Nước mắt của người chết hụt vì bạo lực học đường

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều em học sinh cho biết trường học vẫn chưa phải là nơi an toàn khi các em vẫn bị kỳ thị, tẩy chay, bạo lực vì khác biệt. Nhiều em đã nghĩ tới chuyện tự tử. Từ bỏ bạo lực là thông điệp mạnh mẽ của Ngày văn hóa hòa bình ở Việt Nam.

Nước mắt của người chết hụt vì bạo lực học đường - 1

NV, sinh viên (SV) năm nhất của một trường ĐH, đã chia sẻ với các chuyên gia giáo dục câu chuyện của thời học sinh (HS) “dữ dội” của mình: Năm lớp 9, cô chuyển sang ngôi trường mới. Càng cố hòa nhập, cô càng bị trêu chọc, cô lập. Các bạn học mới không cho phép cô học giỏi hoặc nổi bật hơn người khác. Nhưng khi thu mình lại, cô vẫn bị cô lập vì “không biết điều”. Cô chịu đựng nhiều kiểu bạo lực tinh thần mà gần như không có sự can thiệp giúp đỡ. Cuối cùng, cô đã chọn cách đánh lại bất cứ ai trêu chọc mình và cũng không ít lần bị no đòn. Vào đại học, những tổn thương của ký ức đầy đau khổ, bạo lực đó vẫn ám ảnh cô.

Chia sẻ của NV là một trong những bày tỏ của các bạn HS-SV khi tham gia các diễn đàn “Ngôi trường của tôi”, “Tôi khác biệt” do các thầy cô có uy tín là TS Bùi Trân Phượng, TS Nguyễn Đức Lộc, TS Phạm Quốc Lộc, TS-BS Lê Minh Công chủ trì. Các diễn đàn này là một trong các hoạt động diễn ra trong Ngày văn hóa hòa bình được lần tổ chức tại TP.HCM ngày 13-10, thu hút sự tham gia của đông đảo các em HS-SV, những tổ chức hoạt động cộng đồng. Ngày văn hóa hòa bình Việt Nam do Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM và Ủy ban Hòa bình TP.HCM tổ chức.

Nước mắt của người chết hụt vì bạo lực học đường - 2

Những cuộc trò chuyện của các em HS-SV với các chuyên gia tại Ngày hội văn hóa hòa bình lần đầu tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: HỒNG MINH 

Nỗi đau của những người khác biệt

Chia sẻ với những HS-SV đã từng bị tấn công về thể chất hoặc tinh thần do sự khác biệt, thầy giáo Phạm Văn Huân (Trường THPT Nguyễn Thông, Vĩnh Long) nói: “Tôi biết nhiều em HS có giới tính khác với số đông cũng bị kỳ thị. Ngay cả thầy cô cũng thiếu cảm thông với các em. Đây là điều rất đáng buồn”.

TS-BS Lê Minh Công cho biết ông từng làm việc với một cô bé HS bị chuyển trường nhiều lần, bị cô lập, bị đẩy ra khỏi các nhóm bạn từ khi mới học lớp 5. Đến lớp 7, cô bé suýt tự tử.

Anh NM, SV ĐH năm hai, cho hay anh cũng đã từng tự tử hụt vài lần vì bị bạn bè tẩy chay, thầy cô không yêu mến anh. Anh luôn cảm thấy lẻ loi, đau khổ. Anh rất khó hòa nhập với bạn trang lứa bởi anh ngại giao tiếp. Anh đã từng bị gắn rất nhiều biệt danh rất xúc phạm, điều đó đeo đuổi anh cho đến khi vào ĐH. Một bạn khác của anh gặp vấn đề nghiêm trọng không kém là bị cô giáo lạnh nhạt. Anh nói: “Điều khủng khiếp là có người bạn tôi đã tự tử thật. Riêng tôi, tôi đã có ý nghĩ tự tử nhưng khi điều đó thôi thúc, tôi lại được người thân giúp đỡ. Nhưng với những bạn bị rơi vào trầm cảm nặng thì không ai giúp được họ nữa”.

Theo NM, nhiều người đã không nhìn nhận đúng về thực trạng bạo lực tinh thần trong trường học. Nhiều người vẫn xem đó là “chuyện trẻ con”. Gia đình và nhà trường chưa dạy cho trẻ cách từ bỏ bạo lực và cách đối phó với bạo lực.

Vượt qua tổn thương để sống hòa bình

NM cho biết anh đã chật vật vượt qua những ám ảnh dai dẳng của thời học sinh để thay đổi chính mình, trở thành người trưởng thành bao dung. Anh nói: “Nếu không vượt qua được tôi sẽ tiếp tục tổn thương và gây tổn thương cho người khác. Điều tôi mong muốn là các em được hướng dẫn cách vượt qua bạo lực để sống không bạo lực”.

TS-BS Bùi Minh Công cho biết nhiều người dùng bạo lực với người khác bởi họ cần di chuyển cảm xúc tiêu cực của mình ra ngoài, bởi họ cũng là nạn nhân của bạo lực. Do đó, việc giúp đỡ các em cần phải có một quá trình lâu dài và đủ trách nhiệm để các em đủ năng lực từ bỏ bạo lực. Ông nói: “Cần lành mạnh hóa nội tâm của mỗi cá nhân. Một tâm hồn khỏe mạnh thì họ sẽ ngưng sử dụng bạo lực, đây mới là giải quyết từ gốc rễ”.

TS Bùi Trân Phượng cho rằng trong các mối quan hệ xung quanh, các em cũng ẩn chứa sẵn yếu tố bất bình đẳng. Ví dụ HS lớp lớn thì cảm thấy mình “uy quyền” đối với các em HS nhỏ hơn. HS ở thành phố cảm thấy mình “uy quyền” so với các em HS mới chuyển đến. Nhiều giáo viên thấy mình “có quyền” với HS. Nên cần quan tâm và gỡ bỏ những yếu tố bất bình đẳng trong các mối quan hệ để tránh dẫn đến bạo lực.

Đừng sợ khác biệt

Chúng ta hãy đặt mình vào người khác, nhìn thấy sự khó khăn của người khác trước khi phán xét. Bước vào môi trường nào, chúng ta hãy cân nhắc việc thể hiện cái tôi của mình phù hợp với môi trường đó.

Nếu tính cách đó, cái tôi đó làm các bạn khỏe mạnh, hạnh phúc hơn thì đừng sợ sự khác biệt. Nhưng nếu cái tôi đó luôn làm bạn tổn thương thì nên xem xét để điều chỉnh. Nhìn nhận thấu đáo bản thân để sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn là điều cần thiết. 

TS-BS tâm lý LÊ MINH CÔNG

Từ hàng loạt vụ bạo lực ở trường mầm non, bố mẹ phải làm gì để bảo vệ con?

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ bạo hành ở trường mầm non đã khiến dư luận phẫn nộ. Để con mình không trở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN