Học sinh giỏi nhiều, mừng hay lo?
Mấy năm trước, khi Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động cuộc vận động “hai không” trong ngành đã tạo được một bước chuyển biến mạnh mẽ. Tình trạng gian lận trong thi cử giảm hẳn, cách đánh giá của giáo viên đã hướng tới một chất lượng thật.
Điều này đã được sự đồng thuận của xã hội, người thầy cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Thế nhưng… cuộc vận động “ hai không” cũng chỉ thực sự chuyển biến được một hai năm đầu. Mấy năm nay, mọi thứ lại gần như đã trở về vạch xuất phát của khi chưa vận động. Vì sao có tình trạng này? Là người trong ngành, chúng tôi cũng rất trăn trở với những gì mà xã hội quan tâm và đã nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.
Nếu như một hai năm đầu cuộc phát động, tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT có nhiều địa phương rất thấp, thậm chí có trường là số 0 tròn trịa. Nhưng không hiểu vì sao vài năm lại nay tỉ lệ đậu tốt nghiệp lại “đẹp” như vậy? Có phải học sinh đã học giỏi hơn không?
Tình trạng “lạm phát” học sinh giỏi ở Tiểu học trong vài năm gần đây thực sự đã là câu hỏi lớn cho toàn xã hội quan tâm. Đến nỗi cuối năm nhà trường phải đưa phần thưởng để giáo viên chủ nhiệm phát trước một phần, vì ngày tổng kết nếu phát toàn trường sẽ không có thời gian.
Ở các cấp phổ thông người thầy cho điểm giỏi và khá dễ hơn cho điểm trung bình và yếu kém. Rất hiếm giáo viên dám cho điểm thật (!) vì thế mà cuối năm cũng loạn học sinh khá giỏi. Vui thì vui thật nhưng những người thầy chân chính thì chua xót.
Không chua xót sao được khi mà học sinh không làm được bài vẫn phải cho điểm trung bình vào cuối năm. Học sinh tốt nghiệp 12 mà không biết viết một cái đơn, một tờ trình hay biên bản sinh hoạt lớp. Lỗi chính tả thì tràn lan nhưng khi chấm bài chỉ sửa lỗi mà không dám trừ điểm!
Xã hội sẽ đặt câu hỏi vì sao mà giáo viên không làm, không dám làm? Là người trong cuộc chúng tôi day dứt lắm. Bộ phát động “trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên giáo viên chỉ có thể khuyến khích học sinh học bài, chỉ có thể động viên an ủi các em cá biệt sửa đổi, nhưng học sinh cá biệt thì mấy em có thể sửa đổi được. Nhiều khi học sinh vô lễ với thầy cô, nhưng không dám chửi, không dám đánh vì như vậy sẽ vi phạm đạo đức nhà giáo. Cho học sinh ở lại ư? Điều lệ Bộ Giáo dục mới ban hành và có hiệu lực từ 15/5/2011 không cho phép học sinh ở lại hai lần/cấp học. Nghĩa là dù các em kém đến đâu cũng phải cho lên lớp khi các em đã có một lần lưu ban.
Hàng năm, các cấp trên vẫn ra chỉ tiêu bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp, bao nhiêu phần trăm lên lớp, bao nhiêu phần trăm bỏ học, không đạt được chỉ tiêu thì bị phê bình, không được xét thi đua. Những tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những khu vực có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước. Nhiều em bỏ học nhiều tháng trời nhưng khi thi học kỳ cứ phải vận động vào thi để đạt tỉ lệ học sinh đến lớp! Nhiều trường cho điểm thật thì cuối năm bị cấp trên phê bình là chất lượng giảng dạy yếu kém.
Tỉ lệ học sinh đạt loại giỏi, khá và tỉ lệ tốt nghiệp các cấp đang cao lên nếu sự thật như vậy là đáng mừng. Song, cao quá và không đúng chất lượng đào tạo thật thì sẽ tạo một tiền đề nguy hiểm cho nền giáo dục. Bộ Giáo dục cần thiết có những sách lược lâu dài để chấn chỉnh tình trạng này.