Tám năm chở chồng đi dạy

Buổi sáng, vợ dậy thật sớm chuẩn bị bữa sáng, quét dọn nhà cửa rồi cả nhà cùng… đến trường. Trên chiếc xe máy đã phai màu sơn, đứa con nhỏ ngồi trước, người chồng mù ngồi phía sau.

Khi cả con và chồng đều có mặt ở trường, cô cũng vừa kịp giờ lên lớp. Tám năm rồi, điều đó đã thành nếp

Đến tổ 52 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), hỏi gia đình thầy giáo mù Hoàng Văn Khương (37 tuổi) và cô Nguyễn Thị Hồng (33 tuổi) ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn cùng những lời khen không ngớt về một câu chuyện giống như cổ tích.

Ác mộng

Gặp thầy Khương trong một buổi ghé thăm trường chuyên biệt khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Vừa xong tiết học cuối, bước ra khỏi lớp, gặp tôi và cô hiệu trưởng Đỗ Thị Đỗ Quyên ở hành lang, thầy cất tiếng chào cùng nụ cười niềm nở.

Thấy tôi thắc mắc, thầy giải thích không có đôi mắt sáng nhưng bằng đôi tai biết lắng nghe và cảm nhận để thấy mọi thứ đang chuyển động. Thầy bắt đầu làm quen với điều đó từ hơn 10 năm nay. Còn cô hiệu trưởng thì tấm tắc, đó là một người rất có ý chí, biết vượt lên nghịch cảnh số phận. Thầy Khương là một trong ba giáo viên của trường thuộc dạng khuyết tật nhưng rất được học trò và đồng nghiệp yêu mến.

Tám năm chở chồng đi dạy - 1

Hạnh phúc giản dị của gia đình thầy Khương, cô Hồng cùng cậu con trai. ảnh: Hoài Văn

Đang là một thầy giáo trẻ tại trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, sau đợt đau mắt kéo dài, một sáng thức giấc thầy bỗng không còn nhìn thấy gì. Bác sĩ kết luận thầy bị bong võng mạc nên từ đây sẽ phải tập làm quen sống với bóng tối. Đất trời như sụp đổ. Ròng rã một năm trời chạy chữa, chán nản, bế tắc. Phải rất cố gắng cậu học trò nghèo quê gốc Nghệ An mới đạt được ước mơ làm thầy giáo, vậy mà...

Sau những lời khuyên, an ủi của ba mẹ, đồng nghiệp, thầy chấp nhận hiện thực, mò mẫm tìm đường. “Mình bắt đầu tập định hướng, cảm nhận nhiều hơn thay cho đôi mắt. Giai đoạn đầu té lên té xuống, toàn thân sưng húp vì…bước nhầm” – thầy cười hiền.

Cổ tích của cô giáo Hồng

Rời phố núi xa xôi, thầy Khương về Đà Nẵng nộp hồ sơ xin dạy tại trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, lúc đó còn đang học tạm tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Với tôi như vậy là quá đủ. Ông Trời luôn công bằng. Có khi ta tưởng đã xuống vực sâu, nhưng sau đó lại cho ta rất nhiều. Con tim tôi đã thấy vui trở lại 

Thầy Khương chân tình

Ngày đó cô giáo Hồng còn là một sinh viên Ngữ văn, thường theo đoàn sinh viên về dạy tình nguyện cho các em khuyết tật. Số phận khiến cô gặp, trò chuyện và cảm thông với câu chuyện buồn của thầy giáo trẻ.

“Lúc đó mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là một người bạn thân. Mọi chuyện vui buồn đều chia sẻ. Rồi mến, rồi yêu lúc nào không hay”, cô Hồng bồi hồi nhớ lại.

Nhận lời yêu, nhưng những buổi hẹn hò riêng tư rất ít, thường chỉ là câu chuyện về những học trò khuyết tật sau mỗi buổi dạy. 5 năm sau, đám cưới được tổ chức ngay tại sân trường. Bữa cơm ấm cúng. Thế rồi nên vợ nên chồng.

Cuộc sống chật vật trong căn nhà trọ nhỏ, chỉ với 300 nghìn đồng lương hợp đồng của chồng cho mọi khoản chi tiêu. Cô tất tả chạy đăng ký xin dạy kèm. Một ngày của hai vợ chồng thường bắt đầu rất sớm. Chồng không nhìn thấy đường nên hầu như công việc nhà một tay cô lo. Sáng dậy thật sớm để chuẩn bị bữa sáng, quét dọn nhà cửa và chở chồng đi dạy. “Có hôm trời mưa to, đường về nhà ô gà ổ voi đầy, phía sau chồng ôm chặt cứng như một đứa trẻ. Thấy lòng vui” – cô nhìn sang chồng tủm tỉm.

Trời cũng không phụ lòng người. Đứa con trai đầu lòng ra đời mang cái tên rất đẹp Hoàng Văn Lộc. Lộc là của trời cho, là sự đơm nở của một tình yêu đẹp. Hai vợ chồng xem như bảo bối. Nhiều năm tích cóp, vay mượn và giúp đỡ của gia đình, ngôi nhà nhỏ ấm cúng được dựng lên ở cuối con hẻm nhỏ đường Tô Hiệu (phường Hòa Minh, TP Đà Nẵng).

Cả hai rồi cũng có được công việc ổn định. Cô Hồng hiện là giáo viên của trường THPT Thanh Khê. Còn ở trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy Khương vừa là giáo viên phụ trách môn Lịch sử, kiêm nhiệm Chi hội trưởng Hội Người mù của trường.

Ngày tất bật, đêm về lại miệt mài bên trang giáo án. Thầy Khương luôn được khen bởi cách dạy môn Sử sáng tạo bằng cách ghi âm những câu chuyện lịch sử và mày mò tự chế những đồ dùng trực quan để cho tiết học trở nên hấp dẫn, sinh động hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Văn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN