Nghị lực phi thường của 3 chị em mồ côi

Ai có dịp về xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) sẽ được nghe người dân vùng quê nghèo này kể lại “kỳ tích” của 3 chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vừa học, vừa làm, khi hai chị tốt nghiệp ĐH, CĐ cũng là lúc cậu em út bước vào giảng đường Trường ĐH Y Dược Huế. Dù niềm vui nối tiếp, nhưng phía trước của ba chị em vẫn còn không ít nỗi lo...

Mồ côi cả cha, lẫn mẹ

Chúng tôi tìm đến gia đình cô giáo Trần Thị Thủy, chị gái của em Trần Văn Đức- cậu bé mồ côi vừa thi đậu 2 trường đại học với điểm số khá cao. Chị Thủy cho biết cậu em trai đã lên đường vào Huế nhập học trước đó mấy ngày, và vừa rồi có mấy người đồng hương ở Hà Nội biết được hoàn cảnh của Đức đã về tặng một ít tiền để lo chuyện tàu xe và các khoản chi phí những ngày đầu nhập học.

Dù đã biết được phần nào hoàn cảnh nhưng chúng tôi vẫn ngỏ ý muốn được chị Thủy trực tiếp kể lại những tháng ngày vất vả, gian nan. Khóe mắt rưng rưng, cố gắng kìm nén sự xúc động, chị kể lại hoàn cảnh bi đát và tuổi thơ bất hạnh của cả 3 chị em...

Nghị lực phi thường của 3 chị em mồ côi - 1

Trần Văn Đức (thứ 2, từ phải qua) trong buổi lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi quốc gia và học sinh đậu đại học điểm cao năm 2012 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức

Bố mẹ đến với nhau khá muộn, bởi lẽ cả hai người đều đi ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Bố tên Trần Văn Tam (sinh năm 1947) là chiến sĩ giải phóng quân, một cựu tù Côn Đảo và là một thương binh với 24 % tỷ lệ thương tật. Còn mẹ là cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Chung (sinh năm 1951). Tình yêu của ông Tam và bà Chung đã đơm hoa, kết trái khi hai bé gái là Trần Thị Thủy (1982) và Trần Thị Luận (1984) lần lượt chào đời.

Không lâu sau đó, cả hai vợ chồng ông Tam nhận được quyết định nghỉ hưu mất sức.

Trước tình cảnh đó, ông Tam quyết định đưa gia đình về quê (xã Long Sơn- Anh Sơn) để làm ăn, sinh sống. Về đây, hai vợ chồng bắt tay vào gây dựng cơ nghiệp bằng cách khai phá đồi hoang trồng chè, vỡ ruộng trồng lúa và mở quán nhỏ bán hàng vặt...Dẫu vất vả và có phần lam lũ nhưng ngôi nhà ấy luôn êm ấm và ăm ắp tiếng cười con trẻ. Nhìn các con ngoan ngoãn và lớn khôn từng ngày, ông Tam- bà Chung rất đỗi hạnh phúc.

Nhưng bất hạnh đã giáng xuống mái ấm ấy khi cả ông Tam và bà Chung xuất hiện hàng loạt các triệu chứng bệnh tật nguy hiểm. Hai vợ chồng đi khắp các bệnh viện và cùng chăm sóc nhau để các con yên tâm học hành. Thành quả lao động tích lũy được lâu nay lần lượt ra đi cùng với các đơn thuốc chưa bệnh và vô vàn các khoản chi phí khám- chữa bệnh....

Đến năm 1999 đã bị bệnh tật quật ngã sau một cơn đau tim. Ra đi ở độ tuổi 48, bà Chung để lại người chồng đau yếu và 3 đứa con thơ. Chưa đầy 1 năm sau ngày vợ mất, ông Tam đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 103. Từ đây, 3 đứa con nhỏ của ông Tam- bà Chung rơi vào hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Chị thay mẹ nuôi em

Bố mất đúng ngày Trần Thị Thủy - người con gái đầu nhận được tin vui trúng tuyển vào Trường CĐ Sư phạm Nghệ An. Gánh nặng mưu sinh và việc nuôi dạy các em từ nay đặt lên vai người con gái tuổi 18. Có lúc, chị đã nghỉ đến việc từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo, ở nhà chăm lo sản xuất để nuôi dạy các em nên người.

Bà con họ hàng, bạn bè động viên. Lo xong tang bố, chị Thủy xuống TP Vinh nhập học. Còn Luận- người con gái thứ 2 cũng lên lớp 11, Đức bắt đầu vào lớp 1.

Nghị lực phi thường của 3 chị em mồ côi - 2

Ba chị em (Thủy, Luận và Đức) trong thời gian trọ học ở Thành phố Vinh

Gia tài ông Tam- bà Chung để lại cho các con là ruộng vườn, ao cá. Và khi bố mẹ đau ốm, chi em Thủy đã bắt đầu làm quen với ông việc ruộng đồng nên lúc này đã không còn bỡ ngỡ với công việc nhà nông. Mọi việc từ gặt lúa, hái chè, trồng rau đến nuôi cá, chăn lợn, gà... cả Thủy và Luận đều làm rất thuần thục. Vì vậy, thóc gạo, rau quả không lúc nào thiếu, thậm chí có lúc còn dư giả, đủ nuôi sống 3 chị em.

Hai năm sau, khi chị Thủy bước sang năm cuối cũng là lúc Luận trúng tuyển vào ngành Sư phạm Địa lý (Trường ĐH Vinh). Lúc này Đức vào lớp 3.

Hai chị đều học ở Vinh nên quyết định đưa Đức xuống theo để tiện việc sinh hoạt, nuôi dạy và chăm nom em. Thế là cậu bé Đức trở thành học sinh Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP Vinh). Ba chị em sống trong một căn phòng trọ nhỏ, hẹp nhưng hàng ngày vẫn nuôi dưỡng khát vọng vươn lên và thành đạt để bố mẹ được ngậm cười nơi chín suối. Gửi lại nhà cửa, ruộng vườn cho bà con họ hàng, chị Thủy và Luận thay nhau về trông nom, chăm sóc ruộng lúa, vườn chè, ao cá.

Vào dịp nghỉ hè, nghỉ lễ- tết, trong khi bạn bè vui vẻ dạo chơi, chị em Thủy lại tất tả lao vào công việc đồng áng, hết gieo trồng rồi thu hoạch, vòng quay ấy dường như không có sự ngơi nghỉ.

Khi có thời gian rảnh, chị Thủy lại đi dạy kèm (gia sư) để có thêm tiền nuôi bản thân và các em ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của người thân trong việc gieo trồng, thu hoạch và sự chăm chỉ lao động cùng khoản trợ cấp chính sách đã giúp 3 chị em Thủy đứng vững trên con đường học tập.

“Vất vả nhiều rồi cũng thấy quen, có khi thấy rất bình thường. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh mất bố, mất mẹ thì tủi cực đến phát khóc, nhất là vào những ngày lễ tết, bạn bè được sum vầy cùng bố mẹ, còn chị em mình thì côi cút...”- chị Thủy nói trong xúc động.

Còn Đức, có lẽ do được sinh ra khi người mẹ đã qua độ tuổi 40, lại bị căn bệnh tim mạch hành hạ nên thể trạng của em yếu hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Đang học lớp 3 (năm 2002), Đức bị đau bụng dữ dội, phải đưa vào Bệnh viện Nhi Nghệ An. Các bác sĩ ở đây bảo rằng triệu chứng bênh của Đức rất hiếm gặp, khó xác định nên phải chuyển lên tuyến trên.

Đến nay, tuy Đức mới 18 tuổi nhưng mái tóc đã bạc phân nửa, đó là di chứng của căn bệnh thận bẩm sinh, là do một quả thận không chịu hoạt động.

Sau giảng đường ĐH là nỗi lo mưu sinh

Chị Thủy tốt nghiệp CĐSP, trở về quê và được lãnh đạo Phòng Giáo dục bố trí công tác tại Trường THCS Phúc Sơn, cách nhà hơn 1 km. Ngay sau đó, Luận cũng nhận công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2.

Nghị lực phi thường của 3 chị em mồ côi - 3

Trần Văn Đức bên tập giấy khen về thành tích học tập

Dù hai chị đã lập gia đình nhưng vẫn chăm lo cho Đức, đặc biệt là về chuyện học hành.

Không phụ lòng anh chị, Đức luôn chăm ngoan, học giỏi. Dù sức khỏe không được tốt nhưng Đức vẫn theo học các lớp chuyên và kết quả học tập luôn đứng tốp đầu. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, Đức đã trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược Huế với số điểm 23,5 và ĐHQG Hà Nội với số điểm 20,5 (chưa tính điểm ưu tiên).

Theo ý nguyện của bố mẹ lúc sinh thời, Đức đã lên đường theo học nghề y để chữa bệnh, cứu người...

Lúc tiễn khách ra ngõ, chị Thủy tâm sự: “Có thể nói những nhọc nhằn, vất vả và tủi cực đã qua, cuộc sống giờ đây đã dễ thở hơn nhiều lần. Nhưng phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo...”. Nhìn nét mặt rắn rỏi, nhiều nếp nhăn, già hơn so với độ tuổi 30 của chị Thủy, chúng tôi cầu mong chị luôn mạnh khỏe, bình an để tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho một bác sĩ tương lai...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Kiên (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN