Ký sự tân sinh viên, nụ cười và nước mắt

Với nhiều bạn trẻ, thử thách đầu đời của cuộc sống sinh viên không phải là sách vở, nhà trường mà chính là những xô bồ trên đất Hà Thành với cả nụ cười và nước mắt.

Sống trong sợ hãi

Khác xa với sự hứng khởi, hào hứng ban đầu, không ít tân sinh viên thú nhận, những va chạm đầu tiên ở Hà Nội khiến họ chỉ biết âm thầm lau nước mắt.

Mới lên Hà Nội học được vài tuần, nhưng Nguyễn Thị Hằng (quê Hậu Lộc – Thanh Hóa) luôn phải sống trong cảm giác thấp thỏm, bất an. Tất cả chỉ vì Hằng trót “sa chân” vào một xóm trọ với chủ nhà quái ác.

Căn phòng rộng chừng 10 mét vuông, như một cái hộp bí bức và ẩm thấp. Hai chiếc giường sắt cũ kỹ, kiểu giường ký túc xá trước đây là toàn bộ không gian tự do của Hằng. Khi vào ở đây, Hằng chỉ nghĩ, chấp nhận điều kiện tồi tàn vì giá rẻ, chứ không ngờ sẽ phải chấp nhận cả những điều khoản quái gở như: Không được nói chuyện, gây ồn sau 10h, giặt quần áo không được để nước chảy tràn khỏi chậu, về quê hoặc vắng nhà đều phải báo cáo chủ trọ…

Ký sự tân sinh viên, nụ cười và nước mắt - 1

Xóm trọ ngột ngạt nơi Hằng đang sống (Ảnh: Quỳnh Anh)

“Hễ vi phạm là ông chủ phạt, phạt tiền từ 50 – 100 nghìn/ lần, hoặc phạt cọ rửa nhà vệ sinh, có khi chúng em còn bị mắng chửi té tát. Có hôm 10h đêm chúng em ngủ cả rồi vẫn bị đập cửa gọi dậy bằng hết để họp, thậm chí bắt chúng em đi tìm giấy tờ để đi photo nộp cho ông ấy ngay giữa đêm. Gọi là họp, nhưng buổi này chủ yếu để ông chủ nhà bắt lỗi phạt sinh viên, quát mắng, đe dọa, chửi bới. Ai muốn chuyển đi thì bị “ép” bồi thường hợp đồng số tiền rất lớn, lên tới vài triệu đồng. SV nghèo, không có tiền nên đành chịu” – Hằng ấm ức tâm sự.

Vì sợ, Hằng và cư dân xóm trọ không ai dám đi ra ngoài khuya vì sợ về muộn phải đứng ngoài hoặc bị phạt. Không ai dám nói to, để chuông điện thoại vào buổi tối… Thèm đi chơi, thèm được tiếp đón bạn bè nhưng không thể, Hằng buồn bã bảo: “Nhiều lúc em thấy như mình sống trong ốc đảo. Nghe các bạn kể chuyện đi chơi, chuyện xóm trọ của các bạn vui thế nào mà thèm”.

Sốc, xấu hổ...

Tìm nơi “an cư” đã khó, tân sinh viên còn gặp phải vô số những sự cố trong đời thường. Mỗi lần va vấp là một bài học đau đớn mà các em tự nghiệm ra cho bản thân.

Sau một tháng đi học, tân sinh viên Nguyễn Trần Nam – Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã trang bị cho mình sự cảnh giác cao độ, và một gương mặt lạnh, thái độ có phần gai góc, khác hẳn lúc vừa từ quê ra phố.

“Nguồn cơn từ vụ “xe buýt” – Nam thổ lộ.

Theo đó, Nam đã “nếm mùi” xe buýt ngay trong lần đầu say xe. Vì không có kinh nghiệm, vì bị động, Nam nôn ngay trên xe mà không kịp xin túi nilon. Mệt mỏi, sợ hãi, Nam lại còn chết khiếp vì thái độ hung hăng của lái xe và phụ xe.

“Họ quát tháo em ngay trước mắt bao nhiêu hành khách, bắt em phải về cuối bến lau chùi. Em đã xin lỗi, gần như phát khóc nhưng họ không tha…” – Nam tủi thân nhớ lại.

Ký sự tân sinh viên, nụ cười và nước mắt - 2

Rời xa gia đình, các tân sinh viên bước vào đời với những bài học nhiều cay đắng (Ảnh minh họa - Quỳnh Anh)

... và cảm động

Nhiều kỷ niệm buồn, song vẫn có những tân sinh viên bộc bạch, điều các bạn lạc quan là giữa Hà Nội xô bồ, vẫn có những khoảnh khắc tình người xúc động.

Nguyễn Thị Thùy Trang, SV Trường ĐH Dược Hà Nội kể, em cũng nhận được sự giúp đỡ bất ngờ từ một người lạ trên đường.

“Hôm ấy đã khá muộn nhưng em bị lạc vì lên nhầm xe buýt. Điện thoại thì hết pin, người vừa mệt vừa sợ. Đang nước mắt lưng tròng, không biết làm thế nào thì gặp một cô - dáng vẻ là người đi làm về. Cô ấy nhìn thấy em khóc, dừng lại hỏi thăm, an ủi em như người thân vậy. Sau đó cô ấy cho em mượn điện thoại gọi cho bạn ra đón, và còn đứng chờ hơn 1 tiếng đồng hồ cho đến lúc bạn em ra đến nơi mới yên tâm ra về” – Thùy Trang kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Anh (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN