Ngăn chặn đại học phi lợi nhuận giả hiệu

Bất cập về pháp lý cho trường lợi nhuận và phi lợi nhuận đã dẫn đến mâu thuẫn nội bộ tại các trường nhưng được ngụy trang dưới danh nghĩa cuộc chiến giữa vì lợi nhuận và phi lợi nhuận khiến những thảo luận có tính chất xây dựng cần thiết cho việc phát triển chính sách bị lạc hướng.

Hội thảo về “Điều lệ trường ĐH phi lợi nhuận” do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức mới đây tại Hà Nội đã phản ánh nhiều mâu thuẫn và bất cập trong chính sách đối với trường ngoài công lập, mà nổi bật là vấn đề khuôn khổ pháp lý cho trường vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Trường nào có đạo đức hơn?

Câu hỏi đặt ra là kinh doanh giáo dục nhằm tìm kiếm lợi nhuận có phải là việc làm phi đạo đức? Nếu câu trả lời là có, vì sao kinh doanh bệnh viện, nhà thuốc, những thứ liên quan trực tiếp đến sinh mệnh, sức khỏe con người lại được coi là hợp đạo đức? Vì sao kinh doanh văn hóa phẩm, nghệ thuật, những thứ liên quan đến tinh thần, giá trị, niềm tin, lại được coi là hợp đạo đức? Vì sao kinh doanh nhà trẻ, mẫu giáo được xem là hợp đạo đức, còn giáo dục ĐH thì không?

Ngăn chặn đại học phi lợi nhuận giả hiệu - 1

Sau nhiều “sóng gió”, sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM) đã được nhận bằng tốt nghiệp trong tháng 8/2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Nếu kinh doanh giáo dục ĐH được xem là hợp đạo đức thì mọi sự kết án các nhà đầu tư giáo dục, xem họ là những người chỉ vì tiền mà chà đạp lên mọi giá trị đều chỉ là những nhận định võ đoán, khái quát hóa thiếu lý trí, thiếu chứng cớ. Giáo dục ĐH đang là một thị trường dịch vụ tỉ tỉ đô trên toàn thế giới mà không ai có thể phủ nhận. Không thể kết tội hễ là trường ngoài công lập thì bị thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức. Có thể dẫn ra không ít ví dụ xảy ra ở trường công: Vụ việc “bằng tiến sĩ 200 triệu” xảy ra ở Trường ĐH Y, ĐH Thái Nguyên; vụ 132 triệu mua điểm ở Trường ĐH Quy Nhơn; một tỉ đồng chống trượt thi cao học ngành quản lý kinh tế, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội xảy ra ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Thanh Hóa… Vì vậy, trường công hay trường tư, trường vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận không có ý nghĩa gì về mặt đạo đức. Không có loại trường nào “có đạo đức” hơn những loại trường khác.

Nếu loại trường không nói lên điều gì về đạo đức thì điều gì phân biệt những trường ĐH chân chính với những cỗ máy làm tiền nhân danh giáo dục?

Hàng hóa giáo dục có một đặc điểm không giống những hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khác. Kiến thức không thể mua, kinh nghiệm không thể vay mượn. Nhà trường không thể bán kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng. Nhà trường chỉ có thể cung cấp một môi trường trải nghiệm cho sinh viên và những điều kiện giúp họ có thể thụ đắc những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống công dân. Một trường ĐH có thể xem là chân chính nếu nó chứng minh được rằng nhà trường đã và đang duy trì những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong việc thực thi công việc của mình, những nguyên tắc giúp nhà trường không trở thành dối trá bởi những gì nó nói ra không giống với những gì mà nó thực sự làm, vì những gì nhà trường hứa hẹn với người học và xã hội không giống với những gì mà nhà trường thực sự mang lại.

Phải chăng trường công hay trường tư phi lợi nhuận thì có động lực mạnh mẽ hơn, hay là có điều kiện hơn trong việc bảo vệ những nguyên tắc đạo đức ấy, so với trường tư vì lợi nhuận? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh chính sách.

Khoảng trống pháp lý

Cho đến nay, Việt Nam chưa có trường ngoài công lập không vì lợi nhuận dù là theo cách hiểu phổ biến trên thế giới hay theo định nghĩa của khung pháp lý hiện hành. Trước khi Luật Giáo dục ĐH được ban hành, không có một định nghĩa chính thức hay một khuôn khổ pháp lý nào cho các trường không vì lợi nhuận ở Việt Nam. Tất cả những tuyên bố phi lợi nhuận của các trường trước đây đều mâu thuẫn với cơ sở pháp lý, cơ cấu tổ chức và thực tiễn hoạt động của nhà trường. Từ khi có Nghị định 141/NĐ-CP quy định chi tiết các điều kiện để được công nhận là trường không vì lợi nhuận, cho dù chỉ căn cứ trên văn bản này, chúng ta vẫn chưa có một trường nào là trường không vì lợi nhuận. Bởi lẽ, để được công nhận là trường không vì lợi nhuận, nhà trường cần có văn bản cam kết, đồng thời có báo cáo kiểm toán để chứng minh mức chia lợi tức không quá lãi suất trái phiếu chính phủ.

Vì chưa có trường không vì lợi nhuận và cũng không có khuôn khổ pháp lý riêng cho trường không vì lợi nhuận, tất cả các trường ngoài công lập ở Việt Nam cho đến nay đều là các trường vì lợi nhuận mặc định. Vì lợi nhuận không nhất thiết đồng nghĩa với chất lượng kém. Chất lượng kém hay tốt tùy thuộc vào tầm nhìn, động lực đầu tư dài hạn và khả năng quản lý của chủ sở hữu nhà trường và được thể hiện qua kết quả đào tạo hay nghiên cứu.

Nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn sẽ hiểu rằng chất lượng đào tạo tốt là lợi thế cạnh tranh sống còn của họ và muốn có chất lượng đào tạo tốt, họ phải đầu tư cho việc đào tạo đội ngũ, văn hóa tổ chức và môi trường làm việc, cũng như cơ sở vật chất khang trang. Họ sẽ biết thuê lực lượng quản trị chuyên nghiệp và am hiểu về giáo dục để tạo ra chất lượng đào tạo tốt. Trong lúc đó, nhà đầu tư ngắn hạn sẽ muốn thu càng nhiều càng tốt, chi càng ít càng hay, chia lợi càng nhanh càng hài lòng, bất chấp hậu quả. Điều đáng tiếc là chính sách hiện nay đã không bảo vệ quyền sở hữu rõ ràng và dứt khoát cho các nhà đầu tư.

Hủy hoại nguyên tắc cốt yếu của trường ĐH

Chính nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục ĐH, chấp nhận đầu tư của khu vực tư nhân, chúng ta đã hình thành được một hệ thống trường ngoài công lập hiện đảm nhiệm việc đào tạo cho 14% tổng số sinh viên trong cả nước và tiết kiệm nhiều ngàn tỉ đồng cho ngân sách. Hệ thống giáo dục ngoài công lập đã được hình thành từ nhiều con đường khác nhau trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư. Nhà nước không thể giẫm lên chủ trương xã hội hóa trước đây bằng cách ép buộc công hữu hóa phần tài sản hiện nay đang được luật pháp công nhận quyền sở hữu của các nhà đầu tư, vì làm như vậy sẽ càng kích thích tầm nhìn ngắn hạn của các nhà đầu tư giáo dục khác. Không phải mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà chính là tầm nhìn ngắn hạn trong một môi trường thiếu minh bạch về trách nhiệm giải trình mới hủy hoại động lực tạo ra chất lượng giáo dục tốt.

Điều đáng nói hơn nữa là khung chính sách và pháp lý cần ngăn chặn phi lợi nhuận giả hiệu. Nếu vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận chỉ được phân biệt bằng tiêu chí duy nhất là mức chia lợi tức, một bên không bị hạn chế và một bên bị hạn chế không quá lãi suất trái phiếu chính phủ như Nghị định 141/NĐ-CP đã nêu thì các trường rất dễ giương ngọn cờ không vì lợi nhuận nhưng thực tế vẫn là vì lợi nhuận. Những người điều hành hoàn toàn có thể duy trì mức chia lợi tức thấp cùng với những cách hạch toán lời thật lỗ giả với nhiều thủ thuật khác nhau, chẳng hạn lập các công ty con, các đơn vị vệ tinh trực thuộc nhà trường hoạt động như một doanh nghiệp vì lợi nhuận nhằm mục đích rút ruột nguồn thu của nhà trường để vụ lợi.

Trong trường hợp này, chỉ có người điều hành là có lợi, nhà đầu tư nếu không tham gia điều hành thì không thể kiểm soát được dòng tiền và lời lỗ thực sự của nhà trường. Một chính sách như thế sẽ chỉ kích thích nhà đầu tư giành lấy quyền điều hành, một điều không có lợi cho chất lượng giáo dục, bởi lẽ nó hủy hoại nguyên tắc cốt yếu của một trường ĐH là dùng người chỉ dựa trên tài năng và phẩm chất. Nó cũng có thể kích thích nhà điều hành cướp quyền của người sở hữu, tức là tạo ra tiềm năng bất ổn khiến nhà trường không thể tập trung cho hoạt động thực sự của mình. 

Phải rõ ràng về sở hữu

Cuộc tranh luận giữa vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trên các phương tiện truyền thông thời gian qua đã làm mạnh thêm sự cay nghiệt của công luận đối với khu vực giáo dục ĐH ngoài công lập. Sự cay nghiệt này sẽ kích thích các trường công bố phi lợi nhuận để vừa lòng công chúng, trong lúc vẫn có thể dùng các thủ thuật để duy trì hoạt động của nhà trường như một cỗ máy kiếm tiền cho những người điều hành.

Hãy gọi sự vật bằng đúng tên của nó. Trường vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận đều tốt và đều cần thiết cho sự phát triển của cả hệ thống, bởi nó có đặc điểm khác nhau và sứ mạng khác nhau. Trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục ĐH và sụt giảm nguồn đầu tư công, nhà nước không có lựa chọn nào khác để phát triển giáo dục bậc cao, ngoài việc củng cố và xây dựng hệ thống trường ngoài công lập. Xu thế tư nhân hóa cũng đang là xu thế chủ đạo ở nhiều nước, đặc biệt là ở châu Á.

Để phát triển hệ thống trường ngoài công lập lành mạnh, các nhà làm chính sách cần tạo ra một hành lang pháp lý nhất quán, rõ ràng về sở hữu, minh bạch về trách nhiệm giải trình để khích lệ đầu tư vào giáo dục và bảo vệ người học qua những chính sách về kiểm định và bảo đảm chất lượng.

Thực tế, những trường ngoài công lập thành công lại chính là những trường có nguồn gốc sở hữu rõ ràng, không bị tranh chấp, như trường hợp FPT hay Duy Tân, nhờ đó họ có thể xây dựng tầm nhìn dài hạn và tập trung cho chất lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thị Ly (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN