Giới trẻ vui buồn cùng nghiệp PG/PB
Không yêu cầu hồ sơ “một năm kinh nghiệm trở lên”, công việc không quá nặng nhọc lại được hưởng mức thù lao hơn hẳn những công việc làm thêm khác, nghề PG/PB (tiếng Anh: Promotion Girl/ Promotion Boy), gọi nôm na là “đại sứ thương hiệu”, đang rất được giới trẻ ưa chuộng.
Cơ hội cho giới trẻ
PG/PB được đào tạo trong khoảng thời gian rất ngắn để làm việc thời vụ cho một nhãn hàng sản phẩm, dưới sự quản lý của một công ty sự kiện. Bản thân họ là những chàng trai, cô gái trẻ trung, ngoại hình ưa nhìn, sở hữu chiều cao tương đối, khả năng giao tiếp tốt và hơn hết là thái độ làm việc chuyên nghiệp. Trong các sự kiện quảng bá sản phẩm dù lớn hay nhỏ, các PG/PB dù chỉ là một tiết mục phụ đứng đằng sau, nhưng sẽ là không thể thiếu để sản phẩm tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động quảng bá thương hiệu cho sản phẩm mới trở nên sôi động hơn hẳn so với trước. Nếu cách đây hơn 5 năm, những mẩu đăng tuyển lao động cho các vị trí như PG, PB, quản lý, nhân viên bán hàng... trên mạng Internet còn khá hạn chế thì giờ đây, với tốc độ lan truyền và mật độ sử dụng mạng xã hội dày đặc, “việc tìm người- người tìm việc” trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
PG/PB chạy roadshow quảng cáo giữa trời mưa
Công việc của các “đại sứ thương hiệu” vô cùng biến hóa và linh hoạt. Mục đích cuối cùng là để khách hàng được tiếp cận và hiểu rõ hơn về sản phẩm, xây dựng hình ảnh đẹp cho thương hiệu. Tùy vào chiến lược và hoạch định mà mỗi chương trình giới thiệu sản phẩm của mỗi một thương hiệu sẽ có cách làm khác nhau. Từ đó, công việc của các PG/PB trở nên thiên biến vạn hóa. Rất dễ để bắt gặp các chàng trai, cô gái đang làm lễ tân đón khách, phát tờ rơi hay phát sản phẩm dùng thử tại các nơi công cộng.
Tour les Jour- một thương hiệu bánh tươi nổi tiếng của Hàn Quốc- đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng ngày 27/2 vừa qua. Để thu hút khách hàng, chương trình khuyến mãi “Vòng quay may mắn” được áp dụng trong 3 ngày đầu tiên. Công việc của PG là hoạt náo và PB mặc thú nhồi bông để tạo không khí sôi động. Chị Nguyễn Phương- quản lý cửa hàng cho biết: “Nhờ các PG/PB, chương trình khai trương của cửa hàng được nhiều người biết đến. Doanh thu trong 3 ngày đầu tiên khá tốt”.
Hay như chuỗi Nhà hàng Sen (143-Nguyễn Tri Phương- Nguyễn Tất Thành) khai trương đã 6 tháng nay và vẫn đang duy trì việc kinh doanh tốt một phần chính là nhờ vào chương trình quảng bá, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp đến thực khách. Chỉ đơn giản là hình thức phát tờ rơi, nhưng đội ngũ 10 PG được mang đồng phục màu hồng sen dễ thương, trên tay cầm đóa sen đã đem đến một làn gió mới giữa lòng thành phố.
PG phát tờ rơi tại cổng trường ĐH
Tùy theo mỗi chương trình có mức độ hoành tráng khác nhau mà thù lao dao động trong khoảng từ 150.000- 500.000 đồng/ ngày. So với những công việc làm thêm khác như: phục vụ bàn cà-phê, nhân viên bán hàng..., nghề PG/PB được giới trẻ săn đón cũng vì mức thù lao chênh lệch khá rõ. Lê Tôn ( SV ĐH Bách khoa, Đà Nẵng) chia sẻ: “Với công việc làm thêm này, chỉ cần một chương trình kéo dài khoảng 3 ngày là mình đã kiếm được một khoản thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt phí... trong những lúc chờ viện trợ từ bố mẹ”. Ngọc Phượng (SV ĐH Duy Tân) lại bám trụ nghề với lý do khác: “Mình đi làm vì thích sự thay đổi môi trường làm việc của nghề. Thời gian làm việc lại không bó hẹp nên mình chỉ đăng ký đi làm những lúc rảnh để ưu tiên cho việc học”.
Phát sản phẩm dùng thử tại tiệm thuốc Tây
Và nỗi lòng... biết tỏ cùng ai
Cũng vì khá được săn đón mà PG/PB được coi là một nghề lý tưởng, nhàn hạ. Nhưng có ở “trong chăn mới biết chăn có rận”, đằng sau những lần xuất hiện “hào nhoáng” là nhiều nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Thanh Nhàn (SV ĐH Kinh tế), một PG khá đắt show làm lễ tân hội nghị vì vẻ ngoài xinh xắn- chia sẻ: “Những chương trình thế này thường phải đi giày cao gót nhiều giờ đồng hồ liền. Nhiều khi chân sắp rướm máu nhưng khuôn mặt vẫn phải luôn tươi cười để chào đón khách”. Đó là chưa kể những chương trình roadshow phải chạy quảng cáo ngoài trời, PB đạp xe chở theo các cô nàng PG đi qua các tuyến đường chính trong phố dưới trời nắng gắt. Không ít lần vì quá gắng sức mà xảy ra tình trạng ngất xỉu. PG Ngọc Huyền (CĐ Phương Đông) tâm sự: “Vì lỡ nhận show nên dù mệt cũng phải gắng không làm bể chương trình của người ta. Cũng tại mình hay bị ngất xỉu nên cả tháng nay không ai gọi đi làm cả”.
Với những sản phẩm thuộc lĩnh vực nhạy cảm như bia rượu, thuốc lá, yêu cầu về ngoại hình đối với PG của các nhà tuyển dụng gắt gao hơn. Vô hình trung đã biến công việc này trở nên lắm điều tai tiếng. Minh Tâm (CĐ Việt Hàn) ấm ức nói: “Công việc của mình chỉ đơn giản là đứng tại shop tư vấn bán hàng, nhưng chỉ cần nghe đến sản phẩm nhạy cảm là bia rượu thì không ít đứa bạn hiểu lầm là tiếp thị ở bar hay club. Giải thích mãi họ mới hiểu đúng tính chất công việc của mình”. Hay như Như Lan, một “hot PG” khá nổi tiếng trong giới PG, sau 2 tháng làm nhân viên bán hàng cho một nhãn hiệu thuốc lá đã phải nghỉ việc vì gia đình không muốn con gái bị đàm tiếu. Cô thẳng thắn chia sẻ: “Đặc thù công việc buộc mình phải mặc váy và trang điểm đậm nên nhiều người vẫn còn nhìn nghề PG với ánh mắt nghi ngại. Mình thực sự yêu thích công việc này để được giao tiếp và tiếp xúc với xã hội, vậy mà...!”.
Kết
Là một nghề phù hợp với giới trẻ năng động và hiện đại, PG/PB đã không còn quá xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Song những con người góp phần thành công cho nhãn hiệu vẫn chưa được đánh giá đúng về hiệu quả công việc mà họ đem lại; thậm chí nhiều người còn cho đó là chiêu trò quảng cáo, tiếp thị... Thay vì phải chịu ánh nhìn không mấy thiện cảm như hiện nay, phải chăng PG/PB đáng được nhìn nhận bằng một lăng kính khách quan và giá trị hơn?