Lớp học đặc biệt của bà giáo 80 tuổi
Đã tròn 80 tuổi, tóc bạc trắng, da đầy những vết đồi mồi, nhưng bà Hồ Hương Nam vẫn ngày ngày tận tụy với các em học sinh ở lớp học đặc biệt, đến nay tròn 15 năm tình nguyện "lái đò" không công...
Trò chuyện với bà Nam vào một buổi chiều cuối thu - tôi như bị cuốn hút và ấn tượng với những cử chỉ thân mật, lời nói dịu dàng. Dù sống tại Hà Nội đã hơn 40 năm (từ 1957) nhưng bà vẫn giữ nguyên chất giọng xứ Huế: điềm đạm và nhẹ nhàng.
Từ năm 1997 đến nay, bà Nam gắn bó với lớp học tình thương là các em nhỏ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi còn là một giáo viên trẻ, bà đã ấp ủ trong mình những dự định để có thể cống hiến cho thế hệ trẻ những bài học hay, những niềm vui trong cuộc sống.
Khi về hưu, từ năm 1979 – 1996 bà làm công tác dân số tại địa phương (phố An Dương Vương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) - đã chứng kiến nhiều trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn... Với tình yêu trẻ, nhớ trường, nhớ lớp - bà đã quyết định mở lớp dạy học.
Cụ Nam đang dạy học sinh Lưu Hồng Dương viết chữ
Có người nói tôi "bị khùng"
Lớp học ban đầu gặp phải muôn vàn khó khăn, nhất là công việc vận động các gia đình cho các cháu đi học. Nhiều người dân xung quanh thấy bà già rồi còn cho là lẩm cẩm, bị khùng mới có cái ý tưởng đó... Còn những gia đình có con khuyết tật thì mặc cảm và quan niệm: “Người bình thường đi học còn không ăn ai, huống gì người khuyết tật thì học để làm gì”. Vì thế mà không ai cho con đến lớp học.
Khó khăn nữa đó là về cơ sở vật chất. Địa điểm học không ổn định, phải chuyển chỗ nhiều lần... Khi mới mở, lớp chỉ vẻn vẹn 2 học sinh: một cháu bị đao và một cháu bị thiểu năng trí tuệ. Cả hai cháu đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn: gia đình thì nghèo, lam lũ, vợ chồng bỏ nhau. Bà đã phải vận động người thân mãi mới thuyết phục được gia đình.
Đến hiện nay, lớp học đã có 15 cháu, có cả những trẻ em câm, điếc bẩm sinh. Trong lớp có 2 cháu thành tích nổi trội: cháu Đỗ Kim Thúy (23 tuổi) bị liệt nửa người viết chữ rất đẹp, cháu Lưu Hồng Dương (30 tuổi, học 14 năm nay tại lớp) đọc được báo một cách trôi chảy.
Cụ Nam và lớp học tình thương
Với quyết tâm tạo lòng tin cho người dân, muốn chứng minh được những việc mình làm là đúng, bà đã tận tụy dạy dỗ từng con chữ, không ngừng tìm hiểu và linh hoạt trong phương pháp dạy.
Những trăn trở
Theo bà, những trẻ bị tật nguyền cần có cách dạy đặc biệt: đầu tiên phải tìm hiểu và phân loại bệnh để có cách dạy hợp lí; công việc thứ hai đó là dạy chữ và tiến tới dạy toán. Đối với những học sinh này: “học chữ O mất cả 1 tháng để thuộc”.
Nếu như không có sự kiên trì, say mê nghề và yêu mến trẻ thì ít người làm được!
Hàng ngày tiếp xúc với các cháu học sinh tàn tật, bên cạnh niềm vui vì thấy các cháu tiến bộ thì bà lại thoáng buồn. Bà lo tuổi ngày một cao không còn sức theo chân dạy dỗ thì các cháu sẽ ra sao? Bà mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm đến các cháu dù là sự chia sẻ bằng tấm lòng để các cháu vượt qua mặc cảm mà sống vui.
Thành công nhận được trong 15 năm "lái đò" không công là những cái ôm thân thiết, những bông hoa giản dị tiết kiệm từ số tiền ăn quà ít ỏi, cái vỗ tay khi bà có áo mới đến lớp... Cứ thế, bà luôn vui vẻ và thấy cuộc sống ý nghĩa.
Bà Hồ Hương Nam sinh năm 1932, quê gốc ở Huế. Trước đây dạy học ở Quảng Bình. Năm 1957 theo chồng ra Hà Nôi, dạy Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội. Bà về hưu năm 1979 và làm công tác dân số tại phố An Dương Vương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Mở lớp tình thương năm 1997 đến nay. |