Không bắt buộc mua bút điện tử

Câu chuyện “bút chấm đọc” có khá nhiều vấn đề được người trong cuộc đặt ra liên quan đến Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục, đơn vị được Bộ GD-ĐT giao in ấn sách giáo khoa phục vụ đề án dạy và học tiếng Anh.

Trong đó có việc chọn Robot teacher cho giai đoạn thí điểm đến việc thẩm định thiết bị bút chấm đọc của nhiều đơn vị.

PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Khang, phó giám đốc NXB Giáo Dục, về việc này. Ông Khang cho biết:

- Robot teacher được Ban chỉ đạo đề án dạy và học ngoại ngữ chọn. NXB Giáo Dục ngoài việc được Bộ GD-ĐT giao in ấn sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm lớp 3, còn có nhiệm vụ phủ mã code cho thiết bị Robot teacher đối với sách thí điểm, vì đây là thiết bị hỗ trợ duy nhất được sử dụng cho mục đích dạy học thí điểm.

Không bắt buộc mua bút điện tử - 1

Ông Nguyễn Minh Khang

* Robot teacher khi được đưa vào thí điểm giai đoạn đầu có được thẩm định đúng như quy trình thẩm định các sản phẩm sau này không, thưa ông?

- Tôi được biết là có thẩm định. Theo văn bản chúng tôi đang có thì kết quả thẩm định cho biết Robot teacher là loại bút có màn hình hiển thị tin với phần mềm và cơ sở dữ liệu audio cho sách giáo khoa tiếng Anh của NXB Giáo Dục VN do Viện Vật lý xây dựng, có tính năng đọc phát âm giọng đọc mẫu chuẩn, ghi âm, phát lại, có phần mềm kiểm tra đánh giá ngữ âm, chấm điểm hiển thị trên màn hình.

* Theo TS Doãn Hà Thắng, Robot teacher có chức năng kích não cho người học. Tính năng này có được thẩm định khi đưa sản phẩm vào thí điểm không? Theo ông, Robot teacher khác gì với các sản phẩm bút chấm đọc được thẩm định sau này?

- Chúng tôi chỉ xác nhận Robot teacher là một sản phẩm tốt có chức năng hỗ trợ việc dạy học tiếng Anh theo đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT giống như các sản phẩm vừa được thẩm định. Không xác nhận được tính năng “kích não”. Robot teacher khác các sản phẩm khác là có phần mềm chấm điểm, hiển thị trên màn hình.

Sản phẩm của bốn đơn vị được chúng tôi thẩm định sau này đều có chức năng đọc phát âm giọng đọc mẫu chuẩn, ghi âm phát lại để người dùng so sánh với giọng đọc mẫu, tự đánh giá. Yêu cầu của đề án trong giai đoạn đại trà cũng chỉ cần những thiết bị hỗ trợ có tính năng như vậy. Ngoài ra, các địa phương có thể lựa chọn máy cassette, đầu đĩa để mở CD, DVD, phần mềm máy tính khác để hỗ trợ việc dạy học chứ không bắt buộc phải mua bút chấm đọc.

* Robot teacher được giới thiệu là sản phẩm của đơn vị nào hay của cá nhân TS Doãn Hà Thắng?

- Trước nay chúng tôi đều được biết đến Robot teacher là sản phẩm do Viện Vật lý sản xuất, theo thông tin từ chỗ TS Thắng. Tuy nhiên, tôi muốn nói rõ thêm anh Thắng vừa là một nhà khoa học của Viện Vật lý vừa là giám đốc Công ty cổ phần Tích hợp công nghệ mạng, công ty này mang bút Robot teacher đi bán. Như vậy cái lợi ích mà thiết bị này mang lại không phải cho Viện Vật lý mà cho công ty đó.

Theo thông tin về sản phẩm Robot teacher gửi NXB Giáo Dục, sản phẩm này đã có bằng độc quyền sáng chế số 1-2009-01810/CSHTT cấp ngày 25/8/2009. Nhưng tra cứu của PV tại Cục Sở hữu trí tuệ thì số hiệu trên chỉ là mã số đơn xin cấp bằng sáng chế của TS Doãn Hà Thắng gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ.


* TS Doãn Hà Thắng cho rằng Viện Vật lý đã đề nghị cung cấp miễn phí mã code mở (sử dụng chung cho các loại thiết bị bút chấm đọc) để đảm bảo một tiêu chuẩn công bằng cho tất cả các đơn vị, nhưng NXB Giáo Dục lại in mã code theo công nghệ thấp hơn để phù hợp với những sản phẩm của đơn vị khác. Không những thế, NXB Giáo Dục đã từ chối in sách mã hóa sử dụng thiết bị Robot teacher mà địa phương yêu cầu. Việc này ông giải thích thế nào?

- Tôi khẳng định không thể có chuyện đó. Hiện nay chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu mã nguồn mở để tất cả thiết bị hỗ trợ, kể cả thiết bị tự tạo của giáo viên, sinh viên có thể dùng được. Code mà chỗ anh Thắng đề nghị chúng tôi chỉ dùng được cho Robot teacher. Như vậy không thể gọi là mã mở chung được. Nếu dùng của anh ấy thì chúng tôi trở thành độc quyền, vì các sản phẩm có chất lượng khác không thể dùng được.

* Vậy với tình trạng thiết bị của đơn vị nào dùng code của đơn vị đó, NXB Giáo Dục làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của các địa phương khi sử dụng sách số hóa?

- Chúng tôi in sách số hóa theo yêu cầu của các sở GD-ĐT. Họ mua thiết bị của đơn vị nào thì đặt hàng chúng tôi in sách theo code của đơn vị đó, tùy theo số lượng khác nhau. Anh Thắng nói NXB Giáo Dục không in sách mã hóa theo thiết bị Robot teacher là không đúng.

Năm nay chúng tôi in 100.000 cuốn sách lớp 3 và 10.000 cuốn sách lớp 4 phủ code theo thiết bị Robot teacher. Cả sách tiếng Anh thí điểm lớp 5 cũng vẫn sử dụng thiết bị Robot teacher. Chúng tôi chỉ ủng hộ việc không độc quyền đối với một sản phẩm duy nhất, điều này cũng phù hợp với chủ trương hiện nay của Bộ GD-ĐT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Hà- Đăng Ngọc (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN