Rộ dịch vụ mua bán luận văn (Kỳ 2)

Thay vì phải ôn bài, sinh viên tìm đủ chiêu trò để “vay mượn” kiến thức, mua công trình nghiên cứu từ các nhóm làm thuê luận văn, luận án với hy vọng có tấm bằng cử nhân, thạc sỹ ra trường. Tuy nhiên, nhiều sinh viên rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Rộ dịch vụ mua bán luận văn (Kỳ 2) - 1

 Một sinh viên đang thực hiện công đoạn sao chép kiến thức trong quán phô-tô bằng điện thoại. Ảnh: Nguyễn Hoan

“Copy” và dán

Từ những trang để tham khảo như: luanvan.net.vn; 123doc.org; tailieu.vn,... một số người đã biến các trang này thành chợ mua bán… kiến thức. Tại đây, trung bình mỗi bài có vài chục nghìn lượt xem và hàng nghìn lượt tải. Chính sự hiện đại và kết nối của công nghệ tiện ích này đã góp phần tạo nên thói quen lười biếng của sinh viên.

Chỉ cần lập một tài khoản cá nhân trên trang và bỏ ra vài chục nghìn đồng, sau vài cú nhấp chuột bạn có thể sở hữu trọn một bộ tài liệu. Liên hệ với một tài khoản tên Trang.ld cho biết: “Để chuẩn bị làm bài khóa luận sắp tới, mình đã lập hẳn 2 tài khoản để tiện thu nhặt kiến thức. nếu không nạp tiền để tải thì chỉ đọc được phần đầu của bộ tài liệu đó. Mỗi tài liệu có giá trung bình khoảng 30 nghìn đồng, tùy vào đó là luận văn hay đồ án, mức độ dài hay ngắn”.

“Khi ngồi hội đồng xét duyệt, luận văn, luận án, chúng tôi sẽ hỏi sâu về kiến thức của người làm, về các thông tin có trong luận văn, luận án... Nếu phát hiện ra trường hợp gian lận, không hiểu vấn đề, hội đồng sẽ họp và quyết định kỷ luật, bắt làm lại, hủy kết quả... Những sinh viên, học viên thuê làm luận văn, luận án có thể tiền mất tật mang”.

PGS.TS Dương Xuân Sơn

Không chỉ tự mình “xào” kiến thức trên mạng, các sinh viên “chịu chơi” còn bỏ số tiền vài triệu để thuê người khác làm giúp khóa luận, đồ án tốt nghiệp. Trò chuyện với Tiến Dũng (một thành viên trong nhóm chuyên đi làm đồ án thuê) được biết, vào mùa thi, có nhiều sinh viên đặt hàng làm luận văn thuê. “Có bạn thuê trọn gói từ A đến Z, có bạn chỉ thuê làm một phần. Nhóm mình chuyên làm về các ngành kinh tế và cầu đường nên hầu hết “khách hàng” là các trường kinh tế, kỹ thuật”, Dũng nói. Khi đề cập làm đề tài về xã hội, Dũng cũng không ngần ngại nhận vì ngoài làm đồ án kinh tế, nhóm còn liên kết với nhiều nhóm khác để làm đồ án ở các lĩnh vực khác.

Thuỳ Liên, sinh viên của một trường ĐH ở Hà Nội cho biết, “mình đang đi tìm tài liệu về công nghệ thông tin chuẩn bị cho bài cuối kỳ. Tìm ở mấy quán photocopy may ra họ còn lưu lại tài liệu của anh chị khóa trước để lại. Do mình cũng bận đi làm thêm nên không có thời gian nghiên cứu, cố gắng bỏ chút thời gian cóp nhặt tài liệu rồi lắp ghép lại”.

Tiền mất tật mang

Việc mua bán, đạo lại kiến thức cũng mang lại những rủi ro nghiêm trọng cho chính tác giả, mà tác giả cũng không biết công trình nghiên cứu của mình đang được bày bán, đạo lại như món hàng hóa.

Mới đây, trên trang danluat.thuvienphapluat.vn, một bạn chia sẻ: “Tôi có làm đồ án tốt nghiệp thạc sỹ xây cầu qua mương: Cầu 1 nhịp dài 15m, rộng 3m, bê tông cốt thép đầy đủ. nhưng sau khi tôi bảo vệ xong có người khác không biết từ đâu lấy được cái đồ án tốt nghiệp này của tôi rồi áp dụng xây dựng thực tế ở công trình xây cầu, đứng tên người này thiết kế luôn. sau đó, công trình này do tính toán kết cấu sai nên cầu đã bị sập gây chết người”.

Một cựu sinh viên của Trường ĐH Giao thông vận tải chia sẻ: “Mình bỏ ra 3 triệu để thuê làm 1 chương  đồ án. Sau không hiểu gì về phần đó nên phải thuê người trong nhóm đi bảo vệ cùng, nhưng họ bảo bận nên không đi được. Tại buổi bảo vệ, hội đồng hỏi lấy số liệu nguồn nào, mình không đáp lại được, lúc đó ngượng chín mặt”.

Thịnh, một thành viên trong nhóm “Chuyên làm đồ án thuê toàn quốc”, cho biết: “Nhiều lúc nhóm gặp phải mấy ông không biết gì, mình còn phải đi bảo vệ cùng rồi dạy họ cách phản biện cũng như chuẩn bị trước những câu hỏi, để tới khi hội đồng có hỏi thì biết đường mà nói cho khớp, chứ không là lộ ngay”.

Lười nghiên cứu, phải bỏ tiền đi thuê làm đồ án, Trường, sinh viên năm cuối Trường ĐH Xây dựng bức xúc kể, “mình đặt hàng qua mail cho một nhóm làm đồ án thuê. Họ đòi 6 triệu đồng, mình đặt cọc trước một nửa. Sau 2 tháng, sát ngày phải phản biện đồ án vậy mà gọi điện họ không bắt máy, nhắn tin không trả lời. bây giờ tiền gửi rồi không đòi được thì phải chịu chứ làm gì được”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Dương Xuân Sơn, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là người nhiều năm đứng trong hội đồng bảo vệ luận văn, luận án cho biết, luận văn, luận án phải là sản phẩm khoa học, đòi hỏi quá trình nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên, học viên; còn nếu tình trạng cóp nhặt không trích nguồn, thuê người khác làm hộ, không hiểu rõ vấn đề thì rất nguy hiểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN