Học sinh sẽ dùng máy tính sẽ thay sách vở?

Máy tính xách tay thay cho sách vở sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho cả học sinh lẫn giáo viên. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng máy tính nhiều trong một thời gian dài có khả năng làm thui chột các kỹ năng giao tiếp xã hội của con người, ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe của các em học sinh.

Thông tin sẽ trang bị máy tính xách tay học sinh thay cho sách vở được ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP đưa ra trong buổi gặp giữa lãnh đạo TPHCM với đại diện thiếu nhi TP đầu năm, ngày 8/2.

Theo đó, học sinh sẽ dần được trang bị máy tính xách tay và mỗi học sinh được cấp mật khẩu để truy cập nên sẽ không phải mang vác sách vở nặng nề, cũng không còn phải đọc chép mà dành thời gian cho thực hành, hoạt động ngoại khóa.

Tốn cả chục triệu/1 học sinh cho máy tính

Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM cho rằng: “Chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ và Chính quyền TP trong việc chăm lo cho học sinh, bởi trong thời đại hiện nay, máy tính là hết sức cần thiết và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các em học tập”.

“Trên thế giới và kể cả nước ta, nhiều trường hợp đã tử vong do ngồi lâu bên máy tính, nhất là nghiện game, bởi nạn nhân tập trung vào máy tính trong một thời gian dài với cường độ cao trong khi do quá đam mê nên ăn uống qua loa dẫn đến kiệt sức và sau đó đột tử”.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải

Theo PGS. TS Oanh, việc trang bị máy tính sẽ giúp các em nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin; sử dụng các phần mềm học tập hiện đại; hạn chế dùng các cuốn SGK cồng kềnh, nặng nề, mang vác quá nặng…

Tuy nhiên, hạn chế của vấn đề này là khả năng ghi chép của học sinh sẽ giảm đi, chữ viết sẽ xấu hơn và khả năng trình bày văn bản, chính tả, ngữ pháp cũng sẽ giảm đi.

Đối với giáo viên, phải có sự thay đổi đồng bộ trong cách dạy và soạn thảo giáo án từ văn bản sang giáo án điện tử; các trường phải trang bị máy tính, hệ thống nối mạng; tư liệu học tập từ SGK phải chuyển đổi từ văn bản sang online… và kinh phí cho việc này là không hề nhỏ, đầu tư ban đầu cho mỗi học sinh cũng phải hơn chục triệu đồng.

Học sinh sẽ dùng máy tính sẽ thay sách vở? - 1

Nếu học sinh sử dụng máy tính nhiều sẽ ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe

Bên cạnh đó, nếu không quản lý tốt, việc các em sử dụng máy tính làm các việc ngoài yêu cầu học tập như chơi game, vào các trang mạng độc hại sẽ dẫn đến phân tâm học tập, ảnh hưởng đạo đức sau này… “Nếu trang bị máy tính cho học sinh thì cần phải quản lý chặt chẽ việc học sinh sử dụng máy tính vào những mục đích khác nhau”, ông Oanh nói.

Cùng quan điểm với PGS.TS Ngô Minh Oanh, Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Bồi dưỡng giáo viên (thuộc viện Nghiên cứu Giáo dục) cho biết, chủ trương này là phù hợp với xu hướng, bởi nó giúp cho học sinh nâng cao năng lực tìm kiếm; giúp trao đổi học tập và đặc biệt là ý thức tự học cao; là bước chuẩn bị các điều kiện giúp học sinh tiếp cận với hình thức học E-learning ngay khi tiếp xúc với công nghệ thông tin.

“Việc trang bị máy tính cho học sinh cần phải có giải pháp cụ thể, thí điểm và đánh giá sâu sắc… sau đó mới nhân rộng và TPHCM là một trong những địa phương cần đi đầu trong vấn đề này”, ông Anh nói.

Nguy cơ ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân Dân 115 TPHCM cho biết, nếu người dùng ngồi quá lâu và tập trung với một cường độ cao vào máy tính sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và bệnh tật sau này.

Cụ thể, đối với màn hình máy tính, do cường độ ánh sáng mạnh nên khi ta tập trung quá mức trong một thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh khúc xạ về mắt. Nếu ngồi lâu sai tư thế sẽ dẫn đến gù lưng hoặc vẹo cột sống hoặc ảnh hưởng sự phát triển của cột sống.

Ngoài ra, hệ lụy của việc ngồi lâu bên máy tính còn dẫn đến các bệnh chuyển hóa như béo phì, tim mạch do ít vận động sẽ dẫn đến ứ trệ, máu không luân chuyển đến để tiêu hủy các chất độc hại…

Đặc biệt, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, mắt và cột sống đang trong quá trình phát triển nên dễ bị ảnh hưởng nhất. Bên cạnh đó, sử dụng máy tính nhiều sẽ khiến cho các em không còn năng động, giảm các khả năng khác do chỉ tập trung vào máy tính; hệ tim mạch phải làm việc nhiều hơn nên dễ gây ra suy dinh dưỡng, kiệt sức…, bác sĩ Hải nói.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt cho rằng, việc sử dụng máy tính “quá nhiều” sẽ làm thui chột các kỹ năng giao tiếp xã hội của con người.

“Nếu trước đây, trong quá trình giảng dạy, việc tương tác của giáo viên với học sinh thông qua lời nói, các hoạt động cử chỉ điệu bộ, các hoạt động trò chơi nhận thức thì nay, có thể sẽ chỉ là các thao tác kỹ thuật trên máy tính.

Vì vậy, việc kết hợp sử dụng máy tính trong phương pháp giảng dạy của giáo viên, đặc biệt là sự tương tác tâm lý sẽ là điều hết sức quan trọng cần lưu ý”, thạc sĩ An nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng- Ngô Bình (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN