạn của em thi liên thông vào Thương mại có người bị gạ 3 triệu đồng, có người lại 4 triệu đồng…”, H kể.

Trường bảo không, trường nói có

Trao đổi với phóng viên, đại diện các nhà trường đều cho rằng đã biết thông tin những cơ sở lợi dụng danh tiếng của trường để thực hiện tuyển sinh, tuy nhiên lại không thể quản lý hoạt động của những “đầu nậu” này. Ngoài ra, các trường cũng khẳng định không ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào đứng ra bán hồ sơ, thu phí tuyển sinh hệ đào tạo chính quy.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng đào tạo ĐH GT-VT khẳng định: “Tất cả khâu tuyển sinh và đào tạo bằng chính quy chỉ diễn ra tại trường chứ không hề được tổ chức tại bất kỳ địa điểm nào khác”. Còn theo ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhiều thí sinh do không biết đã vô tình mua phải hồ sơ giả tại nơi khác rồi đem tới nhà trường xác minh mới té ngửa là mình bị lừa. “Hồ sơ chính thức chỉ được phát hành tại trường có dấu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nội dung này cũng được chúng tôi công khai trên website của trường”, ông Dong nói.

Qua tìm hiểu, thực tế, hồ sơ tuyển sinh của những cơ sở “đầu nậu” bán cho thí sinh vẻ ngoài đều giống với hồ sơ mẫu nhưng để ý thì không có con dấu của trường bên ngoài bao bì. Tuy nhiên, một số trường ĐH lại chấp nhận hồ sơ tuyển sinh cho dù nó không đúng với mẫu gốc của trường. Ông Phạm Văn Bổng, Trưởng phòng đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: mặc dù không đúng với mẫu hồ sơ của trường nhưng những thí sinh nào có “lỡ” mua hồ sơ đăng ký dự thi tại các cơ sở bên ngoài thì cũng vẫn được nhà trường thu nhận nếu nội dung bên trong đúng với yêu cầu của chương trình đào tạo.

Một thí sinh từng thi liên thông từ cao đẳng lên ĐH Thương mại vào tháng 9.2011 cho biết, nếu nộp hồ sơ tại trường thì chỉ mất 450.000 đồng (trong đó, tiền mua hồ sơ là 20.000 đồng, lệ phí ôn thi là 320.000 đồng, lệ phí thi 130.000 đồng”. Trong khi đó, khi thí sinh tới nộp hồ sơ tại các cơ sở “đầu nậu”, ngoài việc mua hồ sơ với giá 50.000 đồng, mỗi người còn phải nộp từ 1.250.000 đồng tới 1.500.000 đồng lệ phí ôn thi và phí thi, tùy theo từng trường đăng ký.

NHẬN KẾT QUẢ THI TỐT NGHIỆP SỚM NHẤT – CHÍNH XÁC TUYỆT ĐỐI

Chỉ cần soạn tin: DIEM MÃTỈNH SỐBÁODANH gửi 8502

Để biết thêm chi tiết Bấm đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Điều tra của Hoàng Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN