HS không phân biệt được săm và lốp: Giáo dục chỉ thiên về dạy chữ
“Học sinh không phân biệt được săm và lốp chứng tỏ giáo dục chỉ thiên về dạy chữ mà chưa lo dạy kỹ năng sống”, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nhận định.
Thầy Trần Đình Trợ (giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa có một cuộc khảo sát xã hội học đối với 45 học sinh THPT. Kết quả cho thấy, chỉ có 10/45 học sinh phân biệt được săm và lốp.
Các chuyên gia giáo dục cảnh báo, kỹ năng sống của học sinh bây giờ quá kém.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, kết luận về học sinh thiếu kỹ năng sống không hoàn toàn mới trong nền giáo dục hiện nay. Đây là một điều tra xã hội học quy mô nhỏ nhưng đúng đối tượng và khá chính xác.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình SGK do Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng chủ trì cũng đi đến một kết luận: Nền giáo dục hiện nay thiên về dạy chữ mà không quan tâm đến dạy người.
Theo ông Thi, một trong những mục tiêu quan trọng trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo là chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức, sang một nền giáo dục phát triển về phẩm chất năng lực.
Đó là kỹ năng sống, kỹ năng lao động, giáo dục về truyền thống văn hóa cũng như đạo đức lối sống cho học sinh.
“Bơi là kỹ năng bảo vệ cho sức khỏe cũng như bảo vệ tính mạng của mình mà các em không biết thì đáng tiếc”, ông Thi nói.
Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt giữa cái cần thiết và không thực sự cần thiết đối với học sinh. Nếu cứ yêu cầu học sinh biết mọi thứ lại không đúng. Kỹ năng gì cần cho cuộc sống, trong tương lai chúng ta phải giáo dục, rèn luyện cho học sinh.
Thực tế, nhiều cái phù hợp với cuộc sống hiện tại, nhưng có thể sau này sẽ không cần nữa. Chúng ta phải phân biệt điều đó, không nên gom tất cả mọi thứ, rồi bảo học sinh của chúng ta không có kỹ năng.
Ông cũng bày tỏ: “Các em biết hát, biết biểu diễn văn nghệ, biết làm xiếc, rồi biết đủ thứ có khi lại sa đà vào những chuyện mà lẽ ra cần tránh. Chúng ta nên phân biệt rất rõ điều này để giáo dục các em”.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, kỹ năng sống của giới trẻ bây giờ là vô cùng yếu.
Theo bà, nhiều em tốt nghiệp Đại học vẫn chưa nấu nổi một nồi cơm cho đúng nghĩa. Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; Kỹ năng sử dụng các vật dụng (mọi vật dụng, đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng thể hiện trước người khác của giới trẻ cũng chưa tốt.
Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên quan tâm giáo dục các em về kỹ năng sống. Thay vì chiều chuộng, lo lắng, chăm bẵm các em thái quá, cha mẹ nên để ý dạy bảo các em cẩn thận hơn.