Hồi ức cựu học sinh trường Thực nghiệm

“Cái phong cách gà công nghiệp, hơi ngây ngô, cũng có cái hay. Con gà ta khôn quá, giỏi né tránh cái khó khăn, nhưng có khi không biết đối mặt với cái khó khăn”, GS Ngô Bảo Châu, cựu học sinh trường Thực nghiệm chia sẻ.

Sau vụ việc hàng trăm phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm, đạp đổ cổng để tranh nhau mua đơn đăng ký cho con vào học trường Thực nghiệm Hà Nội, một số giáo viên và cựu học sinh ngôi trường này đã chia sẻ nhiều thông tin về nơi họ từng gắn bó, theo học.

Trường Thực nghiệm đã từng “ế ẩm”

Những năm đầu khi trường mới thành lập, nhiều phụ huynh còn rất e dè khi muốn cho con em vào học trường Thực nghiệm.

Được coi là người sáng lập và khai sinh mô hình giáo dục thực nghiệm ở Việt Nam, giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết: “Thời gian đầu, Trường PTCS Thực nghiệm chỉ là trường của con em giới trí thức, giới văn nghệ sỹ và cán bộ cao cấp. Dân không cho con đến. Đơn giản thôi, họ không tin vào mô hình thực nghiệm đầy mới mẻ này. Lúc đó chỉ có tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ và cán bộ cao cấp tin tưởng và ủng hộ mô hình thực nghiệm”.

Ngay cả thời gian gần đây, trước khi thông tin GS Ngô Bảo Châu từng học tại trường Thực nghiệm được biết đến rộng rãi, nhiều gia đình vẫn coi việc cho con vào học tại đây là một sự mạo hiểm. Anh Nguyễn Xuân Thành, có con đang học tại trường Thực nghiệm, cho biết: “Khi biết cháu nhà tôi không học các trường công lập bình thường mà vào học ở trường Thực nghiệm, nhiều người thân và bạn bè nói tôi “dở hơi”, mạo hiểm với tương lai của con cái. Nhưng sau khi biết GS nổi tiếng Ngô Bảo Châu từng là học sinh của trường này, và chứng kiến cảnh người ta đạp cổng để giành nhau mua đơn xin học, nhiều người nói con tôi thật may mắn”.

“Năm vừa rồi mới có cảnh chen lấn kinh hoàng để mua đơn xin học vào trường Thực nghiệm. Chứ các năm trước thì vào học ở đây cũng không khó vì trường chưa thực sự được nhiều người biết đến. Cháu nội tôi đang học ở đây. Hồ sơ xin học tôi lấy được rất đơn giản vì hay ra đây đánh cầu lông”, ông Nguyễn Xuân Minh (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết.

Hồi ức cựu học sinh trường Thực nghiệm - 1

Phụ huynh xô đổ cổng trường để mua đơn cho con vào học trường PTCS Thực nghiệm, sáng 12/5. Ảnh VNE.

Học sinh trường Thực nghiệm ngây ngô như “gà công nghiệp”?

Trong một chia sẻ về ngôi trường Thực nghiệm đã từng theo học, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Cấp một, tôi theo học một trường với phương pháp giáo dục rất cấp tiến, tên là Trường Thực nghiệm, do ông Hồ Ngọc Đại khởi xướng… Tôi không muốn bàn về phương pháp giáo dục của thầy Đại nhưng tôi giữ được nhiều hồi ức đẹp và nhiều bạn bè từ trường Thực nghiệm. Học sinh Thực nghiệm chúng tôi dạo ấy bị học sinh trường khác gọi là gà công nghiệp. Cái phong cách gà công nghiệp, hơi ngây ngô, cũng có cái hay. Con gà ta khôn quá, giỏi né tránh cái khó khăn, nhưng có khi không biết đối mặt với cái khó khăn”.

Phương pháp dạy và giáo dục học sinh của trường Thực nghiệm có nhiều khác biệt so với các trường học khác, như “cha đẻ” của mô hình này – GS Hồ Ngọc Đại – đã phát biểu: “Quan trọng nhất là trẻ con lớn lên ở đây được tôn trọng. Các thầy cô giáo trường nào thì cũng yêu quý trẻ con thôi. Nhưng cái nổi bật của mô hình thực nghiệm là tôn trọng trẻ con bằng thái độ và công việc. Tri thức đưa đến cho trẻ là tri thức rất hiện đại, rất cơ bản và không có sự so sánh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác. Đứa trẻ nào cũng được tôn trọng. Không chỉ những học sinh giỏi toán, giỏi văn mới được tôn trọng, trẻ tập thể dục giỏi cũng được tôn trọng. Tôn trọng cái cuộc sống thật của trẻ con là cái sâu sắc nhất và nên làm với trẻ con. Ở Trường Thực nghiệm không có thi đua, không có xếp loại, không có nhất, nhì, ba, tư”.

Nhiều cựu học sinh tỏ rõ niềm tự hào vì đã từng theo học tại trường Thực nghiệm. Bạn Lê Thanh Bình cho biết: “Cháu đã từng học ở Trường Thực Nghiệm, cháu rất tự hào vì cháu là học sinh của trường mặc dù hồi đó trường của cháu không được nhiều người biết đến. Trường thực nghiệm là một ngôi trường rất hoàn hảo, các cô giáo luôn dạy cho chúng cháu cách ứng xử, cách giảng dạy rất hay”.

Đồng quan điểm, bạn Ngọc Lê chia sẻ: “Với tư cách là học sinh của trường Thực nghiệm cấp 1, 2 từ 6 năm trước, cháu luôn luôn cảm thấy mình thật may mắn khi đã được học tập ở ngôi trường này suốt 9 năm. Cho đến tận bây giờ, những gì cháu nhớ về trường là thầy cô rất yêu thương học trò, và khẩu hiệu luôn luôn được treo trước cổng trường “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Vẫn còn những lo ngại

Bên cạnh những khẳng định về chất lượng và môi trường giáo dục tiên tiến của trường Thực nghiệm, một số phụ huynh có con em học tại đây cũng đưa ra lời khuyên thận trọng dành cho các bậc cha mẹ.

Anh Bùi Xuân Định cho biết: “Trường này chỉ tốt với học sinh có tư chất khá và được học giáo viên giỏi, tận tâm dạy. Con tôi trước đây cũng học Trường Thực nghiệm này. Khi đó, tôi có xem sách giáo khoa của trường mà cháu mang về. Tôi thấy nội dung chương trình không có gì cao và khác lắm, song cách trình bày thì chỉ hợp với các cháu có tư chất tốt, tư duy khá; còn nếu không thì không thể theo kịp được (tôi có anh bạn có con học ở đây, không thể học được phải xin rút ra trường khác).

“Một vấn đề quan trọng khác là giáo viên có tận tâm, giảng dạy theo cách này không thì còn phải kiểm nghiệm. Chính lớp của con tôi trước đây đã bị một giáo viên dạy không hết mình nên năm đó, thi tốt nghiệp THCS, cháu bị điểm kém môn này, thành thử không được vào thẳng THPT (lớp 10). Kỳ đó, tôi tưởng con tôi học ẩu nên phạt rất nặng, sau khi điều tra kỹ thì thấy tại cô giáo dạy môn đó bỏ qua nhiều phần, lại đúng vào phần thi tốt nghiệp nên nhiều cháu bị điểm thấp, không riêng gì con tôi. Tôi đã phạt oan cháu. Tôi xin các bậc phụ huynh hết sức thận trọng, đừng chạy theo phong trào”, anh Định đưa ra lời khuyên.

Một phụ huynh (xin giấu tên) từng có con học tại trường Thực nghiệm lo lắng: “Con gái tôi đã từng học ở trường Thực nghiệm. Nhưng sau 3 năm học ở đây, tôi phải xin chuyển cho cháu sang học trường công lập khác. Lý do là tôi thấy cháu gặp khó khăn trong việc giải quyết các bài toán theo nội dung học đang áp dụng trên toàn quốc của Bộ Giáo dục. Tôi sợ sau này thi đại học theo nội dung chương trình học của Bộ Giáo dục, con tôi không làm được, ảnh hưởng đến tương lai của cháu”.

Chị Nguyễn Ngọc Ánh (Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra thận trọng: “Con trai tôi sang năm sẽ vào lớp 1. Tôi đang phân vân chọn trường cho cháu, giữa trường Thực nghiệm và trường tiểu học gần nhà. Thú thật là thấy vừa rồi, các cha mẹ chen lấn, giẫm đạp để mua đơn xin học cho con vào trường Thực nghiệm, tôi cũng thấy sợ. Chất lượng giáo dục ở trường này thấy nhiều người bảo rất tốt. Nhưng tôi vẫn hơi lo ngại vì thấy con bà chị cùng cơ quan học trường này, cách giao tiếp của cháu hơi có vấn đề một chút, không như trẻ em cùng trang lứa. Tôi cũng lo nếu học không theo chương trình chung, sau này vấn đề thi cử của các cháu sẽ như thế nào?”.

Tra TỈ LỆ CHỌI của Đại Học – Cao Đẳng 2012. Nhanh Nhất – Chính Xác Nhất!
Soạn tin: CHOI MãTrường Năm gửi đến 8502

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN