Tại sao kẻ cơ hội luôn nôn nóng?
So với đề thi văn tốt nghiệp THPT 2012 về “thói dối trá”, đề thi đại học văn khối C tỏ ra hóc búa và đánh đố thí sinh hơn rất nhiều bởi việc xác định ai là kẻ cơ hội, ai là người chân chính không phải dễ dàng.
Cha ông ta có câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Vậy câu nói đó có ý nghĩa gì? Phải chăng những kẻ khôn lỏi thường tỏ ra rất nôn nóng và thường không bình tĩnh ứng xử trước các cơ hội?
Bởi đã không tranh đua thì thôi chứ đã tranh đua vì miếng cơm manh áo, vì công danh sự nghiệp, vì tiền tài vật chất thì ai dại gì “trâu chậm uống nước đục”.
Người xưa cũng từng nói: “Dục tốc bất đạt”. Nghĩa là phàm việc gì cũng phải chuẩn bị kỹ càng để có được hiệu quả công việc tốt nhất. Trong một câu chuyện cổ của Nhật Bản, một vị kiếm sĩ đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi ẩn sĩ (vốn là đệ nhất kiếm khách đã mai danh ẩn tích) cho rằng nếu càng nôn nóng luyện tập, càng mong muốn đạt được danh hiệu càng cao thì sẽ càng mất rất nhiều thời gian. Thậm chí còn có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”, mất hết công sức khổ luyện trước đó.
Đối với người Việt Nam, Lý Thông là mẫu hình của kẻ tiểu nhân cơ hội. Ngược lại nhân vật Thạch Sanh lại là điển hình của một vị chính nhân quân tử.
Lý Thông tỏ ra rất nôn nóng, y sợ chết nên quýnh quáng nhờ Thạch Sanh đi canh miếu thần thay mình. Khi thấy chằn tinh bị giết thì nhanh chóng lừa gạt Thạch Sanh để hưởng công hưởng lợi. Đến khi công chúa bị đại bàng tinh bắt, y cũng hồ hởi xin vua cho đi lập công dù không có thực tài. Trong khi đó Thạch Sanh dù bị Lý Thông lừa gạt, bị hắn tranh công nhiều lần vẫn không mảy may oán thán, sắc mặt vẫn không đổi khi gặp lại bạn bè.
Đi canh miếu thờ, Thạch Sanh biết ngay mình bị bạn lừa gạt, chàng vẫn im lặng. Đến khi cứu được công chúa, Thạch Sanh cũng để cho Lý Thông kéo nàng lên trước, dù sau đó bị chính tên bạn của mình lấy đá lấp hang. Do đó Thạch Sanh trở thành mẫu hình “thà người phụ ta chứ ta không phụ người” mà thiên hạ ai ai cũng cảm phục chính vì lẽ này.
Nhưng tại sao cha ông ta đến cuối cùng lại cho Lý Thông biến thành bọ hung, còn Thạch Sanh thì lại làm phò mã ? Thậm chí, khi Thạch Sanh đã làm phò mã, tưởng đã hết chuyện, nhưng cha ông ta lại còn để chàng có thêm công lao chinh phục được các chư hầu và sau đó lại được làm vua?
Thật ra trong suy nghĩ của của cha ông ta, những kẻ thăng quan tiến chức, làm giàu bằng xu nịnh, bằng lừa lọc đến cuối cùng sẽ phải bị trả giá.
Nhưng ngày nay biểu hiện của kẻ cơ hội tinh vi hơn, ngay trong cái tốt đẹp nếu không biết giữ mình, tu dưỡng thì phát sinh ngay cái cơ hội, “xã hội đồng tiền” càng cho phép những kẻ cơ hội có điều kiện nhiều hơn, lớn hơn để làm những việc “phá dân hại nước” rộng hơn và nhanh hơn. Có phải vì "trình độ" cơ hội ngày càng cao này mà đề văn đã ngụ ý rằng giới trẻ trước khi bước ra đời đã nên cảnh giác bản thân và nhận diện đâu là con đường chân chính để đặt bước chân vào?!
Đối với sự nghiệp cách mạng, những phần tử cơ hội còn nguy hiểm hơn cả những kẻ thù có súng ống, xe tăng và nền kinh tế hùng mạnh. Bởi chúng thường chống phá cách mạng như những tên “giặc nội xâm”, từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây gặm nhấm tiền tài vật lực của đất nước. Thậm chí, V.I.Lênin còn cho rằng: “Nhiệt tình cộng ngu dốt thành phá hoại”. Bởi những kẻ ngu dốt thường dễ bị lôi kéo bởi tiền tài vật chất thấp hèn và dễ bán đi bản thân của mình cho quỷ dữ.
Nếu ai cũng vì cái lợi, cái danh cá nhân của mình thì tương lai của xã hội khó mà đoán định được. Hiện nay, ở nước ta những kẻ cơ hội đã không hiếm. Thậm chí có người từng ví von rằng thời nay “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Tham nhũng, cửa quyền, bệnh vô cảm, giá cả tăng vọt, móc ngoặc làm giàu bằng mọi cách, phá hoại môi trường sống...
Những Thạch Sanh đời thường vẫn còn đó. Chẳng hạn như những hiệp sĩ bắt cướp, những sinh viên tình nguyện, những người lính biển đảo, những doanh nhân đi lên bằng đôi chân của mình, những nhà hảo tâm làm từ thiện không màng danh lợi... nhưng khi nhắc đến những con người này, nhiều người tuy kính phục nhưng lại không mong muốn mình hành xử như họ, bởi vì không muốn mang “nợ” và “nghiệp” vào thân.
Phải chăng làm Thạch Sanh đời nay phải chịu thiệt thòi chứ ít được đền đáp? Có phải vì thế mà kẻ cơ hội lại càng nôn nóng về đích bằng mọi giá? Làm thế nào để thắp lên niềm tin về sự chân chính cho giới trẻ? Đó là những câu hỏi cần chúng ta suy nghĩ.