Mở ngành độc, lạ và thiết thực

Sự kiện: Giáo dục

Trước thay đổi cơ cấu ngành nghề và nhu cầu xã hội hiện nay, nhiều trường ĐH mở ngành mới, lạ hoặc tìm cách làm mới những ngành đã cũ để thu hút thí sinh.

Trường ĐH Kiến trúc TP HCM vừa công bố tuyển sinh ngành mỹ thuật đô thị. Theo thông tin từ trường này, ngành mới chính là một liên - đa ngành mang tính tổng hợp như chính tên gọi, với sự gắn kết hài hòa những yếu tố và giá trị thẩm mỹ nghệ thuật trong kiến trúc, cảnh quan và môi trường đô thị.

Mở ngành mới, đổi cách dạy

ThS Đoàn Sơn, Trưởng Bộ môn Bố cục tạo hình Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, cho biết ĐH Kiến trúc TP HCM là trường đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành này. "Hiện chỉ những cường quốc về thiết kế như Anh, Mỹ, Đức, Ý, Tây Ba Nha, Nhật... mới đào tạo ngành này. Đông Nam Á chưa có, ngoại trừ Singapore đang xúc tiến" - ông Sơn cho hay. Theo ông Sơn, tại các nước phát triển, nhu cầu tuyển dụng rất cao với các ứng viên quốc tế có năng lực, với trình độ ngoại ngữ và kiến thức tổng hợp đa ngành về mỹ thuật, có khả năng ứng dụng, sáng tạo các thể loại mỹ thuật vào không gian kiến trúc.

Ngành này sẽ đào tạo kiến thức liên ngành của các lĩnh vực và các học phần về khoa học công nghệ, học theo cơ chế xưởng (các nước phương Tây đang áp dụng), không theo cách học truyền thống cơ chế lớp, nên dễ dàng chuyển đổi được việc làm tùy theo sở thích, năng lực và nhu cầu xã hội.

Mở ngành độc, lạ và thiết thực - 1

Thí sinh dự thi môn vẽ trang trí vào Trường ĐH Kiến trúc TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đến nay, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM vẫn là trường ĐH duy nhất ở Việt Nam đào tạo kỹ sư 4 năm ngành kỹ thuật không gian. Theo PGS-TS Phan Bảo Ngọc, Trưởng Bộ môn Vật lý Trường ĐH Quốc tế, đây là ngành đào tạo phục vụ chiến lược quốc gia về ứng dụng công nghệ không gian trong đời sống, xã hội, cụ thể ngành ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực trình độ cao trong ứng dụng công nghệ vệ tinh vào quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo và an ninh quốc phòng. Hiện nay, trường tập trung đào tạo về xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh vệ tinh, công nghệ viễn thám, định vị vệ tinh. "Mục tiêu bước đầu là chúng tôi đào tạo nhân lực về ứng dụng ảnh vệ tinh và công nghệ định vị. Thời gian tới, khi đã đủ nhân lực và cơ sở vật chất, trường sẽ đào tạo chuyên sâu về xử lý ảnh vệ tinh cho môi trường và dự báo thời tiết, chế tạo vệ tinh cỡ nhỏ" - PGS-TS Phan Bảo Ngọc cho hay.

Theo vị trưởng bộ môn, sinh viên tốt nghiệp ngành này có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước có sử dụng dữ liệu vệ tinh để giám sát, quản lý tài nguyên rừng, đất đai, đô thị, lãnh thổ và biển đảo của đất nước; các tổ chức kinh doanh sử dụng dữ liệu vệ tinh, công nghệ định vị vệ tinh và các ứng dụng liên quan.

Phát triển ngành học để tránh lãng phí nhân lực

Năm 2018, Trường ĐH Văn Lang cũng bắt đầu tuyển sinh ngành văn học ứng dụng thuộc Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông. TS Hồ Quốc Hùng, Trưởng Bộ môn Văn học ứng dụng Trường ĐH Văn Lang, cho hay hiện nay việc đào tạo ngành văn học bậc ĐH nước ta gặp nhiều bất cập với 2 lĩnh vực chuyên sâu: Nghiên cứu chuyên sâu về văn học và sư phạm văn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành này thất nghiệp rất nhiều.

TS Quốc Hùng cho biết cách đây 2 năm, Trường ĐH Văn Lang đi đến hướng đào tạo mở ra cánh cửa khác nhằm tránh lãng phí nguồn lực này. Ông nhận thấy càng đào tạo chuyên sâu bao nhiêu, nguồn nhân lực ở ngành này nếu không sử dụng được sẽ càng lãng phí. Trước câu hỏi làm sao ngành vẫn giữ được tố chất đặc thù chuyên ngành nhưng hướng mở rộng, thiết thực, TS Hùng cho biết ông và đội ngũ cố gắng giữ được bản chất ngành học, đề cao tinh thần nhân văn là trọng tâm chương trình. Đồng thời, mở ra cách nhìn, cách kết nối thế giới… làm sao sinh viên ra trường ứng dụng được trong các lĩnh vực như quan hệ xã hội.

"Chúng tôi hy vọng sau 4 năm rèn luyện sinh viên ra trường có thể làm việc trên mọi lĩnh vực, từ truyền thông, tổ chức sự kiện, du lịch, quản lý văn hóa đến kinh tế. Tất nhiên, đó là kỳ vọng, từ kỳ vọng tới làm được là còn dài" - ông Hùng cho hay. Hiện mã ngành văn học ứng dụng vẫn dựa vào mã chung của bộ. Dự định sau vài năm thử nghiệm ổn định, trường sẽ tiến tới tổ chức hội thảo khoa học, báo với bộ để xem hướng mở đào tạo chung ĐH trong nước. 

Tiếp tục tuyển sinh ở nhiều ngành hấp dẫn

Năm nay, nhiều trường cũng tiếp tục thông báo tuyển sinh những ngành từ năm ngoái nhưng vẫn còn khá mới lạ như: Ngành y học dự phòng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành logistics của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, chuyên ngành quản trị bệnh viện của Trường ĐH Kinh tế TP HCM với chương trình do nhà trường kết hợp với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch soạn thảo…

Tuyển sinh 2017: Có ngành tuyển được 5-6 thí sinh, trường chấp nhận đào tạo “lỗ”

“Ngành khí tượng thủy văn biển mới chỉ có 5-6 thí sinh đến xác nhận nhập học nhưng nhà trường vẫn đào tạo và chấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thoa (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN