Giáo viên lương hưu 1,3 triệu/tháng: Ai thương nhà giáo?

Sự kiện: Giáo dục

Dành tới hơn nửa đời người cống hiến cho nghề giáo, nhiều giáo viên ngậm ngùi lĩnh lương hưu trong nước mắt với chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng/tháng. Với các đồng nghiệp đang công tác cũng “bấp bênh” với nghề, bởi lương và các chế độ hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tương xứng.

Giáo viên lương hưu 1,3 triệu/tháng: Ai thương nhà giáo? - 1

Vợ chồng cô Trương Thị Lan sẽ rất vất vả sau khi cô về hưu vì mức lương 1,3 triệu đồng/tháng. Ảnh: Vũ Đồng

Sau cống hiến là… nước mắt

Dành trọn tuổi trẻ cho trường lớp, sau hàng chục năm cống hiến cho nghề giáo dục của địa phương, cô giáo mầm non Trương Thị Lan (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) những tưởng lúc về hưu sẽ thảnh thơi với những đồng lương hưu cùng mấy sào ruộng để an nhàn tuổi già.

Thế nhưng, cô Lan đã phải khóc ngất khi cầm quyết định lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng/tháng. Chứng kiến cảnh này, bạn bè, đồng nghiệp của cô ai cũng rơi nước mắt, ôm cô an ủi.

Theo giải thích của ngành Bảo hiểm xã hội, tiền lương của giáo viên mầm non thấp là do với giáo viên mầm non ở thành phố và thị xã thì mới có biên chế, còn khu vực nông thôn giáo viên mầm non không có biên chế.

Tiền lương hưu thấp còn do mức đóng bảo hiểm thấp, thời gian đóng ít và tuổi nghỉ hưu. Những giáo viên nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng (mức lương cơ sở) đều có thời gian công tác không đóng bảo hiểm, sau này được truy thu đóng bảo hiểm từ ngày 1/1/1995 đến nay để được nhận lương hưu.

Dù ngành Bảo hiểm xã hội có những giải thích mức lương đúng quy định, song nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: Nếu biết mức lương hưu như vậy, liệu ai có còn quyết tâm làm nghề giáo viên cho đến khi về hưu?

Cần chế độ đãi ngộ tương xứng

Không chỉ các giáo viên nghỉ hưu, ngay với những giáo viên đang công tác, mức lương thấp cũng là nguyên nhân khiến nhiều giáo viên đưa ra quyết định xin nghỉ việc dù đã là biên chế.

Đó là trường hợp của thầy Nguyễn Quang Tuệ- giáo viên Mỹ thuật Trường tiểu học Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đầu năm học 2017-2018 đã xin nghỉ sau 10 năm làm thầy giáo.

Cựu giáo viên Nguyễn Quang Tuệ chia sẻ: “Tôi được viên chức gần 4 năm, lý do xin nghỉ việc của tôi là vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, mức lương và thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 3,6 triệu đồng, không đảm bảo cuộc sống gia đình. Tôi tìm công việc khác đảm bảo thu nhập cho cá nhân và gia đình”.

Chứng kiến câu chuyện giáo viên lương “ba cọc ba đồng” từ nhiều thập kỷ nay, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng không thấy ngạc nhiên khi đề cập đến chuyện lương hưu hay mức lương đang công tác của giáo viên vẫn còn thấp.

Ông chia sẻ: Có lẽ chẳng có quốc gia nào trên thế giới mà giáo viên lại phải làm thêm nhiều như Việt Nam. Từ chuyện dạy thêm, làm thêm các nghề khác để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Ở nước khác, giáo viên họ yên tâm để chuyên tâm vào dạy học, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục. Còn ở ta, giáo viên ngày càng thất thế, ngành sư phạm 9-10 điểm cũng đỗ, đến khi đi làm cũng khó mà trụ với nghề.

Theo GS.TS Nguyễn Tất Dong, thực trạng lương bổng giáo viên ở nước ta đã tồn tại từ nhiều năm nay, trong khi chúng ta cứ “hô hào” nghề giáo là cao quý, vĩ đại… nhưng thực tế lương thấp, công việc áp lực trong khi nguồn nhân lực lại rất dư thừa. Lương không cao, làm sao để thu hút được người tài, người tận tâm cống hiến với nghề?.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thí sinh điểm cao không nộp hồ sơ xét tuyển vào các Trường Sư phạm, thay vào đó là các trường Công an, Quân đội, Y-Dược là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì những ngành đó đảm bảo hơn về việc làm, đặc biệt là thu nhập tốt hơn.

“Tôi thấy Bộ trưởng GD&ĐT có nêu ý kiến chủ trương bỏ biên chế, chỉ có giáo viên hợp đồng, thậm chí là tăng lương cho các giáo viên… Theo tôi, các chủ trương này nếu làm được đều rất tốt, nhưng liệu một mình Bộ GD&ĐT có làm được không?

Bởi rất cần các Bộ, Ban ngành khác cùng chung tay để tháo gỡ khó khăn cho các nhà giáo. Để cải thiện, cần đảm bảo sinh viên sư phạm có việc làm khi ra trường, các giáo viên dạy ở miền núi phải lương cao gấp rưỡi so với thành phố, có nơi ở tử tế để họ yên tâm công tác…”, PGS.TS Phạm Tất Dong đề xuất.

Câu chuyện lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) không phải là cá biệt trong ngành giáo dục. Trên cả nước có hàng nghìn nhà giáo, đang chấp nhận dạy hợp đồng với mức lương rất thấp và tương lai cũng sẽ như cô Lan.

Dư luận xã hội, các nhà giáo đã có ý kiến về sự bất cập trong việc trả lương cho giáo viên mầm non và tiểu học trong thời gian qua.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc cần phải có cuộc “cải cách” tiền lương đối với giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác, không phải rơi nước mắt lúc về già nhận lương hưu thấp đến khó tin

Cô giáo về hưu lương 1,3 triệu đồng/tháng, khóc nức nở

Hai ngày nay, trên cộng đồng mạng đang quan tâm sự việc cô Trương Thị Lan- 37 năm cống hiến, cầm quyết định nghỉ hưu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN