Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang

Ở Quảng Trị, nhiều trường học trong tình trạng tạm bợ, nhưng có nơi trường lớp được xây dựng khang trang, đầu tư tiền tỷ nhưng lại bỏ hoang. Điều này khiến nhiều người không khỏi xót lòng.

Trường tiền tỷ bỏ hoang

Thống kê của Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, chỉ riêng cấp mầm non toàn tỉnh có trên 60 lớp học tạm, mượn nhà dân hoặc các trụ sở cộng đồng, nhiều lớp học vùng sâu, vùng xa trong tình trạng tranh tre lá nứa. Ai cũng thấu hiểu được sự khó khăn ấy nhưng vì kinh phí hạn hẹp, lại là tỉnh nghèo nên việc tu bổ, xây mới là hết sức khó khăn, không thể làm trong ngày một ngày hai.

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 1

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 2

Hai điểm trường khang trang ở khu tái định cư Tây Triệu Phong bị bỏ hoang 5 năm nay cho bò phóng uế, cỏ dại um tùm

Trái ngược với sự thiếu thốn đó, ở khu tái định cư Tây Triệu Phong (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) có 2 ngôi trường mầm non và tiểu học được đầu tư xây dựng khang trang đang bị bỏ hoang suốt 5 năm nay. Cụ thể năm 2001, dự án di dân tránh lũ lên vùng tái định cư Tây Triệu Phong được thực hiện. Trong đó, trường mầm non (4 phòng học, diện tích 507,6m2) và trường tiểu học (5 phòng học, diện tích 424m2) được xây dựng, bàn giao cho địa phương quản lý vào năm 2010. Với kinh phí 3,1 tỷ đồng, 2 ngôi trường được xây dựng hiện đại, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi để sinh hoạt.

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 3

 Điểm trường được xây dựng tiền tỷ ở khu tái định cư Tây Triệu Phong biến thành nơi đổ rác

Từ năm 2010 đến nay, đã có 260 hộ dân được di chuyển lên khu tái định cư, mỗi hộ được cấp từ 1.000 đến 1.500m2 đất và 2,7-12 triệu đồng để xây nhà ở. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sau khi nhận đất và tiền rồi bỏ về quê cũ hoặc đi làm ăn xa. Vì vậy, số ít con em ở khu tái định cư không đủ để mở lớp.

5 năm trôi qua, hai ngôi trường trên bị bỏ hoang, phơi sương, cỏ dại mọc vào tận hành lang, bò, người vào trường phóng uế, xả rác bừa bãi. Một số hạng mục như đèn điện, quạt gió bị hư hại, tường, hành lang bị nứt nẻ…

Giải thích về sự lãng phí trên, chính quyền địa phương cho rằng do thiếu học sinh nên không thể tổ chức dạy học được. Mặt khác, khi trường xây dựng xong không hề có cơ sở vật chất dạy và học, thậm chí một cái ghế cũng không có.

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 4

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 5

Hai điểm trường bỏ hoang ở khu tái định Tây Triệu Phong bị bỏ hoang 5 năm nay

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 6

Cỏ dại mọc vào hàng lang của hai điểm trường bỏ hoang ở khu tái định cư Tây Triệu Phong

Chổ “khát trường”

Tình trạng “khát trường” xảy ra phổ biến ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị). Chỉ riêng huyện Đakrông có 565 phòng học, trong đó có đến 247 phòng bán kiên cố, 37 phòng học tạm, mượn hết sức cơ khổ.

Điểm trường mầm non thôn Chân Rò (xã Đakrông, huyện Đakrông) đã hoạt động nhiều năm nay nhưng cứ mỗi đầu năm học, phụ huynh trong thôn lại phải góp gỗ, đinh, công sức cùng giáo viên tu sửa lại. Ngôi trường được lợp bằng tôn, vách che bằng gỗ, chỉ rộng khoảng 25m2 chứa đến 30 học sinh, không khí ngột ngạt vào mùa hè, còn mùa đông thì gió lùa lạnh thấu xương.

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 7

Nghịch lý nơi “khát" trường, chỗ tiền tỷ bỏ hoang - 8

Trái ngược với sự bỏ hoang lãng phí tại hai điểm trường ở khu tái định cư Tây Triệu Phong là túp lều tranh cũ nát – nơi học tập của cô trò điểm trường mầm non thôn Cù Doong (xã Húc, Hướng Hóa)

Điểm Trường mầm non thôn Cu Pua – thuộc Trường mầm non Đakrông 2 (xã Đakrông) nằm bên mép quốc lộ 9 cũng trong tình trạng lớp học tạm bợ. 55 học sinh ở đây phải chen chúc trong phòng học nhỏ chưa đầy 25m2.

Ngược lên điểm trường mầm non thôn Cù Doong (xã Húc, huyện Hướng Hóa), cảnh tượng càng thảm thiết hơn khi cô trò phải học tập, sinh hoạt trong túp lều tranh, vách che bằng nứa đã mối mọt. Mùa mưa này, cô giáo phải dùng áo mưa che quanh vách để mưa đỡ tạt ướt học sinh. Đó là chưa kể học trò nơi đây thiếu thốn trăm bề, từ đồ ăn thức uống đến dụng cụ học tập, vui chơi…

Chỉ tính riêng xã Húc, 9 điểm trường thì có đến 4 điểm là Húc Thượng, Cù Doong, Húc Ván, Ho Le phải mượn nhà dân hoặc xây dựng bằng tranh tre. Ở những điểm trường vùng cao này, hàng chục năm nay không hề có điện cũng như nước sạch, đường đến trường phải qua bao hiểm nguy núi đèo, sông suối…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN