Kéo dài xét tuyển ĐH, CĐ: Thêm việc, dễ ảo

Năm nay, ngành GD&ĐT chủ trương đổi mới tuyển sinh ĐH bằng cách kéo dài thời gian xét tuyển đến ngày 30-11 và không hạn chế số lần tuyển, nhằm tạo thêm cơ hội học tập cho thí sinh tốp dưới và cơ hội tuyển sinh cho các trường khó tuyển. Tuy nhiên, chính điều này mang lại vướng mắc cho các trường trong đào tạo.

Thuê thêm phòng thi

Trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) có số hồ sơ tăng lên đến 23.000 so với 16.000 bộ hồ sơ của năm 2011, khiến số phòng thi của trường này phải thuê thêm ngay sau khi biết tổng số hồ sơ vào đầu tháng 5 tăng lên 421 phòng (so với 270 phòng thi năm trước). Cũng vì số phòng thi tăng bất ngờ, trường này phải thuê cả cơ sở vật chất của 4 trường tiểu học để làm phòng thi.

Tại Trường ĐHKH Xã hội-nhân văn (ĐHQG HN) số hồ sơ năm nay cũng tăng gần 30% so với năm trước (hồ sơ khối A tăng nhiều và khối D tăng gấp đôi).

Trường ĐH Bách khoa HN cũng nhận được 19.500 hồ sơ, nhiều hơn 3.000 hồ sơ so với năm trước. Trường này phải thuê thêm phòng thi vì số hồ sơ nhiều hơn dự kiến.

Các trường đều cho biết, tiền thuê phòng thi năm nay tăng hơn năm trước; cụ thể là ĐH Bách khoa phải thuê với giá 350.000 đồng/phòng thi (so với 280.000 đồng năm trước).

Kéo dài xét tuyển ĐH, CĐ: Thêm việc, dễ ảo - 1

Năm nay, thí sinh tốp dưới có thêm nhiều cơ hội. (Ảnh minh họa).

Khó lập kế hoạch

Mặc dù chủ trương tuyển sinh năm nay được cho là cởi mở, nhưng hầu hết các trường được hỏi cho rằng, họ cũng phải chạy đua với thời gian để sớm kết thúc thời gian tuyển sinh, bắt đầu quy trình đào tạo sớm để không ảnh hưởng đến niên học và kế hoạch đào tạo của toàn khóa.

ĐH Thái Nguyên chủ trương ngày 25-8 sẽ tuyển sinh đợt 1; sau đó tuyển đợt 2 vào đầu tháng 9 và sẽ thông báo một đợt tuyển sinh nữa, nhưng không kỳ vọng tuyển được nhiều thí sinh vào đợt chót.

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, nói: “Dù cho thời gian tuyển dài như vậy, nhưng tôi tin các trường đều và phải tuyển sinh thật nhanh, có thí sinh là mời học luôn để sớm tuyển được thí sinh”.

Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN, kéo dài tuyển sinh tưởng các trường được lợi nhưng lại là bất lợi vì thời gian đào tạo sẽ kéo dài.

Trước kia, ngày 20-8, các trường đồng loạt gọi học, khép lại quá trình tuyển sinh, bắt đầu đào tạo đồng loạt, dễ quản lý.

Ông Hóa nói: Áp dụng kiểu tuyển sinh lai rai thế này, các trường sẽ làm việc quanh năm, nghỉ hè không đồng nhất, khó cho kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, đào tạo giáo viên. Nên chăng, trở về như trước, các thí sinh trượt có thể về học ở địa phương vì địa phương nào cũng có trường ĐH.

Xét tuyển… ảo

Theo một số chuyên gia, càng để thời gian dài, càng dễ xảy ra hiện tượng thí sinh đứng núi này, nhìn… trường nọ và tỷ lệ ảo sẽ lớn ở giai đoạn xét tuyển với nhiều trường.

Một nhà đào tạo dẫn ví dụ: mỗi thí sinh có 2 phiếu điểm, thí sinh sẽ mang nộp vào 2 trường nhưng lại không yên vị ở đó mà cứ rút-nộp-rút-nộp nhiều lần, có khi dùng cả bản phô-tô-cóp-pi và vì cần thí sinh một số trường vẫn cứ nhận.

Hiện tượng này dẫn đến tình trạng hồ sơ đăng ký giảm, đỡ ảo như Bộ GD&ĐT vừa công bố, nhưng ở giai đoạn xét tuyển sẽ rất ảo… Ông Vui dự báo: Trường tốp dưới, những trường cần thí sinh lại càng ảo.

“Về tương lai, tuyển sinh không nên ưu tiên thí sinh nhiều quá, cần phải đưa tuyển sinh vào quy lát”, ông Hóa nói.

NHẬN KẾT QUẢ THI SỚM NHẤT – CHÍNH XÁC TUYỆT ĐỐI

Chỉ cần soạn tin: DIEM MÃTỈNH SỐBÁODANH gửi 8502

Để biết thêm chi tiết Bấm đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN