Sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục: Phản hồi từ nơi có hơn 23.500 học sinh đang học

Bỏ qua những tranh cãi, thậm chí cả miệt thị, phản đối của một bộ phận dư luận xã hội về việc dạy học Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục, nhiều giáo viên ở Hà Tĩnh (tỉnh đang có hơn 23.500 học sinh lớp 1 theo học) khi được hỏi vẫn vững tin và quyết tâm dạy tốt chương trình này.

Sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục: Phản hồi từ nơi có hơn 23.500 học sinh đang học - 1

Sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Ảnh: TL

Những nhận xét sau 4 năm áp dụng đại trà

Giáo dục Hà Tĩnh đã áp dụng dạy Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) từ năm học 2014 – 2015. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT tỉnh này, về cơ bản, kết quả thực hiện đạt được mục tiêu theo kì vọng.

Tại dự thảo báo cáo tổng kết năm học 2017 – 2018, phương hướng nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 cấp tiểu học của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, kết quả thực hiện TV1-CNGD được nhận định như sau: “Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 833 lớp 1 với 23.504 học sinh học Tiếng Việt 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục (tăng 108 lớp, 4.476 học sinh so với năm học trước). Là năm học thứ 4 thực hiện đại trà nên hầu hết giáo viên đã thành thạo trong việc thực hiện quy trình và kĩ thuật dạy học. Ban giám hiệu các nhà trường đã quan tâm đầu tư cho lớp 1 cả về cơ sở vật chất và bố trí giáo viên đứng lớp. Các Phòng GD&ĐT đã chủ động tổ chức các chuyên đề cấp cụm, cấp huyện khi thực hiện các mẫu mới để thống nhất và giải đáp những khó khăn cụ thể cho giáo viên trong quá trình lên lớp”.

Trong văn bản số 1269/BC-SGDĐT ngày 24/8/2018 của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về việc báo cáo báo tổng kết năm học 2017 – 2018, phương hướng nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 thì cho rằng: “Tiếp tục thực hiện dạy học Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục” và ở phần “tồn tại, hạn chế” không có bất kì một dòng nào về thực hiện chương trình này. Có nghĩa, về cơ bản, thực hiện TV1-CNGD ở Hà Tĩnh đã đi vào ổn định.

Đánh giá về kết quả thực tế ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (thị trấn Can Lộc) thẳng thắn: “Chương trình này (TV1-CNGD) có những ưu điểm như: Học sinh được hoạt động thường xuyên, không em nào ngoài cuộc, giáo viên có thể kiểm soát được rằng 100% học sinh tham gia quá trình học. Đến cuối kỳ 1, cơ bản học sinh đã đọc thông, viết thạo. Cuối năm, học sinh đọc và viết khá nhanh, nắm chắc luật chính tả, không tái mù, nói năng chững chạc lưu loát”.

Tuy nhiên, bà Xuân cũng nêu một số nhược điểm trong quá trình thực hiện: “Do chỉ được phép áp dụng duy nhất và đúng thiết kế của sách giáo viên nên phần nào gây tâm lí nhàm chán cho cả giáo viên và học sinh, giáo viên mất cơ hội được sáng tạo. Mặt khác, trên thực tế, để thực hiện đúng và đầy đủ quy trình một tiết dạy học thì cả giáo viên và học sinh vất vả, thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy giáo án” và hầu như không ai có thể dạy kịp được những thao tác, hoạt động như trong thiết kế trong thời lượng một tiết, nhất là những buổi đầu hoặc những bài thuộc mẫu mới”.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đặng Thị Minh, người trực tiếp dạy TV1-CNGD liên tục trong 5 năm qua cho biết: “Ban đầu, khi tôi nói phụ huynh về nhà không được hướng dẫn cho con học, ai cũng lo lắng, thậm chí phản ứng gay gắt. Đa số cha mẹ học sinh cuối buổi ở lại gặp tôi để nhờ hướng dẫn cho cách học từng bài. Tuy nhiên, sau 3 tháng, khi học sinh đọc được khá và tốc độ đọc ngày càng tốt hơn thì cha mẹ học sinh yên tâm. Đúng là đầu năm học, cha mẹ nào cũng lo lắng nhưng trong 5 năm qua không có ai phản đối. Nhưng phải thẳng thắn mà nói là dạy theo công nghệ, giáo viên cực kì vất vả”.

Nói dạy chữ theo kiểu vuông, tròn, tam giác là không chính xác

Tiếp xúc, trao đổi với hàng trăm giáo viên trực tiếp dạy TV1-CNGD ở Hà Tĩnh, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến về chương trình này và tựu trung lại là: Cách dùng các mô hình vuông, tròn, tam giác… để thay thế và biểu thị cho các tiếng trong chuỗi lời nói chỉ xuất hiện ở phần đầu của tài liệu. Khi học sinh rút ra được mô hình tiếng, đi vào tìm vật thay thế là chữ cái để ghi âm thì không còn sử dụng mô hình. Nói TV1-CNGD dạy chữ theo kiểu vuông, tròn, tam giác… là không chính xác. Hầu hết các ý kiến cho rằng học sinh học TV1-CNGD có kĩ năng đọc và viết tốt, ít tái mù chữ, nắm chắc chính tả. Tuy nhiên, 100% giáo viên được hỏi đều cho rằng giáo viên dạy theo chương trình này cực kì vất vả, việc dạy 1 tiết trên dưới 40 phút là không thể, hầu hết phải kéo dài thêm thời gian.

Là người được Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chọn cử tập huấn chuyên sâu và làm giảng viên tập huấn của Sở về TV1-CNGD, cô giáo Hồ Thị Diệu Cơ (Trường Tiểu học Ngô Đức Kế) trao đổi: “Cái đích đến của cả TV1-CNGD và Tiếng Việt 1 hiện hành cũng đều hình thành kĩ năng đọc thông, viết thạo cho học sinh vào cuối năm. Tuy nhiên hai chương trình có hai đường đi khác nhau để cùng đến đích. Khó có thể nói được chương trình nào hơn chương trình nào, bởi chương trình nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng. Ưu điểm của TV1-CNGD là cuối năm học sinh đọc và viết tương đối nhanh, nắm chắc luật chính tả. Tuy nhiên, tôi cho rằng chương trình khá nặng về kiến thức ngữ âm và luật chính tả gây vất vả cho cả giáo viên lẫn học sinh lớp 1. Mặt khác, do chỉ dạy chương trình công nghệ ở lớp 1 mà chương trình không yêu cầu dạy nghĩa từ nên khi lên chắp nối với Tiếng Việt lớp 2 chương trình hiện hành, học sinh có những phần hụt hẫng về ngữ nghĩa”.

Là người thường xuyên được đồng nghiệp nhờ tư vấn, cô giáo Hồ Thị Diệu Cơ cũng gửi lời nhắn gửi tới đồng nghiệp: “Đã thực hiện thì phải kiên định nhất quán, nhất là chương trình công nghệ. Tuyệt đối không thực hiện nửa vời, không thực hiện kiểu sáng công nghệ, chiều hiện hành, hoặc đoạn nào vướng thì lồng phương pháp dạy hiện hành vào để giải quyết. Làm thế sẽ gây nên cảnh không đầu không cuối, “râu ông nọ chắp cằm bà kia””.

Khi hỏi quan điểm cá nhân về tranh cãi của dư luận xã hội về sách TV1-CNGD, nhiều giáo viên cho rằng: Việc lo lắng và tranh luận, bàn cãi là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, khi dư luận bùng nổ ý kiến trái chiều có phần phiến diện gây hoang mang cho phụ huynh và nhân dân thì các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ GD&ĐT cần kịp thời giải thích thấu đáo nhằm tạo sự đồng thuận và định hướng thông tin.

Một giáo viên đề nghị được giấu tên cho hay: “Có thể năm sau sẽ thay sách giáo khoa. Chọn bộ sách nào thì thuộc về Bộ, Sở GD&ĐT nhưng phải chọn nhất quán, không làm kiểu “râu ông nọ chắp cằm bà kia” gây khập khiễng về kiến thức, nặng nề, vất vả cho cả giáo viên và học sinh. Dù thực hiện bộ sách giáo khoa nào thì giáo viên cũng phải dạy đúng, dạy đủ và vươn lên dạy tốt. Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi vẫn phải phấn đấu dạy tốt TV1-CNGD. Đó là điều chúng tôi không bao giờ tranh cãi”.

Sách công nghệ giáo dục gây bão dư luận: Bộ GD-ĐT khẳng định không có lợi ích nhóm

Dư luận cho rằng, việc triển khai tài liệu công nghệ giáo dục có lợi ích nhóm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Hiệp ([Tên nguồn])
Tranh cãi về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN