Tết ấm của những đứa trẻ bơ vơ
Tết cận kề, những đứa trẻ rơm rớm nước mắt mỗi khi có người nhắc đến bố mẹ, những người ruột thịt rời xa chúng từ nhỏ. Được cưu mang, nuôi lớn trong căn nhà tình thương ở Hà Nội, chúng khát khao hơi ấm của một gia đình và những bữa cơm vui vầy.
Chuyện của cậu bé “người rừng” về phố
Chuyện về 3 cha con cậu bé “người rừng” Sùng A Lự sống trong hang đá ở tỉnh Cao Bằng như người tiền sử xôn xao dư luận năm 2011. Sau đó họ được phát hiện và đưa về Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam.
Ngày ấy, A Lự 7 tuổi, ngày ngày phải vác bó củi to gấp ba người leo đồi, vượt suối hàng chục kilômét về chợ chỉ đổi được 2 gói mì tôm cầm hơi. Khi được giải thoát khỏi hang đá, Lự gầy gò, đen nhẻm và đói lả.
Bé Sùng A Lự xúc động kể lại câu chuyện buồn
Gần 3 năm ở Hà Nội, Sùng A Lự không còn phải vác củi, được ăn no và còn được học chữ, học hát như bao nhiêu đứa trẻ khác. Thấy người lạ đến trung tâm, Lự có phần ít nói, bẽn lẽn di di bàn chân xuống nền nhà.
Em vừa tan giờ học ở trường tiểu học Văn Chương, quận Đống Đa (Hà Nội). Lự khôi ngô trong chiếc áo khoác phao trắng nhưng ngả màu được một người phụ nữ tốt bụng mang cho. Lự cho biết, em đã học xong một lớp tiếng Việt và đang học lớp 2.
Ước nguyện ngày Tết, Lự chỉ mong được gặp bố và em trai. Lự muốn về nhà thăm họ nhưng không phải nơi núi rừng tuổi thơ cơ cực đã trải qua, nhưng em không biết họ ở đâu. Thầy Trần Duyên Hải, Giám đốc trung tâm cho biết, bố Lự sau khi được trung tâm xin cho làm bảo vệ ở một cty với mức lương 3 triệu đồng/tháng nhưng không quen với cuộc sống thành thị, ông đã ôm con trai út Sùng A Đại bỏ trốn, để lại Sùng A Lự ở trung tâm. Từ đó đến nay, không ai biết thông tin gì về hai cha con họ.
Ở trung tâm, Lự được nhiều người thương cảm. Họ thường cho quần áo, tặng quà. Trường tiểu học Văn Chương nhận dạy học miễn phí. Khi được các anh chị sinh viên tình nguyện dẫn đi chơi, Lự thích nhất được đến Văn Miếu và Lăng Bác Hồ.
Lự khoe, em được chọn tham gia vào nhóm học hát do Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tài trợ. Tháng 1/2014 này Lự sẽ cùng các bạn cùng cảnh tham gia chương trình Liên hoan nghệ thuật trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Ở đó, em sẽ được hát, được chơi và vẽ điều mình mơ ước.
Nhiều người biết đến hoàn cảnh của Lự, tìm đến trung tâm xin thầy cho em được về làm con nuôi nhưng Lự không đồng ý. Em nói, muốn ở trung tâm với thầy Hải, sau này lớn lên sẽ học nghề lái xe để đi tìm bố. Nhắc đến bố, nước mắt Lự chảy dài. Từng tiếng rấm rức trong cổ họng.
Ký ức đói rét, đau buồn tuổi thơ vẫn ám ảnh em. Lự kể về tuổi lên 7 cơ cực, em là lao động chính nuôi cha và em. Mẹ Lự bị lừa bắt đi Trung Quốc, người cha nghiện rượu bán cả ngôi nhà tồi tàn ở xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) chỉ để mua rượu. Từ đó, ông đưa 2 con nhỏ lên núi ở trong hang đá sinh sống.
Lự kể, hang đá không sâu nên mỗi khi có mưa mọi thứ ướt nhẹp. Nguồn sống duy nhất của gia đình dựa cả vào những bó củi Lự mang ra chợ phiên. Người cha ngày ngày vào rừng đốn củi, Lự vác củi ra chợ đổi lấy gạo, mì gói. Khi cha ốm, Lự phải kiêm luôn cả hai nhiệm vụ, sáng chặt củi, trưa vác ra chợ đổi gạo thì tối cả nhà mới có cơm.
Con đường từ hang đá ra đến trung tâm chợ phải qua nhiều suối, dốc núi. Những ngày mưa, có khi 2-3 ngày Lự không thể lội suối ra chợ được, cả nhà nhịn đói. Cái đói khiến em trai Sùng A Đại khóc đến lả đi. Lự nói, những người dân ở chợ khi nhìn thấy em vác củi đến, họ mua ngay.
Lúc thì họ trả tiền, lúc trả gạo, cũng có lúc chỉ đổi được hai gói mì. Nhờ quyết tâm như thế, nhiều lần cậu bé 7 tuổi cứu sống bố và em trai. Năm nay là Tết thứ 3 Lự ở Hà Nội trong sự đùm bọc của thầy Hải và những nhà hảo tâm.
Tết ở “ngôi nhà vô sản”
Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam nằm sâu trong một con ngõ phố Khâm Thiên (Hà Nội). Gọi trung tâm nhưng đó là nhà riêng của thầy Hải. Vì trót theo nghiệp thiện, dành nhiều tình thương lũ trẻ bơ vơ, thầy Hải vay mượn đủ tiền mua nhà làm nơi cư ngụ, bao bọc chúng từ những năm 1980.
Phút giây vui đùa của trẻ tại ngôi nhà thầy Hải
Những đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ, mồ côi, bị bỏ rơi, đói khát được thầy Hải tìm thấy hay nhiều người giới thiệu đều được thầy nuôi dưỡng. Dần dà, ngôi nhà ấy được cấp phép thành trung tâm do thầy quản lý. Mỗi năm, có hàng chục đứa trẻ được trung tâm nuôi dưỡng.
Thầy Hải lưu giữ cẩn thận một tập hồ sơ dày cộm về những đứa trẻ từng sống nơi đây. Sau khi được dạy nghề, nhiều đứa trẻ trưởng thành, có việc làm, chuyển ra ngoài sinh sống nhưng vẫn giữ liên lạc với thầy. Thầy Hải nói vui mà thật: “Đây là ngôi nhà nghèo nhất Hà Nội bởi những người sống trong đó đều vô sản”.
Sau khi gọi điện cho một số học trò cũ từng được thầy bao bọc, thầy mời chúng về đón Tết trong căn nhà chung để những đứa trẻ mồ côi bớt buồn tủi. Thầy Hải tâm sự, dịp lễ Tết, ông thương đám trẻ mồ côi nhiều hơn, khi chúng bơ vơ nhớ nhà, nhớ quê. Những hoàn cảnh bi thương, đứa mẹ bỏ đi, bố đi lấy vợ khác; đứa mồ côi cả bố lẫn mẹ...
Giống các năm trước, thời gian này thầy Hải liên lạc với các nhà hảo tâm, cố gắng chuẩn bị cho các em đón Tết tươm tất nhất với canh xương măng, bánh chưng, giò chả. Trên tầng 5 ngôi nhà, những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa.
Nán lại bữa cơm chiều, tôi chứng kiến 5 đứa trẻ chụm nhau trong một mâm cơm chỉ 6.000 đồng/suất. Một tô cơm trắng, bát canh rau cải và một đĩa thịt băm cũng là sự tính toán của người đầu bếp trong thời buổi thóc châu gạo quế này. Mong sao những bữa cơm đủ no cũng làm ấm lòng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Thầy Trần Duyên Hải cho biết, dịp Tết những đứa trẻ lang thang tìm đến Trung tâm ở nhà số 25/48 ngõ Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa (Hà Nội) nhiều hơn. Chúng thường ở trong nhà, ít ra ngoài chơi có lẽ vì tủi thân, chạnh lòng. Điều an ủi của tụi trẻ thiệt thòi là thầy Hải lo cho những bữa cơm đầy đủ khiến chúng ấm lòng. |