Quỹ tín dụng HSSV: Dừng lại ở "đầu vào"

Tổng nguồn vốn cho chương trình tín dụng cho học sinh sinh viên (HSSV) giai đoạn 2013 -2017 khoảng 45.000 tỷ đồng là cách giúp chúng ta giải quyết công bằng, gỡ khó khăn để không HSSV nghèo nào phải bỏ học.

Nhưng nguyên tắc này sẽ không vận hành được bền vững khi họ ra trường không có việc làm hoặc thu nhập thấp…, ảnh hưởng trực tiếp tới việc trả nợ cho chương trình tín dụng HSSV.

Thực ra lâu nay HSSV nghèo đã và đang được hỗ trợ bằng nhiều chính sách chủ yếu ở "đầu vào”. Mới nhất phải kể tới Quyết định của Chính phủ qui định chính sách hỗ trợ học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn thi hành từ 15-2 vừa qua. Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg quy định mỗi tháng học sinh thuộc đối tượng trên được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Những học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung. Đều được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Thông tư 02 Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT kể từ ngày 22/3/2013 cũng sẽ có 2 đối tượng học sinh được tuyển thẳng vào THPT là học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS và học sinh là người dân tộc rất ít người.

Với chương trình tín dụng cho HSSV, so với thời điểm mới triển khai chương trình, mức cho vay đã và sẽ tiếp tục thay đổi cho phù hợp để đảm bảo chi phí theo giá cả hiện hành. 5 năm qua nhiều HSSV được vay vốn tiếp tục hoàn thành việc học, kiếm được việc làm đã hoàn thành tốt việc trả nợ, thậm chí trả nợ trước hạn, giúp chương trình có nguồn vốn ổn định để tiếp tục hỗ trợ những thế hệ tiếp theo.

Quỹ tín dụng HSSV: Dừng lại ở "đầu vào" - 1

Nhiều sinh viên nghèo có cơ hội đến trường nhờ chương trình tín dụng sinh viên

Năm 2012, số tiền gốc trả nợ trước hạn là 2.500 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ 167 tỷ.  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đây là một trong số những chương trình đảm bảo đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế những tiêu cực phát sinh. Chỉ phát hiện 3.639 hộ vay sai chính sách, chiếm tỷ lệ 0,62% số hộ được kiểm tra và đã kiên quyết xử lý.

Cẩn thận kẻo bốc thuốc lệch

Song có đủ tiền ăn học do được hỗ trợ không đồng nghĩa với nhiều hứa hẹn SV nghèo dễ có việc làm. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại hội nghị tổng kết 5 năm Chương trình này cho biết con số thống kê tỉ lệ sinh viên ra trường có việc ngay với các trường ĐH, CĐ công lập là 70%, còn hệ dân lập thì thấp hơn. Nhưng thực chất, các trường và cả Bộ đều không có số liệu chính xác khi nhiều năm qua, sự kết nối giữa trường với sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm là không có.

Ngay cả Chương trình tín dụng HSSV, các trường cũng không ở trong cuộc. Theo PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, hiện quy định không buộc HSSV phải báo cáo kết quả vay vốn cho nhà trường, công tác phối hợp giữa các ngân hàng chính sách xã hội với các trường chưa đồng bộ nên trường chưa có đầy đủ thông tin hai chiều về việc triển khai chương trình, bộ phận quản lý gặp khó khăn trong việc theo dõi và nắm bắt số liệu chính xác để tổng hợp, báo cáo.

Thiếu sự kết nối đó cũng có nghĩa ngành GD&ĐT đứng ngoài việc hỗ trợ cho sinh viên tốt nghiệp sớm tìm được việc, có thu nhập để trả nợ số vốn đã vay. "Bốc thuốc lệch” là thiếu phối kết hợp giữa ngành GD&ĐT với Ngân hàng chính sách xã hội, và các doanh nghiệp, cơ quan có nhu cầu nhân lực…Trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn vì vậy đè nặng chỉ lên sinh viên tốt nghiệp, trong khi việc làm không dễ kiếm.

Vẫn vướng bài toán cần câu - con cá

Như vậy, thoạt nhìn sẽ nghĩ ngân hàng Chính sách xã hội tới đây chỉ cần phối hợp với Bộ GD&ĐT, rà soát lại để xác định mức cho vay phù hợp từng ngành nghề, không cào bằng, do đề án học phí đã được phê duyệt có sự khác biệt giữa các ngành nghề đào tạo. Tuyên truyền tốt hơn nữa để tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách. Nhưng nếu phân tích kỹ, có thể hé lộ phần nào hai vấn đề:

Thứ nhất, vẫn tồn tại một nghịch lý là nguyên tắc chia sẻ rủi ro với HSSV nghèo chỉ được đầu tư cấp tập suốt quãng thời gian đi học, còn sau đó (khi tốt nghiệp) bị… bỏ rơi! Thứ hai, hiệu quả sử dụng đồng vốn tín dụng sinh viên về lâu dài sẽ quá thấp, khi tiền cho vay nhiều bao nhiêu cũng phần lớn nằm ở đối tượng sinh viên nghèo thiếu việc làm. Nếu vậy, tín dụng đầu tư sẽ không giải quyết được tính công bằng giáo dục, tạo cơ hội việc làm cho học trò nghèo, nếu không muốn nói rất lãng phí thời gian và kiến thức họ có được. Vậy làm sao để hỗ trợ hiệu quả bền vững cho học sinh nghèo, cho họ "cần câu” cách gì thay vì chỉ cho "cá”?

Phải thật thận trọng với vấn đề gia hạn trả nợ do HSSV chưa có việc làm. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trước mắt cần rà soát lại những đối tượng chậm trả nợ để tháo gỡ hợp lý, chia rõ các đối tượng không có việc làm, hoàn toàn không có khả năng chi trả nợ với những đối tượng chưa có việc làm chính thức nhưng vẫn có công việc phụ để gia hạn nợ... , nhưng không được gây sức ép quá lớn.

Cũng phải thận trọng với quan điểm cho rằng ngành GD&ĐT đã có cách hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên, gián tiếp hỗ trợ chất lượng tín dụng sinh viên. Quan điểm này nhấn mạnh thành tích ngành đã tổ chức nhiều diễn đàn tư vấn tuyển sinh, phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm việc, đào tạo kỹ năng nghề và tiếp nhận sinh viên khi ra trường... Cho đến giờ, điều mà rất nhiều chuyên gia và thậm chí cả nhiều đại biểu Quốc hội luôn thắc mắc nhưng vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục: chất lượng đào tạo yếu kém như những năm qua (hầu hết phải đào tạo lại) liệu có đáp ứng được nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực đa dạng và lâu dài hay không? Đó mới chính là nỗi lo thực sự của tín dụng sinh viên "một đi không trở lại”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Như (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN