GS Ngô Bảo Châu: "Học cũng như đi bộ"

GS Ngô Bảo Châu đã giao lưu với học trò yêu toán cùng nhiều thầy cô giáo dạy toán trường THCS Trưng Vương, Hà Nội.

Sau khi dự lễ khai giảng năm học mới ở trường THCS Trưng Vương, Hà Nội với tư cách là học sinh cũ, GS Ngô Bảo Châu đã giao lưu với học trò yêu toán cùng nhiều thầy cô giáo dạy toán thuộc nhiều thế hệ của trường. Trả lời một học sinh lớp 6H2 về việc làm sao học giỏi toán được như Ngô Bảo Châu, GS Châu so sánh chuyện học cũng giống như đi bộ.

Không nên bước vội

Một người muốn đi bộ giỏi thì phải đi từ từ, theo đúng trình tự chân trái đặt lên trước chân phải, chân phải đặt lên trước chân trái. Đi bộ mà bước vội thì sẽ rất chóng mệt. Việc học cũng vậy, không được vội, không nên sốt ruột quá mà học trước chương trình, biến việc học thành cuộc chạy đua…

“Học là để cho mình, để hiểu thấu đáo ngay cả những gì đơn giản nhất. Có nhiều khi chúng ta ham chạy theo giải những bài toán khó, mẹo mực mà không còn thời gian để ngẫm nghĩ cho hết, cho thấu đáo những bài toán đơn giản. Đây có lẽ là điều lớn nhất tôi đã học được ở thầy Tôn Thân khi tôi còn là học sinh trường Trưng Vương. Thoạt tiên tôi cảm thấy thất vọng vì thấy thầy ra bài nào cũng dễ quá. Nhưng sau đó tôi thấy cách thầy giảng rất hiệu quả. Thầy lật lại bài toán, đưa ra những cách giải khác nhau, phân tích thấu đáo logic của bài toán…”, GS Châu chia sẻ.

GS Ngô Bảo Châu: "Học cũng như đi bộ" - 1

GS. Ngô Bảo Châu về trường THCS Trưng Vương dự khai giảng

Thầy Tôn Thân mở rộng vấn đề: “Theo thầy, muốn đi bộ tốt trước hết người ta phải có đủ hai chân. Nghĩa là muốn học tốt thì các trò phải học giỏi toàn diện, đủ cả văn và toán, phải trau dồi không những trí tuệ logic mà còn cả trí tuệ xúc cảm, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức phải phát triển song hành”.

GS Châu tâm sự, những nhà khoa học đích thực làm việc không phải để phấn đấu đạt một giải thưởng gì đó. Động cơ lớn nhất để các nhà khoa học làm việc chính là tình yêu khoa học, khát khao khám phá những bí ẩn của thiên nhiên cũng như của toán học. Điều này nghe có vẻ trừu tượng nhưng thật sự lại là sức mạnh giúp các nhà khoa học vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. “Việc tôi thi trượt vào lớp 6 chuyên toán Trưng Vương cũng là một thử thách và tôi đã vượt qua. Khi ta lớn lên thì thử thách cũng lớn hơn. Nhưng sức mạnh lớn nhất của mỗi con người chính là tình yêu trong sáng của mình với những giá trị nhân bản, trong đó có tình yêu cuộc sống, tình yêu tri thức, tình yêu đồng loại”, GS Châu nói.

Trả lời câu hỏi toán bằng thơ

Nguyễn Minh Hoàng, học sinh lớp 6H1 đưa ra một câu hỏi khiến NGND Vũ Hữu Bình nhận xét “trong số các thầy cô ngồi đây chỉ có GS Ngô Bảo Châu mới trả lời được”: “Tại sao 1 + 1 = 2?”.

Theo thầy Bình, 1 + 1 = 2 tưởng như là điều hiển nhiên nhưng để chứng minh được nó đòi hỏi người học phải được trang bị những kiến thức toán học mang tính hàn lâm. Các tác giả sách giáo khoa toán phổ thông chương trình cải cách trước đây cũng đã từng đưa vào những vấn đề toán học của đại học với hy vọng sẽ làm cho học sinh có tư duy toán học hết sức chặt chẽ.

GS Ngô Bảo Châu: "Học cũng như đi bộ" - 2

Học sinh trường THCS Trưng Vương

“Ban đầu người ta tưởng như thế là tốt cho thế hệ trẻ, nhưng về sau họ thấy không thể dạy tất cả những gì về toán cho học sinh phổ thông”, thầy Bình nói. Thầy Bình cũng khuyên các em học sinh không nên chọn những bài toán quá hóc búa để giải vì sẽ dễ làm người học nản lòng mà nên chọn những bài khó vừa phải để trong quá trình làm còn thấy hứng thú.

Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu cũng không trả lời câu hỏi của Hoàng. Theo GS Châu, những câu hỏi kiểu như tại sao 1 + 1 = 2, 1 + 2 = 3, 1 + 3 = 4 … mang tính triết học cao. 1, 2, 3, 4… là dãy số tự nhiên và cũng là cơ sở cho phép quy nạp toán học. “Trình bày vấn đề này rất dài dòng và nặng nề nên tôi xin được đánh tháo bằng một bài thơ: Logic bần đạo không rành. Cháo chay quy nạp lại thành cháo khê. Xơi vào lại hóa cháo mê. Quy đi nạp lại biết về nơi nao? Bài thơ này tôi viết lên blog nhân có một bạn hỏi làm sao giải thích thuyết quy nạp cho ai cũng hiểu”.

“Trong buổi khai giảng hôm nay, khi xem các em biểu diễn văn nghệ, tôi tưởng như đang là một học sinh của trường. Sau đó cảm giác rất xốn xang, hoá ra cái ngày tôi là học sinh của trường đã cách đây 30 năm. Tôi nhìn và nhận ra gốc cây xà cừ nơi tôi ngồi đó trong lần đầu tiên đến trường, khi đang đợi mẹ xin cho tôi vào học lớp 6B, sau khi trượt lớp chuyên toán.

Với tôi, mái trường cấp 2 là nơi mà mình thấy rất gắn bó. Nó lưu giữ một quãng thời gian đáng nhớ, khi con người bắt đầu nảy nở những cảm xúc đặc biệt, bắt đầu biết quan sát cuộc sống xung quanh. Lúc đó ta chưa phải là thanh niên nhưng cũng không còn hoàn toàn là một đứa trẻ con. Ở tuổi đó ta đầy những cảm xúc trong sáng. Tôi hy vọng các em biết sống, học tập, cố gắng tận hưởng hết những giờ phút tuyệt vời mà các em đang sống”.

 GS. Ngô Bảo Châu

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN