Kỷ luật học sinh bằng phạt tiền
Các chuyên gia giáo dục cho rằng đây là một hình thức giáo dục không nên áp dụng trong môi trường sư phạm.
Để hạn chế việc học sinh vi phạm kỷ luật, Trường THPT Lê Hồng Phong (Đông Anh, Hà Nội) đã đề ra hình thức thu tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm từ 10.000 đến 100.000 đồng.
Tự ý thu phí
Quy định trên là ý tưởng của cô Lê Thị Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, đồng thời là hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong. Lý giải về phương pháp này, cô Hường cho biết trước kia những lỗi vi phạm như học sinh mang điện thoại đến lớp, nhà trường xử lý bằng cách thu giữ tạm thời và mời phụ huynh đến làm việc. Việc này gây mất thời gian của cả nhà trường và phụ huynh. Sau một thời gian ngắn áp dụng “quy định” phạt tiền, số học sinh vi phạm các lỗi cơ bản đã giảm đáng kể. Quy định kể trên cũng đã được phổ biến cho các phụ huynh học sinh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học. Cô Hường cũng cho biết mỗi giáo viên đều có cách dạy riêng nên cô vẫn chưa nhân rộng “quy định” này ra toàn trường…
Số tiền phạt được đưa ra cũng tăng dần theo mức độ vi phạm. Ví dụ học sinh đi học muộn bị phạt 10.000 đồng, nghỉ học hoặc trốn học phạt 100.000 đồng, nói chuyện riêng trong lớp, mang điện thoại di động đến lớp phạt từ 20.000 đến 50.000 đồng...
Với mức thu tiền phạt như trên, một tháng có học sinh đã phải nộp phạt hàng trăm ngàn đồng. Theo cô Hường, toàn bộ khoản tiền được thu sẽ dùng để khen thưởng cho những học sinh học tập tốt hoặc các hoạt động ngoại khóa, vui chơi để khuyến khích các em học sinh chứ nhà trường không sử dụng... Tuy nhiên, khi được hỏi về các giấy tờ có liên quan, cô Hường lại không đưa ra được mà cho biết đó là biện pháp được thống nhất với học sinh thông qua “văn bản miệng”.
Sổ ghi số tiền phạt mà các em học sinh phải đóng. Ảnh: Tin tức
Phương pháp không phù hợp
Tỏ ra bất ngờ về phương pháp giáo dục kể trên, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm: “Trong xã hội chúng ta vẫn có những luật lệ xử phạt vi phạm bằng chế tài là tiền phạt, vì người vi phạm đã trưởng thành và có đủ khả năng chi trả. Còn các em học sinh đang lệ thuộc bố mẹ thì lấy tiền đâu để đóng”.
Cùng chung quan điểm này, TS Đặng Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và Ứng dụng tâm lý (ĐH Giáo dục) cho rằng: “Kỷ luật trong nhà trường là cần thiết, nếu học sinh vi phạm thì nhà trường nên đưa ra một hình thức tương ứng để học sinh nhìn vào đó điều chỉnh hành vi của mình, nếu vi phạm thì phải chịu hậu quả tất yếu. Tuy nhiên, tôi không đồng thuận với phương pháp kỷ luật học sinh bằng tiền”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lo ngại về những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra từ hình thức xử phạt này. “Không có tiền nộp phạt, các em có thể phải về xin tiền cha mẹ, một là nói dối, hai là nói thật. Nếu nói thật, có khi bị cha mẹ đánh đòn, gây ức chế tinh thần cho các em. Chưa kể có em sẽ phải tìm mọi cách để có tiền, kể cả ăn cắp của bố mẹ để nộp phạt”.
TS Đặng Hoàng Minh cũng lo ngại các hệ quả tiếp theo. “Ở mức độ nhẹ, các em phải sử dụng tiền mà bố mẹ cho như tiền chi tiêu vặt, tiền ăn sáng để đóng tiền phạt, như thế các em phải hy sinh quyền lợi của mình. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, không loại trừ các em phải làm những việc không tốt để có tiền… Theo tôi, để giáo dục các em, có thể sử dụng cách thức như cho lao động ở một mức độ phù hợp…”.
Đây không phải là lần đầu tiên có trường học áp dụng hình thức phạt học sinh bằng tiền TT Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã cử một số cán bộ xuống làm việc với trường. Thông tin cụ thể hiện đoàn công tác chưa có báo cáo nên chúng tôi chưa thể công bố kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không đồng ý với phương pháp này. Nếu xác minh đúng trường đã làm như thế chúng tôi sẽ yêu cầu rút kinh nghiệm và nhà trường phải trả lại toàn bộ số tiền đã thu từ tiền phí nộp phạt cho các học sinh. Ông NGUYỄN HIỆP THỐNG, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội |