Khi trẻ phải học quá nhiều
Không có thời gian giải trí, vui chơi và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những ngày thường phải học kín mít, đến thứ bảy, chủ nhật đáng lẽ là thời gian nghỉ ngơi nhưng học sinh (HS) lại vùi đầu học thêm. Đó là thực trạng đáng báo động hiện nay.
Chính vì lịch học dày đặc nên chắc chắn việc giải trí hay vui chơi chỉ có thể thông qua các phương tiện như phim ảnh, ca nhạc hoặc các trò chơi điện tử… Và theo đó, HS nhất là ở các thành phố lớn rất dễ dẫn đến nguy cơ bạo lực học đường..
Trẻ cần có nhiều thời gian tham gia những hoạt động vui chơi lành mạnh Ảnh: GIA THÙY
Bà Nguyễn San Hà, giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản (TP HCM), nêu thực tế tại hội thảo về chủ đề về bạo lực học đường tổ chức mới đây: “Hiện nay, ở các đô thị lớn, các bậc phụ huynh bằng mọi cách cho con học bán trú để yên tâm công tác nên thường từ 7 giờ đến 17 giờ là các em phải học tập chính ở trường theo thời khóa biểu chính khóa. Sau thời gian học bán trú, HS lại tiếp tục được định hướng hoặc bắt buộc tham gia các lớp ngoài giờ, học thêm đến gần nửa đêm mới kết thúc. Có thể thấy rằng các em chỉ còn khoảng thời gian ít ỏi vui chơi sau 21 giờ nhưng cũng phải dành cho ăn uống, làm bài tập… Hầu như các em không còn thời gian giải trí nữa”.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia giáo dục cho rằng có thể thấy việc học tập với cường độ cao và quá thời gian cho phép sẽ tạo cho HS tâm lý chán nản. Khi đó, tiếp thu kiến thức chỉ mang tính ép buộc, đối phó, dễ dẫn đến các bệnh về tâm lý nếu thực hiện liên tục trong thời gian dài, có thể khiến các em hung bạo hoặc co mình với người khác. Tất cả điều đó đều dễ dẫn đến hoặc là trở thành đối tượng đi gây bạo lực trong lớp học, ngoài xã hội; hoặc là đối tượng, đề tài cho các HS khác gây bạo lực về tinh thần như trêu chọc, bị tẩy chay hay bị bạo lực về sức khỏe như đấm, đá, tát.
Một lý do nữa được nhiều nhà giáo đưa ra là HS có thời gian quá dài ở trường nhưng môi trường học đường lại không thật sự bảo đảm an toàn cho các em, điều đó có thể do cách quản lý HS chưa nghiêm, nhiều đối tượng bất hảo còn theo học tại trường hoặc có sự kỳ thị, phân biệt của giáo viên với HS. Giáo viên một trường THCS tại TP HCM cho hay hiện nay ở các trường phổ thông, HS ngoài việc dán mắt vào máy tính thì chẳng còn hình thức nào sinh hoạt, vui chơi nữa. Điều đó cũng khiến các em không có được những kỹ năng sống cần thiết như khi chơi những trò dân gian như đánh cờ, vẽ tranh vì các em không có điều kiện để tư duy và cách ứng xử với tình huống thật.
Bà Nguyễn San Hà cho rằng chúng ta không thể có một thế hệ trẻ phát triển và năng động khi hằng ngày các em phải học quá nhiều, làm bạn với máy tính, truyền hình với đầy rẫy các trò chơi bạo lực. “Vì thế, việc đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới ngoài việc định hướng nội dung chương trình theo hướng hiện đại thì tiêu chí vô cùng quan trọng là phải giảm áp lực học hành, dành nhiều thời gian cho HS vui chơi, giải trí và sinh hoạt cộng đồng” - bà Hà cho biết.