Chuyên gia "hiến kế" dựng điểm sàn

Năm 2013, Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi cách xác định điểm sàn theo hướng đơn giản, dễ chấp nhận. Nhiều chuyên gia giáo dục đã cùng nhau hiến kế phương án xây dựng điểm sàn mới.

TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Phải tính tổng điểm 3 môn của một thí sinh

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, bậc ĐH tuyển được 88%, CĐ 70%, TCCN 63%. Vậy thí sinh đi đâu? Điều đó chứng tỏ hoặc điểm sàn quá cao hoặc chỉ tiêu đặt ra quá cao. Điểm sàn cao thì vô lý vì nếu thí sinh không đậu ĐH, CĐ phải vào TCCN, nhưng thực tế cả ba bậc học đều tuyển không đủ. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ các trường xác định chỉ tiêu cao quá. Các trường phải tự điều chỉnh lại.

Thật ra điểm sàn của những năm trước cũng có các tiêu chí xác định nhất định, nhưng liệu điểm sàn đó có quá cao và có tác dụng phân luồng? Chúng ta muốn phân luồng học sinh vào các bậc học khác nhau, đặc biệt là bậc học nghề nhưng tuyển sinh cho bậc TCCN, hệ nghề vẫn thiếu. Như vậy cần nhìn lại cách xác định điểm sàn.

Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn theo điểm bình quân ba môn thi. Thống kê của những năm trước điểm bình quân ba môn thi của từng khối thi sẽ thấp hơn các mức điểm sàn đang xác định. Liệu điều này có ảnh hưởng phân luồng học sinh hay không? Hiện nay mức điểm sàn cao hơn điểm bình quân ba môn thi mà hệ TCCN không tuyển đủ, nếu xác định điểm sàn ba môn thi chắc chắn sẽ thấp hơn. Điều này có tác động đến tuyển sinh TCCN không?

Cần xác định điểm bình quân ba môn thì phải tính tổng điểm ba môn của một thí sinh mới chính xác. Nếu xác định theo cách này, số thí sinh từ mức điểm sàn trở lên theo mức điểm bình quân ba môn thi sẽ là 50% trở lên, tăng được nguồn tuyển cho các trường ĐH (trong khi hiện nay chỉ khoảng 40%).

Chuyên gia "hiến kế" dựng điểm sàn - 1

Theo các chuyên gia, cần có hai mức điểm sàn khác nhau để tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh cũng như giúp các trường tuyển sinh thuận lợi hơn.

PGS.TS Đặng Kim Vui (giám đốc ĐH Thái Nguyên): Cần điểm sàn riêng cho trường không hấp dẫn

Tham gia hội đồng điểm sàn của bộ, chúng tôi thường tính điểm sàn dựa trên thống kê về điểm thi của thí sinh với căn cứ cơ bản nếu lấy điểm sàn từ mức nhất định nào đó trở lên thì số thí sinh trúng tuyển là bao nhiêu và số chưa trúng tuyển dư ra dự báo có thể lấp đầy chỉ tiêu chưa tuyển được của các trường. Việc tính toán này cho thấy số dư trên điểm sàn rất lớn, thừa đáp ứng chỉ tiêu chưa đủ. Song thực tế nhiều thí sinh dự thi cùng khối nhưng lại không chuyển ngành học, không dịch chuyển địa lý dẫn đến khó khăn tuyển sinh ở nhiều trường.

Bộ muốn đổi mới việc xác định điểm sàn thì điều quan trọng và nên làm là xác định điểm sàn theo từng khu vực. Vẫn biết học sinh các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đã được cộng điểm ưu tiên khu vực, nhưng điều này chưa đủ khi trình độ học sinh, điều kiện học tập ở các vùng miền khác nhau không thể giống nhau được. Ngay tại ĐH Thái Nguyên, số lượng thí sinh dự thi rất lớn, có đến hơn 50.000 lượt thí sinh dự thi/năm, nhưng số đạt trên điểm sàn của bộ chỉ được khoảng 10%.

Theo tôi, bộ nên đặt ra hai mức điểm sàn: một mức điểm sàn như mọi năm vẫn xây dựng và mức điểm sàn cho những trường không hấp dẫn, những học sinh khó khăn. Tuy nhiên, với những trường được thụ hưởng mức điểm sàn ưu tiên cũng phải quy định rất rõ điểm sàn đó chỉ áp dụng cho những ngành khó tuyển, những ngành cần nhu cầu nhân lực như nông lâm, cơ khí, kỹ thuật... Với các ngành kinh tế, sư phạm đang được cảnh báo dư thừa thì ngay ở những trường ĐH địa phương, trường khó khăn cũng không thể áp mức điểm sàn thấp hơn bình thường được.

Ông Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT): Phổ điểm phải chuẩn mới dễ xác định điểm sàn

Xác định điểm sàn rất dễ nếu phổ điểm chuẩn, tức số điểm tập trung nhiều nhất ở mức 5 điểm/môn. Tuy nhiên, nếu phổ điểm lệch chuẩn thì cần tính có cần thiết phải đặt ra điểm sàn nữa hay không?

Trường hợp Bộ GD-ĐT vẫn muốn giữ điểm sàn thì cần thống nhất lấy điểm sàn ít nhất từ đỉnh của phổ điểm. Muốn vậy, bộ phải công khai phổ điểm để xã hội đánh giá được chính xác mức độ khó, dễ của đề. Phổ điểm chuẩn là đề thi chuẩn, phổ điểm lệch chuẩn thì đề thi không chuẩn.

Trong nhiều năm tổng điểm ba môn thi của phần lớn thí sinh chỉ rơi vào 7-8/30, nhưng điểm sàn được bộ chọn lại dao động từ 13-15 là chưa hợp lý. Theo tôi, nguyên nhân chính là đề thi của bộ hằng năm thường chưa chuẩn, năm khó năm dễ, môn khó môn dễ. Chỉ cần nhìn vào phổ điểm ở các môn thi là đủ thấy sự chưa khách quan và chưa chuẩn của phần lớn đề thi do bộ chuẩn bị trong nhiều năm qua.

Theo tôi, dù xác định điểm chuẩn theo cách nào thì bộ cũng phải làm “trọng tài” để ngoài việc đưa ra mức điểm sàn tối thiểu cần xác định điểm sàn lấy theo vùng miền, theo đẳng cấp các trường. Hiện nay các trường ĐH lớn, ĐH trung ương cũng lấy điểm chuẩn bằng ngưỡng sàn là không được. Trường đã nhận danh hiệu trường trọng điểm, trường ĐH quốc gia thì phải lấy điểm chuẩn cao hơn bình thường để giữ thương hiệu. Luật giáo dục ĐH đã phân tầng rất rõ nên không thể áp mức điểm sàn chung cho tất cả.

TS Nguyễn Văn Phúc (hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế miền Đông): Phải xác định hai mức điểm sàn

Điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh phải đạt mới được học ĐH. Nhưng phải có các loại ĐH khác nhau với mức điểm sàn khác nhau theo sự phân tầng ĐH. Theo đó, các trường thuộc ĐH Quốc gia, ĐH trọng điểm đào tạo nhân tài cho đất nước cần phải xác định mức điểm sàn rất cao. Loại trường ĐH còn lại thực hiện nhiệm vụ đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội có mức điểm sàn khác phù hợp.

Để thực hiện việc này đề thi phải thiết kế gồm có tính phân loại thí sinh cao, yêu cầu cấu trúc đề thi phải có ba phần điểm: 50-60% học sinh trung bình làm được, 20% dành cho học sinh khá và 10% dành cho học sinh giỏi, xuất sắc. Nếu thực hiện tốt điều này, việc xác định điểm sàn theo hai mức nêu trên sẽ thuận lợi hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Huỳnh - Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN