Khởi nghiệp bằng nghề… đi chợ thuê

Tốt nghiệp với những tấm bằng loại ưu nhưng nhóm bạn trẻ lại chọn con đường khởi nghiệp bằng nghề “đi chợ thuê”. Công việc có một không hai này được thực hiện thành công bởi các thành viên trong nhóm Phụ bếp Đà Nẵng.

Khởi nghiệp bằng nghề… đi chợ thuê - 1

Các loại thực phẩm sẽ được các thành viên Phụ bếp Đà Nẵng sơ chế cẩn thận trước lúc giao cho khách hàng. Ảnh: Đào Phan.

Các loại thực phẩm sẽ được các thành viên Phụ bếp Đà Nẵng sơ chế cẩn thận trước lúc giao cho khách hàng. Ảnh: Đào Phan.

Trong 4 thành viên của nhóm Phụ bếp Đà Nẵng, có đến 3 bạn tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng (ĐH Kinh tế Đà Nẵng), bạn còn lại tốt nghiệp ĐH FPT.

Vượt lên định kiến

Vốn là một nhóm bạn thân, sau nhiều lần nộp hồ sơ xin việc nhưng Nguyễn Quốc Tuyên, Trần Anh Phương, Nguyễn Thị Loan và Ngô Sỹ Long (cùng SN 1992) đều không tìm được công việc đúng sở thích. Trong một lần cùng ngồi trò chuyện bàn hướng kinh doanh, nhóm bạn nảy ra ý định khởi nghiệp bằng cái nghề trước nay chưa ai làm: dịch vụ đi chợ thuê!

Bạn Nguyễn Thị Loan, thành viên nữ duy nhất của nhóm, chia sẻ: “Đang lúc căng thẳng chưa nghĩ sẽ làm gì thì một bạn trong nhóm có phàn nàn về chuyện không có ai nấu bữa trưa. Cả nhóm cùng “lóe” ra sáng kiến tại sao không “thử” công việc đi chợ thuê cho những người bận rộn? Thế là nhóm Phụ bếp Đà Nẵng ra đời”. Tuy nhiên, khi đề cập kinh doanh công việc khá “dị” (xấu hổ) này, cả bốn thành viên trong nhóm vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình.

Kịch liệt lắm! Đó là lời chia sẻ của bạn Quốc Tuyên. Có cơ hội làm việc tại một ngân hàng ở quê nhà Quảng Nam nhưng Tuyên lại quyết ở lại Đà Nẵng để theo đuổi “nghề”. Để lấy lòng gia đình, Tuyên không ngần ngại xắn tay vào các việc nội trợ để được công nhận. Trước quyết tâm của con, gia đình Tuyên cũng đành để cậu ấm được làm công việc theo sở thích.

Xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch

Nhóm Phụ bếp Đà Nẵng cung cấp dịch vụ đi chợ thuê và sơ chế thức ăn theo yêu cầu. Đối tượng mà nhóm hướng đến là công chức, những người thường có ít thời gian nội trợ.

Đầu tiên, nhóm phát hơn 2.000 tờ rơi trên khắp thành phố để quảng bá hoạt động của mình. Tuy nhiên, do chưa thống nhất trong “chiến lược kinh doanh” nên thông điệp nhóm gửi đi không được khách hàng tiếp nhận. Thành quả nhóm thu về chỉ là con số không. Không nản, các thành viên mang những suất đồ ăn miễn phí như canh cá ba sa, canh chua cá lóc… đến gõ cửa từng nhà. Lấy chất lượng sản phẩm thuyết phục khách hàng, nhờ vậy, nhóm đã có những đơn đặt hàng đầu tiên. Tuy nhiên, dịch vụ đi chợ thuê vốn là một khái niệm khá mới với người dân nên số lượng các đơn đặt hàng cũng còn hạn chế.

Tháng 12/2014, nhóm Phụ bếp Đà Nẵng mạnh dạn đem sản phẩm đến Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, gian hàng của nhóm bị “ế”. “Đêm đó, cả bốn thành viên trong nhóm đều phải ngủ qua đêm ngay tại hội chợ để trông đồ. Mưa, lạnh lại không bán được gì, mấy đứa nhìn nhau mà chảy nước mắt”, Loan tâm sự.

Để “lấy tiếng”, nhóm lấy uy tín đặt lên trên lợi nhuận. Mỗi đơn đặt hàng, nhóm chỉ lấy tiền thực phẩm, còn phí giao hàng, tiền công đều “free”. Nhờ đó, lượng khách đặt hàng không ngừng tăng lên. Đến nay, nhóm đã xây dựng được hệ thống “khách ruột” bền vững.

Là thành viên nữ duy nhất của nhóm nên hằng ngày Loan phải đi chợ từ 5h30 sáng để có thể lựa được đồ ngon, rẻ để vừa lòng khách. Sau khi mua đồ theo thực đơn khách đặt, Loan đem về trụ sở tại tổ 25, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn để các thành viên sơ chế, sau đó đi giao hàng cho khách. Loan cho biết, mỗi đơn đặt hàng, nhóm Phụ bếp Đà Nẵng đều lấy giá rẻ hơn giá thực tế trên thị trường, đối với khách hàng xa, phí ship là 10.000 đồng/suất, gần thì 5.000 đồng/suất, có khi free ship.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch, nhóm đã mượn mảnh đất gần 2 ha của gia đình để trồng rau và lấy trứng vịt từ trại nhà. Tuy mới khởi nghiệp được 3 tháng nhưng hoạt động của nhóm thu hút gần 4.000 lượt theo dõi trên fanpage Phụ bếp Đà Nẵng. Mỗi ngày, nhóm nhận khoảng 20-30 đơn đặt hàng.

Hiện nhóm Phụ bếp Đà Nẵng đang có kế hoạch mở một siêu thị thực phẩm mini với những loại thực phẩm “cây nhà lá vườn” nhằm xây dựng thương hiệu thực phẩm “siêu sạch, siêu rẻ” để phục vụ khách hàng. “Đây là loại hình kinh doanh rất mới ở Đà Nẵng, để thuyết phục khách hàng cần có thời gian. Lợi nhuận thu về chưa nhiều nhưng hiện tại các bạn đều có thể tự nuôi bản thân, quan trọng hơn là được làm công việc mình yêu thích”- nhóm Phụ bếp Đà Nẵng chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Phan/Tiền Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN