Ký sự "sởn da gà" của cô giáo mầm non

Mắng, quát, hét rồi...rú lên với bé trong mắt cô là "thằng tự kỷ" khiến tôi sởn da gà. Ấn tượng đọng lại trong lòng tôi - cô giáo mầm tương lai là sự thật kinh hoàng "học" được từ bậc "tiền bối" đi trước. Nếu là mẹ biết được sẽ sốc...

Kết thúc hơn một tháng thực tập tại trường mầm non ở Hà Nội, mang theo biết bao kỷ niệm đẹp với những "thiên thần bé nhỏ", lẽ ra tôi nên vui nhưng ngược lại, tôi buồn nhiều hơn vì ngay tại nơi này, với những điều "mắt thấy tai nghe" và trực tiếp cảm nhận, hình ảnh "người mẹ hiền" trong suy nghĩ của một cô giáo mầm non tương lai như tôi đã khiến tôi hẫng hụt, hoang mang.

Tôi được thực tập trong lớp học có hơn 60 trẻ. Tôi đặc biệt chú ý đến bé Bi (hơn 2 tuổi) - ít tuổi nhất lớp. Bé Bi luôn có thái độ và hành động lạ lùng, thay vì quấn quýt, quan tâm các cô như bé Tôm và thông minh, nhanh nhẹn như bé Na...,

Bi chẳng bao giờ gần gũi bất cứ ai, cô giáo hỏi không bao giờ đáp, các giờ học không hề tham gia, hưởng ứng. Ban đầu tôi thấy khó chịu vì không hiểu sao đứa trẻ này lại lười biếng và "hư" như vậy. Ngay lúc đó, chị T. kéo tôi lại gần và nói: "Thằng này nó bị tự kỷ đấy, cứ kệ nó đi!..."

Chưa hết bất ngờ vì câu nói vô cảm đó, tôi lại một lần nữa bị "sốc" vì cách cư xử của tất cả các cô giáo với bé. Trong khi cả lớp học múa, hát, nghe kể chuyện và chơi các trò chơi thì bé Bi chỉ lủi thủi một mình hoặc lăn lóc trong góc lớp. Mặc cho bé muốn làm gì thì làm, các cô giáo không hề để tâm tới. Nhất là những giờ hoạt động góc (tổ chức chơi các trò chơi) hầu như bé không được tham gia.

Và tôi thực sự sốc...

Một lần, bé Bi chơi mô hình sân bay, khi vừa động vào viên gạch đã bị một giáo viên tới ngăn lại: "Đi ra! Mày động vào hỏng hết mô hình bây giờ, phá ra tao lại mất công sửa lại!". Bé Bi đột nhiên khựng lại, hai mắt đỏ ngầu, nhìn cô và khóc thét lên.

Buổi trưa bé Bi không ngủ, chỉ vạ vật chơi một mình hoặc quấy khóc. Những lúc như vậy cô H. thường tiến đến trừng mắt, chỉ tay vào bé: "Câm mồm! Mày có câm không?". Rồi chứng kiến bé nhận phạt nhốt trong nhà vệ sinh hoặc phải đứng góc lớp.

Nhìn dáng hình nhỏ bé, đáng thương và đơn độc của Bi, tôi như nghẹn lại. Tôi tìm cách tiếp cận, gần gũi bé bằng những cử chỉ ân cần, yêu thương nhất. Lúc đầu bé thường sợ hãi, chạy đi với ánh mắt xa lạ, lạnh lùng.

Tôi thực sự không hiểu tại sao trẻ tự kỷ lại phải chịu sự kỳ thị vô lý như vậy?

Điều khiến tôi ngạc nhiên đến sởn da gà là cô giáo đã mặc định trẻ tự kỷ là những đứa trẻ vô dụng, không có cảm xúc, không nhận thức được điều gì dựa trên các biểu hiện như: chậm tư duy, kém cỏi về mọi mặt so với bạn đồng trang lứa.

Vô lý hơn khi căn cứ quy kết bé bị tự kỷ được cô đưa ra khi quan sát trẻ chơi trò tô tượng, các em phát triển bình thường biết cách tô mái tóc màu đen, áo quần màu xanh, màu đỏ..., còn trẻ bị cho là tự kỷ thì chỉ tô nguyên một màu....

Điều tôi học được sau một tháng thực tập là những đối xử vô lý. Nếu cho rằng, tự kỷ là không có cảm xúc, sao khi chúng tôi chia tay lớp trở lại trường học, các em nhỏ đều khóc nghẹn, lưu luyến, bé Bi cũng chạy đến níu chân tôi và bi bô trong nước mắt: "Cô ơi, cô đi rồi quay lại chơi với con nhé!"

Khi rời khỏi nơi đây, tôi còn một điều băn khoăn mãi khi thấy chuyện phổ biến diễn ra tại một trường mầm non có tiếng của Hà Nội lại là việc thiếu cơm (?). Để được theo học ngôi trường này, cha mẹ các em phải đóng mức học phí khá cao vì cơ sở vật chất của trường khá tốt. Nhưng trong suốt đợt thực tập, tôi thấy các bữa ăn của trẻ thường bị thiếu, các em phải chạy từ lớp này sang tới khác để xin cơm, hoặc nhiều hôm may mắn thì đủ bữa, còn lại chẳng bao giờ thừa thãi để ăn một cách thoải mái.

Ngược lại, các bé phải học quá nhiều với lịch dày đặc mỗi tuần. So với những dáng hình nhỏ bé ấy, liệu "nhồi" kiến thức một cách không cần thiết như vậy liệu có nên?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN