Giáo viên, nhà sử học thừa nhận bế tắc khi học sinh chán học môn Sử

Cách đây chưa lâu, câu trả lời hồn nhiên của một học sinh rằng “Nguyễn Du chính là Quang Trung” đã một lần nữa cảnh báo về tình trạng học sinh chán và lơ là với môn Lịch sử.

Số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 toàn quốc có 910.831 học sinh đăng ký dự thi, có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn thi tự chọn là môn Lịch sử với 104.959, chiếm 11,52%.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi), trong đó có rất nhiều trường tỉ lệ học sinh chọn môn Lịch sử là 0%. 
 

Giáo viên, nhà sử học thừa nhận bế tắc khi học sinh chán học môn Sử - 1

 Hàng trăm học sinh trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương môn Lịch sử vào tháng 3/2013

Thậm chí, đã có nhiều hội đồng thi đóng cửa trong buổi thi môn Lịch sử vì “trắng” thí sinh: Tại cụm thi liên tỉnh do ĐH Cần Thơ chủ trì có 14/28 điểm thi không có thí sinh nào thi môn Lịch sử. 

Tại Đà Nẵng, cụm thi do ĐH Đà Nẵng chủ trì chỉ có 5/29 hội đồng là có thí sinh dự thi môn Lịch sử; Huế cũng có 19 điểm thi đóng cửa vì không có thí sinh; Trà Vinh có 8/15 điểm thi không hoạt động trong buổi thi môn Lịch sử; Quảng Ninh có tới hơn 10 điểm thi không có thí sinh nào dự thi môn Lịch sử… 

Tại nhiều điểm thi chỉ có 1 thí sinh dự thi như điểm thi trường THPT Yên Thành 2 (Nghệ An), điểm thi trường THPT Tam Giang (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế)…

Kết quả điểm thi cho thấy, môn Lịch sử có đến 1.200 em bị điểm liệt, trong đó có 385 thí sinh đạt mức điểm dưới 1. Đây là môn thi có nhiều thí sinh bị điểm liệt thứ 2 sau môn Toán.

Trước đó, vào tháng 3/2013, sau khi Bộ GDĐT thông báo sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh đã hẹn hò trên mạng cùng đồng loạt xé đề cương môn học này. Phản ứng thái quá của học sinh đã khiến dư luận và nhiều chuyên gia giáo dục đặt dấu hỏi về việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường.

Thanh Hà, học sinh lớp 12 tại TPHCM tỏ ra thờ ơ khi được hỏi về việc học Lịch sử: “Chỉ học lý thuyết, kiến thức bình thường thôi chứ không có đi thực tế. Học ở sách, rồi cứ ghi ghép, ghi chép nên chán thôi”

Lý giải về hiện tượng học sinh không thích học Sử, GS Phan Huy Lê cho rằng: "Đối với tình hình dạy và học trong nhà trường hiện nay, kể cả sách giáo khoa, vị thế môn Sử, thì việc các em chán Sử là tất yếu. Thẳng thắn mà nói, nếu là học sinh thì tôi cũng chán môn Sử như các em. Bởi môn Sử đáng ra rất hấp dẫn lại trở thành môn học chán ngắt, sách giáo khoa nặng nề, la liệt sự kiện, đưa ra những phân tích và khái quát chung chung, trừu tượng. Có thể nói, sách giáo khoa bậc phổ thông hiện nay chẳng khác gì là tóm tắt sách người lớn rồi bắt trẻ con phải học. Dạy Sử và học Sử như thế thì trẻ em chán là phải".

N.T, giáo viên dạy Lịch sử cấp THPT thừa nhận, chính những giáo viên cũng bế tắc khi dạy môn này: “Chương trình dài, nhiều thứ, quá sức của một học sinh đi học cần thiết phải hiểu; học sinh không cần phải hiểu nhiều đến mức như thế. Không riêng gì môn lịch sử mà ở Việt Nam các môn học khác cũng không thực tế. 

Theo tôi nghĩ hiện nay cách thức để làm cho học sinh thích thú, không chán thì không phải khó lắm. Với phát triển của công nghệ hiện nay thì có đủ điều kiện, khả năng để làm cho học sinh thích thú; nhưng chỉ có điều mình làm ra rồi nhưng không có điều kiện để thực hiện thành ra chính giáo viên chán, học sinh chán!”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN