Năm học mới 2015-2016: Nhiều đổi mới, lắm băn khoăn

Hôm nay (5.9) lần đầu tiên, 22,2 triệu học sinh, sinh viên cả nước đồng loạt đón ngày khai giảng gọn nhẹ, ý nghĩa theo chủ trương mới của Bộ GDĐT. Đây là năm có nhiều thay đổi về chương trình học, sách giáo khoa, thi cử... nên kéo theo đó cũng có khá nhiều băn khoăn.

Giáo viên “3 trong 1”

Trước thềm năm học mới, một vấn đề lớn đang được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm là dự thảo về chương trình tổng thể giáo dục phổ thông vừa được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến dư luận. Mặc dù theo dự thảo, đến năm 2018, chương trình này mới được áp dụng chính thức, nhưng Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ngay từ năm học 2015 – 2016 các trường sẽ bắt đầu tiến hành thay đổi cách dạy và học để làm tiền đề cho cuộc đổi mới.

Năm học mới 2015-2016: Nhiều đổi mới, lắm băn khoăn - 1

Các em nhỏ Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội.  Ảnh: T.A

Một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo chương trình này là việc tích hợp các môn học ở tất cả các cấp học để đạt mục tiêu phát triển năng lực và hoàn thiện nhân cách học sinh. Ví dụ, cấp THCS có môn khoa học tự nhiên (tích hợp lý, hóa, sinh); khoa học xã hội (tích hợp văn, sử, địa)… Đồng nghĩa với yêu cầu tích hợp liên môn, 1 giáo viên phải đủ trình độ để dạy cùng một lúc 3 môn học. Trước lo lắng về việc áp dụng đại trà dạy tích hợp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc dạy tích hợp thực chất đã được đưa vào áp dụng ở mô hình trường học mới (VNEN) từ năm 2011 – 2012. Hiện nay, 1.447 trường tiểu học trên cả nước đã áp dụng mô hình này, dự kiến đến năm học 2015 – 2016 sẽ có trên 3.700 trường triển khai. 

Đồng tình với chủ trương của Bộ GDĐT nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vẫn băn khoăn: “Hiện nay, các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn học, việc dạy được tích hợp sẽ rất khó. Trước khi đổi mới chương trình phải đổi mới phương thức đào tạo giáo viên. Trong khi trình độ giáo viên chưa “tích hợp” đã dạy “tích hợp” thì có quá vội vàng không?”.

Lời hứa của Bộ trưởng

Năm học 2014 - 2015, lần đầu tiên Bộ GDĐT áp dụng Thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, suốt 1 năm học qua, giáo viên, học sinh và phụ huynh phải làm quen với việc không chấm điểm, nhận xét bằng lời, không xếp loại học sinh giỏi, khá, tiên tiến...  Tổng kết 1 năm thực hiện thông tư này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, ở những lớp học có sĩ số đông việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, giáo viên phải gánh vác lượng sổ sách lớn, mất nhiều thời gian nhận xét, ghi chép, hạn chế khả năng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Ông Luận hứa: “Trong năm học 2015 – 2016, Bộ GDĐT sẽ có những chỉ đạo quyết liệt đối với công tác quản lý để giảm tải công việc hành chính, sự vụ, sổ sách cho giáo viên để thầy cô có nhiều thời gian cho công việc chuyên môn”.

Một điểm quan trọng khác đã được ngành giáo dục triển khai quyết liệt trong năm học 2014 – 2015 là đổi mới thi cử. Kỳ thi THPT quốc gia ra đời với hai mục đích, công nhận tốt nghiệp THPT và lấy điểm xét tuyển vào ĐH. Bộ GDĐT đánh giá, kỳ thi “2 trong 1” đã giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội và giảm tiêu cực. Tuy nhiên, khi thực hiện “công đoạn” xét tuyển vào ĐH, CĐ, kỳ thi này đã bộc lộ những vướng mắc khiến cho không ít thí sinh, phụ huynh phải lao đao, tốn kém vì việc rút – nộp hồ sơ quá phức tạp. Thẳng thắn nhìn nhận thiết sót, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã hứa sẽ tổ chức rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc từ Bộ đến địa phương, các trường ĐH, CĐ về công tác chuẩn bị, tổ chức, chấm thi, xét tuyển… Trong năm học 2015 – 2016, Bộ trưởng khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia nhưng sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn về kỹ thuật và thời gian tổ chức kỳ thi này. 

Giáo viên là “chìa khóa”

“Tôi kỳ vọng vào chương trình giáo dục tổng thể sẽ được áp dụng trong thời gian tới sẽ làm thay đổi bộ mặt giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, cần phải xác định được “chìa khóa” của mọi đổi mới giáo dục là nằm ở giáo viên. Chính vì vậy, các trường sư phạm sẽ là nơi phải đổi mới đầu tiên. Trước hết là thay đổi đầu vào các trường sư phạm, hiện nay điểm chuẩn ngành sư phạm đã giảm hơn trước rất nhiều. Các trường sư phạm cần thu hẹp số lượng để đầu tư chất lượng. Giảng viên các trường sư phạm cần là người thấm nhuần tư tưởng đổi mới đầu tiên để “truyền lửa” cho sinh viên sư phạm”.

Ông Phạm Hồng Quang– Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên

Tây bắc khai giảng ở khắp các điểm trường

Năm học này, tỉnh Sơn La có trên 800 trường học với trên 328.000 học sinh. Ngành giáo dục tỉnh tập trung đẩy mạnh ngay từ đầu năm học là duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; triển khai mạnh mẽ và đồng bộ phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Đồng thời chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và quan tâm phát triển trường học tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn…  Còn tỉnh Lai Châu cũng có 446 trường học và gần 130.000 học sinh ở các cấp học phổ thông. Ngày 4.9, tỉnh Lai Châu đã có 28 trường tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa tổ chức khai giảng. Tại các tỉnh khác như: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… công tác khai giảng năm học mới cũng được triển khai tích cực. Những năm học trước, chỉ một số trường học ở vị trí trung tâm, thuận lợi về giao thông và cơ sở vật chất mới tổ chức khai giảng. Năm nay, với phương châm để tất cả trẻ em đều được hưởng niềm vui khai giảng, các tỉnh sẽ tổ chức khai giảng ở khắp các điểm trường. Lễ khai giảng đảm bảo yếu tố: Ngắn gọn, vui vẻ, tạo ấn tượng tốt cho học sinh. Thầy Phan Văn Đạt - Phó Hiệu  trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cho biết,  xã Mường Mùn còn nhiều khó khăn, để chuẩn bị cho năm học mới, mấy ngày qua thầy và trò nhà trường đã tạm thời tu sửa những chỗ hỏng hóc, dọn dẹp sân trường; san lấp những hố, rãnh do mưa xói mòn, dựng nhà vệ sinh tạm… “Mỗi em được góp sức xây dựng, làm đẹp cho trường học sẽ càng thấy buổi khai giảng ý nghĩa, cảm động hơn” – thầy Đạt cho biết. 

Kiều Thiện

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN