Số phận bi thảm của nữ nhiếp ảnh gia thiên tài người Mỹ
Francesca Woodman là nhiếp ảnh gia người Mỹ, cô rất nổi tiếng với những bức hình đen trắng chụp chính mình và những người mẫu nữ. Tuy cực tài giỏi nhưng cô có một cuộc đời bi kịch khi tài năng không được công nhận.
Francesca Woodman (1958-1981) là nhiếp ảnh gia người Mỹ, cô rất nổi tiếng với những bức hình đen trắng chụp chính mình và những người mẫu nữ. Những bức ảnh phụ nữ khỏa thân của cô thường được che mặt, làm nhòe nhờ chuyển động máy và nhờ thời gian phơi sáng lâu, với hiệu ứng này khiến cho hình ảnh người mẫu như hòa nhập vào khung cảnh xung quanh.
Sau này khi truyền thông viết về Francesca Woodman đều đề cập đến khối lượng các tác phẩm khổng lồ và ấn tượng của cô, gồm hơn 800 bức ảnh đầy ám ảnh và dường như được tái hiện lại bối cảnh câu chuyện cuộc đời bi thảm của nữ nhiếp ảnh gia này. Tuy nhiên, những tác phẩm này chỉ được nhắc đến sau khi cô đã qua đời vào năm 22 tuổi.
Được phát hiện và nổi tiếng từ năm 1986, 5 năm sau khi tự sát, Woodman đã trở thành một biểu tượng, một “ngôi sao băng” của nhiếp ảnh đương đại. Những câu chuyện huyền thoại xung quanh cô chắc chắn được thêu dệt từ tiểu sử và cái chết đầy ám ảnh từ lúc còn quá trẻ của cô.
Francesca Woodman sinh ngày 3/4/1958 tại Denver, Colorado, cha mẹ của cô là hai nhà điêu khắc và họa sĩ nổi tiếng George Woodman và Betty Woodman. Anh trai cô cũng là một nghệ sĩ khá thành công. Trong một gia đình chuyên làm công việc về nghệ thuật và nghệ thuật luôn được ưu tiên hàng đầu, không có gì đáng kinh ngạc khi Francesca cũng được truyền cảm hứng và đam mê nghệ thuật từ rất sớm.
Bắt đầu chụp ảnh khi lên 14 và từ đó trở đi, Francesca không ngừng nghiên cứu về nghệ thuật nhiếp ảnh. Cô đã có hướng tìm kiếm sự nghiệp cho mình. Bạn bè và gia đình miêu tả cô là người cực kỳ có ý chí, đầy tham vọng và ý thức về những hình ảnh mà cô tạo dựng từ chính bản thân mình. Nhẹ nhàng và dễ bị tổn thương nhưng đồng thời có năng khiếu và đầy thuyết phục về tài năng của mình, Woodman rất say mê công việc nhiếp ảnh. Cô luôn muốn được công nhận với một khao khát gần như điên cuồng và bị đốt cháy bởi chính khát vọng của mình.
Sau khi lấy bằng nhiếp ảnh danh dự ở Rome, Ý trong 2 năm 1977 và 1978, do nói thông thạo tiếng Ý nên Francesca dễ dàng kết thân với giới trí thức và nghệ sĩ nước này. Năm 1979, Woodman chuyển đến New York và quyết định lập nghiệp trong nghành nhiếp ảnh. Cô gửi các tác phẩm của mình tới những nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng khi đó. Tiếc thay, nguyện vọng của cô, lời cầu xin được công nhận của Francesca trở nên vô vọng khi cô không nhận được bất kỳ sự hồi âm nào.
Năm 1980, Woodman bị trầm uất do áp lực công việc và quan hệ tình cảm bị rạn vỡ. Ngày 19/1/1981, cô tự kết liễu đời mình bằng cú nhảy ra khỏi cửa sổ gác mái ngôi nhà ở New York. Bạn bè cô chia sẻ, quãng thời gian đó, tâm lý của Francesca thật sự không ổn định. Bị áp lực bởi sự khát khao thành công chưa được đáp ứng, tình cảm đổ vỡ đã khiến cô bị trầm cảm nặng. Mặc dù gia đình đã đưa Francesca đi trị liệu nhiều lần và cũng đã có tiến triển nhưng trong một vài phút lơ là, thảm kịch đã xảy ra. Khi đó Francesca mới tròn 22 tuổi.
Sau cái chết của Francesca, giới chuyên môn mới bắt đầu chú ý và đề cập tới khoảng 120 bức ảnh của cô từng được xuất bản và triển lãm. Tất cả các bức ảnh của Francesca đều là ảnh đen trắng, mặc dù vậy người ta vẫn có thể nhận ra được những tông màu trắng và đen rất phong phú. Người xem cảm nhận được độ rực rỡ của nắng, hay những bối cảnh u ám phần lớn xuất hiện trong các tác phẩm của cô. George Woodman (cha của Francesca) mô tả các tác phẩm của con gái mình là "bộ phim truyền hình được sắp xếp một cách có ý nghĩa". Hình ảnh những người phụ nữ trong các bức ảnh của Woodman mang ý nghĩa khám phá cơ thể người, nhưng luôn liên quan đến môi trường xung quanh. Cô kết hợp các yếu tố của sân khấu với hiệu ứng ánh sáng khiến các bức ảnh trở nên siêu thực.
Đa số những bức ảnh của Woodman tạo ấn tượng đầu tiên là sự trống rỗng, nhưng khi xem kỹ hơn, độ sắc nét của chúng cho thấy các chi tiết đặc sắc trong quần áo, đồ đạc, tường và các vật liệu khác nhau: vải, đá, đất, gỗ hoặc thậm chí là tóc, được thể hiện với đến từng chi tiết cụ thể. Những bức ảnh của Woodman dường như phản ánh nội tâm của cô và người xem có thể thấy được sự ám ảnh, có vẻ như đang đọc cuốn nhật ký của một phụ nữ trẻ trầm cảm. Cho tới nay, những tác phẩm của cô vẫn tiếp tục được mổ xẻ và gây chú ý, tiếc là chúng chỉ nổi tiếng và thu hút đông đảo công chúng sau khi Francesca đã qua đời với khát vọng chưa được thực hiện.
Thần đồng nước Mỹ, 1 tuổi học thuộc lòng bảng chữ cái, 2 tuổi đọc thành thạo, 10 tuổi học đại học,... với chỉ...