Nhà Sử học Dương Trung Quốc: “Không chỉ là câu chuyện chiến tranh”

“Chỉ cần nhìn vào bản đồ đất nước Việt Nam là có thể thấy được dải đất miền Trung dọc con đường Trường Sơn có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Nó giống như một “chiếc đòn gánh” gánh hai miền Nam, Bắc - hai vựa lúa lớn của đất nước ta.

Ngay từ thời xa xưa, Vua Quang Trung cũng đã từng chọn con đường sơn đạo quan trọng này để tiến ra Bắc, xây dựng cơ đồ quốc gia. Trong chiến tranh chống Mỹ, tuyến đường Trường Sơn có vai trò quyết định trong việc thống nhất đất nước – mục tiêu quan trọng nhất lúc bấy giờ của toàn dân tộc. Cũng chính vì thế mà có thể nói toàn bộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam thời điểm lúc bấy giờ đều tập trung vào việc phá hủy tuyến đường Trường Sơn huyết mạch nhằm chia cắt Bắc - Nam, chấm dứt việc chi viện của miền Bắc với chiến trường miền Nam. Đường Trường Sơn được coi mà mạch máu, sự sống còn của đất nước phải bảo vệ đến cùng.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc: “Không chỉ là câu chuyện chiến tranh” - 1

Nhà Sử học Dương Trung Quốc.

Chúng ta cũng đã phải trả một cái giá không hề nhỏ để bảo vệ được “mạch máu” ấy suốt 17 năm (từ năm 1959 – 1975). Không chỉ bảo vệ, mà ta còn xây dựng được một hệ thống đường Trường Sơn giống như một “ma trận” mà hỏa lực và các thiết bị quân sự tối tân của Mỹ đã buộc phải… đầu hàng. Các nhà lịch sử, quân sự quốc tế cũng đã thừa nhận, đây là tuyến đường quân sự phục vụ cho chiến tranh lớn nhất và dài nhất trong lịch sử loài người.

Chiến tranh khép lại, con đường này lại một lần nữa chứng minh tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Đường dây tải điện 500kW Bắc – Nam cùng với tuyến đường bộ đã được cải tạo đã trở thành tuyến giao thông quan trọng. Đường Trường Sơn không chỉ là câu chuyện về chiến tranh nữa, nó còn là câu chuyện về phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh xã hội… là câu chuyện của một quốc gia đang phát triển đi lên trong thời kỳ hội nhập.

Hiện nay, thế hệ trẻ chưa hình dung hết được quy mô, tầm quan trọng của tuyến đường Trường Sơn lịch sử do kiến thức trong sách giáo khoa mới chỉ cô đọng được ở phần miền Bắc chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ với rất nhiều số liệu. Đó cũng là một hạn chế mà nếu chỉ sách giáo khoa thì không thể truyền tải hết được. Vấn đề quan trọng là giáo viên khi giảng đến phần này cần mở rộng cho học sinh để giúp các em hình dung được đằng sau những số liệu đó là xương máu, mồ hôi, tuổi thanh xuân của biết bao chiến sĩ Trường Sơn đã đổ xuống tuyến đường này.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc: “Không chỉ là câu chuyện chiến tranh” - 2

Cô Hoàng Thị Đặng - Giáo viên Sử trường THPT vùng cao Việt Bắc

“Học sinh nắm bắt tương đối mờ nhạt thông tin về con đường này. Ngoài những con số, sách giáo khoa không thể truyền tải những câu chuyện hay, hấp dẫn để các em dễ hình dung, dễ nhớ. Chính vì vậy, trong khi giảng, chúng tôi phải làm rõ những kiến thức bên lề quan trọng này: Con đường ấy bắt đầu từ đâu? Vì sao phải có? Ai là người tổng chỉ huy? Những sáng kiến trong suốt 16 năm phải bám rừng tránh bom Mỹ, những tấm gương hy sinh anh dũng… Chúng tôi giúp học sinh hiểu rằng không có đường Trường Sơn sẽ không có cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN