Học sinh ít chọn thi Sử: “Nếu trách, hãy trách người dạy"

“Dư luận đừng cho rằng, học sinh không chọn môn Sử để thi tốt nghiệp THPT là họ ghét sử và không có ý thức với dân tộc. Nếu trách hãy trách người dạy”, GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ.

Đến thời điểm này, các trường THPT tại Hà Nội đã gửi báo cáo lên Sở GD-ĐT Hà Nội. Theo phản ánh từ trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), không có bất kỳ học sinh chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, tại trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có 3% học sinh đăng ký thi môn này. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn Lịch sử.

Trước thông tin này, dư luận lo lắng vị thế môn Lịch sử xuống thấp. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, môn Lịch sử rất khó nhớ nên thí sinh ít chọn cũng là điều dễ hiểu.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Học sinh ít chọn thi Sử: “Nếu trách, hãy trách người dạy" - 1
GS.TS. Vũ Minh Giang 

 

Thưa ông, ông có cảm nhận gì trước thông tin rất ít học sinh ở Hà Nội lựa chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT?

Tôi cho rằng, với cách dạy Lịch sử như hiện nay, học sinh không chán mới lạ. Học sinh chọn môn Lịch sử ít vì không tạo ra hứng thú cho các em.

Trong trường học, giáo viên dạy quá nhiều, nhận định có tính áp đặt. Hoặc để truyền tải một sự kiện lịch sử, giáo viên đưa quá nhiều thông tin (từ nhân danh, địa danh, số lượng, ngày, tháng, năm…) khiến học sinh “sợ hãi”, không thể nhớ nổi.

Theo tôi, một môn khoa học, giáo viên dạy theo kiểu áp đặt, học sinh chỉ biết học thuộc lòng từng dấu phẩy, dấu chấm. Nếu học sinh viết chệch một chữ sẽ sai. Dù học sinh có trí nhớ tốt đến đâu cũng khó có thể nhớ hết các sự kiện. Do đó, học sinh ít chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp là điều dễ hiểu. Dư luận cũng đừng cho rằng, học sinh ghét Sử và không có ý thức với dân tộc.

Vậy theo ông, cách dạy như thế nào khiến học sinh đam mê với môn Lịch sử?

Theo tôi, hãy dạy cho học sinh niềm đam mê bằng các phương pháp khác nhau, tiếp cận khác nhau rèn luyện tư duy cho học sinh.

Khi được mời làm Phó ban Chỉ đạo cuộc thi: “Em yêu lịch sử Việt Nam”, tôi đề xuất đưa nhiều câu hỏi mở vào cuộc thi thay vì câu hỏi về những sự kiện đóng đinh.

Chẳng hạn: Trong lịch sử Việt Nam, em yêu thích nhân vật nào nhất? Tại sao em yêu nhân vật đó. Em hãy trình bày hiểu biết của em về nhân vật lịch sử này? Như vậy, thí sinh phải vắt óc tìm hiểu, tiếp cận bằng các phương pháp khác nhau. Kết quả, khi chấm bài, tôi thấy xúc động vì các em làm rất sáng tạo.

Thời buổi này, người ta cứ “chôn” mình vào những kiến thức không cần thiết cũng chả để làm gì. Giáo viên phải hướng học sinh thấy được học Sử là ngành khoa học không phải nhất thành bất biến. Lịch sử vẫn có kiến thức mới, tư liệu mới, không được áp đặt học sinh.

Ngoài ra, giáo viên nên gợi ý cho học sinh tiếp cận môn này theo hướng sáng tạo. Dẫu biết, lịch sử vẫn là thực thể khách quan, không thay đổi nhưng học sinh có nhiều hướng tiếp cận, đối chiếu sẽ thấy lịch sử lý thú. Điều này không chỉ áp dụng với riêng môn Lịch sử mà tất cả các môn khác cũng vậy. Do đó, học sinh ít đăng ký môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT, nếu trách thì trách người dạy, đừng trách người học.

Học sinh ít chọn thi Sử: “Nếu trách, hãy trách người dạy" - 2

 

Học sinh ít chọn Lịch sử làm môn thi Tốt nghiệp THPT. Ảnh Minh họa

Như ông nói, cách dạy và học Lịch sử như hiện nay dẫn đến số lượng học sinh đăng ký thi môn này rất ít. Vậy, ông có lo ngại lịch sử Việt Nam sẽ bị thế hệ trẻ lãng quên?

Tôi lo ngại sinh viên sẽ quay lưng với lịch sử dân tộc. Cách dạy khiến học sinh chán nản, một lúc nào đó trong ký ức của thế hệ trẻ về lịch sử Việt Nam sẽ rất mờ nhạt.

Nếu học sinh không quan tâm đến môn Lịch sử thay vào đó họ chỉ thấy nhàm chán, khó nhớ sẽ rất nguy hiểm. Truyền thống oai hùng bao nhiêu nghìn năm để lại, đối với thế hệ trẻ cũng không là gì. Vì thế, tôi hy vọng môn Sử không vong bản.

Trong giáo dục phổ thông, các môn xã hội rất quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực tư duy của con người. Bây giờ học sinh bỏ môn Sử thì hệ quả thế nào, học sinh lớn lên không biết lịch sử dân tộc, công dân Việt Nam mù mờ về lịch sử đất nước.

Vậy, đối với những môn tự chọn để thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT đưa ra trong đó có môn Lịch sử và bắt buộc học sinh thi Toán, Văn, Anh. Ông thấy có phù hợp không? Vì sao, thưa ông?

Cơ quan Nhà nước phải nhận định môn Lịch sử không chỉ là môn học thông thường mà là môn học bắt buộc. Học Lịch sử dung dưỡng ý thức dân tộc. Do đó, mọi người phải đối xử với nó khác. Không phải đưa ra cho học sinh thích chọn thì chọn mà không chọn thì thôi.

Theo tôi, môn học nào cũng quan trọng nhưng đối xử với Lịch sử giống với Sinh vật, Vật lý, Địa lý là chưa ổn. Bởi Lịch sử có vị trí đặc biệt trong hệ thống tri thức. Hiện nay, môn Sử được mọi người nhìn nhận chưa xứng tầm.

Tôi đề xuất để Toán, Văn, Sử là môn thi bắt buộc chứ không nên bắt buộc thi Tiếng Anh. Tiếng Anh là cần câu cơm không bắt người ta cũng học. Môn Toán giúp con người tư duy, sáng tạo. Môn Văn dạy cách diễn đạt, thể hiện suy nghĩ của cá nhân. Còn môn Sử dung dưỡng tinh thần và niềm tự hào dân tộc.

Tôi cũng lưu ý, học kiến thức lịch sử, tâm hồn lịch sử, thái độ với lịch sử cần với mọi người. Không phải học lịch sử để ra làm nhà sử học. Dù anh có làm doanh nhân, ngành gì thì môn Sử vẫn dung dưỡng tâm hồn. Tương tự, không phải ai học Toán cũng là nhà Toán học. Ai học văn cũng là nhà văn. Học sinh đừng nghĩ học và thi 3 môn này không xin được việc.

Là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ông sẽ làm gì để đổi mới việc dạy và học sử trong chương trình giáo dục phổ thông?

Bộ GD-ĐT cũng sát cánh với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đưa ra các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức hội thảo các chuyên gia về đóng góp ý kiến cho việc biên soạn chương trình sách giáo khoa, trong đó đặc biệt là môn Lịch sử.

Chúng tôi cũng hy vọng, Bộ GD-ĐT phải xây dựng trên cơ sở tham khảo một cách rộng rãi đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, đặc biệt là các chuyên gia trên từng bộ môn, cần lắng nghe tất cả những ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi cũng như Hội sẵn sàng đóng góp ý kiến để xây dựng Đề án đổi mới sách giáo khoa, trong đó đặc biệt là chương trình và biên soạn sách giáo khoa Lịch sử.

Bên cạnh đó, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đề xuất xây dựng các phương pháp tuyên truyền, điện ảnh về lịch sử.

Xin trận trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN