Hà Nội có mức học phí 20.000 đồng
Chiều 11/7, Hà Nội đã thông qua việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các trường học công lập. Theo đó, sẽ chỉ có 2 mức 20.000 đồng và 40.000 đồng cho HS khu vực nông thôn và thành phố.
Giảm học phí, ngân sách bù 27 tỉ đồng
Mức học phí mới áp dụng cho các bậc học từ nhà trẻ, mầm non đến THPT. Như vậy, Hà Nội đã thống nhất mức thu học phí ở các địa phương sau khi sáp nhập vào Hà Nội: huyện Mê Linh (trước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), tỉnh Hà Tây cũ, 4 xã của Hòa Bình.
Từ năm học 2012-2013, sẽ chỉ có hai mức học phí với học sinh các cấp chia làm hai khu vực: nông thôn thu 20.000 đồng/tháng/học sinh, thành phố thu 40.000 đồng/tháng/học sinh.
Với các đối tượng được miễn và hỗ trợ học phí, Hà Nội cũng bổ sung thêm học sinh ở 13 xã miền núi khó gồm: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì); Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai), An Phú (huyện Mỹ Đức) và 2 xã giữa sông gồm: Minh Châu (huyện Ba Vì), Vân Hà (huyện Phúc Thọ).
Quyết định mới về mức học phí của Hà Nội ở mức thấp nhất trong quy định về mức học phí tối thiểu ghi trong Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Mức ngân sách được Hà Nội dự toán bù cho các trường khi giảm học phí nhằm đảm bảo hoạt động là 27 tỉ đồng/năm.
Nhiều băn khoăn về lạm thu
Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm, quận Đống Đa băn khoăn: “Giảm học phí liệu các khoản thu khác như chăm sóc bán trú có tăng?”
Bổ sung ý kiến trên, đại biểu Phạm Xuân Tài đề nghị HĐND thống nhất ban hành khung chi phí học tập các hoạt động cho các bậc học, để tránh lạm thu cần phải phân biệt được các khoản dành cho chi phí học tập với thu hộ, chi hộ.
Đại biểu Trần Thị Vân Hoa, huyện Phú Xuyên cho rằng việc giảm học phí sẽ dẫn tới sức ép nguồn ngân sách. Phụ huynh sẽ đổ xô vào các trường công lập dẫn tới sức ép quá tải.
Theo bà Hoa: “Thành phố nên cân nhắc việc giảm học phí. Chưa kể sức ép về chất lượng đào tạo. Nhiều phụ huynh ít quan tâm tới học phí mà để ý nhiều tới các khoản thu khác. Giảm học phí liệu có đáp ứng nhu cầu về đảm bảo chất lượng dạy và học”.
Học sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ THPT năm 2012 tại Hà Nội
Trường tiết kiệm sẽ đủ chi
Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội của HĐND TP. Hà Nội cho biết: “Việc phải đóng học phí từ 7.000 đồng lên 20.000 đồng ở một số xã của Mê Linh là số tiền tăng không đáng kể. Các trường còn lại cũng được hưởng lợi từ việc giảm học phí”.
Với định mức ngân sách thành phố cấp cho mỗi học sinh cụ thể: mầm non 4,1 triệu đồng, tiểu học 3,7 triệu đồng, THCS trên 4 triệu đồng, THPT gần 5 triệu đồng như hiện nay, theo bà Thùy các trường trong điều kiện bình thường và tiết kiệm sẽ đủ chi.
“Theo Nghị định 49 học phí và các chi phí học tập được tính toán và không quá 5% thu nhập của người dân ở vùng nhất định. Nếu thành phố có quy định các chi phí khác không vượt quá mức 5% này. Trường nào lạm thu sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Trả lời câu hỏi khi học phí trường công lập giảm thì học phí các trường ngoài công lập “đến hẹn lại tăng”, có cách nào kiểm soát, theo bà Thùy: “Khu vực ngoài công lập, việc thu học phí trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh và có trách nhiệm công khai mức thu và chương trình học tập.
Hơn nữa, các trường này còn hoạt động theo luật doanh nghiệp, có lợi nhuận nên chi phí đầu vào không giống nhau....nên việc quy định mức sàn học phí cho các trường này rất khó.
Chúng tôi yêu cầu Sở GD-ĐT tiến hành kiểm định và công khai chất lượng. Tuy nhiên, trong tờ trình lần này thì các trường ngoài công lập ngoài khu vực điều chỉnh”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chốt lại: Nếu tính đúng theo mức 5% như trên mức chi phí cho mỗi học sinh ở các cấp học ở thành phố là trên 300.000 đồng, nông thôn: trên 177.000 đồng. Có năm, ngân sách cho giáo dục của thành phố tăng tới 20%.
Mức học phí mới, theo bà Ngọc “đã được tính toán” với mục đích hỗ trợ và “tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được đến trường”. Và việc sẽ thuận lợi nếu thành phố “bớt chi tiêu đi, dành ngân sách cho học tập”.