Người Việt học tiếng Anh để đối phó

Việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường còn mang tính đối phó. Nhiều người học tiếng Anh để thi cử, tuyển dụng, bổ nhiệm… hơn là để sử dụng.

Theo kết quả vừa được Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First; trụ sở tại Luzern - Thụy Sĩ) công bố, Việt Nam đứng hạng 29/70 quốc gia về mức độ thành thạo tiếng Anh. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, kết quả này không phản ánh đúng toàn bộ khả năng ngoại ngữ tại Việt Nam.

Có tiến bộ nhưng vẫn “trung bình”

Theo kết quả khảo sát của EF, trong 5 nhóm quốc gia có trình độ tiếng Anh từ “rất cao”, “cao”, “trung bình” đến “thấp” và “rất thấp”, Việt Nam nằm trong nhóm thứ ba (“trung bình”), cùng với Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Indonesia, Hồng Kông - Trung Quốc.

Với điểm số 53,81, tại khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 5/16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người Việt Nam được đánh giá là thạo tiếng Anh hơn Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Sri Lanka, Kazakhstan, Thái Lan, Mông Cổ, Campuchia và cả Hồng Kông.

Người Việt học tiếng Anh để đối phó - 1

Cần nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh từ cấp tiểu học Ảnh: Tấn Thạnh

Bảng xếp hạng tiếng Anh của tổ chức EF dựa trên bài kiểm tra dành cho 75.000 người ở lứa tuổi trưởng thành tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bảng xếp hạng còn bao gồm cả việc phân tích xu hướng sau 6 năm đầu tư cho việc học dựa trên dữ liệu các bài kiểm tra tiếng Anh của hơn 5 triệu người. Điểm khác biệt của bảng xếp hạng này là chỉ ra mối liên hệ giữa việc thông thạo tiếng Anh của lực lượng lao động với sự phát triển của nền kinh tế nước đó mà ở tiêu chí này, Việt Nam được đánh giá có nhiều cải thiện.

EF cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia tiến bộ nhanh về khả năng sử dụng tiếng Anh. Dù vậy, theo đánh giá chung của EF, trong 5 năm trở lại đây, trình độ tiếng Anh của người Việt chỉ dao động từ mức “rất thấp” tới “trung bình”.

Vẫn chỉ nói tiếng Anh bập bõm!

Theo ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc, trên thế giới có hàng trăm bảng xếp hạng về khả năng tiếng Anh tương tự EF công bố. Mỗi tổ chức có những tiêu chí riêng để xếp hạng. Tuy nhiên, do chỉ dựa trên các bài khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên nên nhiều khảo sát không đánh giá đúng và toàn diện được thực tiễn sử dụng tiếng Anh của mỗi quốc gia.

Ông Thảo cho rằng không thể phủ nhận trình độ tiếng Anh của giới trẻ hiện nay tốt hơn trước rất nhiều nhưng điều quan trọng là phải phân tích rõ nguyên nhân do đâu, để từ đó có chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả đào tạo. Theo ông Thảo, chính chương trình, thi cử hiện nay đã khiến việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường giảm hiệu quả. Người học tiếng Anh còn mang tính đối phó, xem bằng cấp như một tiêu chuẩn, điều kiện để bổ túc hồ sơ thi tuyển, xin việc, bổ nhiệm…. Những người thực sự cần tiếng Anh để làm việc không thể dựa vào chương trình đào tạo chính khóa trong nhà trường mà phải bỏ thêm tiền bạc, thời gian để vào các trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài học nâng cao.

Ông Trịnh Quang Đồng, thành viên HĐQT Trường Quốc tế Canada, nhận định hiện nay, việc dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông đang lệch lạc. Cũng do cách dạy mang tính đối phó với thi cử nên năng lực sử dụng tiếng Anh của phần lớn học sinh, sinh viên hiện rất thấp. “Tiếng Anh phải được xem là sinh ngữ chứ không phải ngoại ngữ. Nếu xem học tiếng Anh là một sinh ngữ, tức là học để giao tiếp, làm việc, đọc - hiểu thì hiệu quả sẽ cải thiện” - ông Đồng nhìn nhận.

Trong khi đó, thạc sĩ Hồ Văn Bình, Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng muốn nâng cao trình độ tiếng Anh, điều đầu tiên người dạy tiếng Anh phải giỏi. Ngoài yêu cầu giáo viên phải đạt chuẩn trình độ theo yêu cầu, việc kiểm tra đầu vào tiếng Anh của học sinh, sinh viên cũng phải làm chặt chẽ kế hoạch đào tạo phù hợp. Ngoài ra, giới trẻ cũng cần nhận thức tầm quan trọng của việc học tiếng Anh đối với nghề nghiệp, sự thăng tiến của bản thân. Nếu chỉ dạy và học đối phó thì 10 năm sau hay xa hơn nữa, người Việt cũng chỉ nói tiếng Anh… bập bõm!

Không thể  là môn bắt buộc

Ông Cao Huy Thảo cho biết dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đưa môn tiếng Anh là một trong 4 môn bắt buộc. Theo ông, đây là điều không ổn, không phải là biện pháp góp phần nâng cao trình độ tiếng Anh.

Ông Thảo chỉ rõ bất hợp lý là ở dự thảo này, việc dạy tiếng Anh theo lớp chứ không theo giáo trình. Chẳng hạn, học sinh 5-7 tuổi thì dạy theo cuốn giáo trình này, từ 12-18 tuổi thì học theo cuốn khác. Tùy mỗi người thấy nhu cầu thích hợp với giáo trình nào thì học theo trình độ cuốn đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN