"Giám thị phải quan sát kỹ"
“Bây giờ giám thị phải có trách nhiệm cao hơn, với thiết bị công nghệ cao thì giám thị phải quan sát rất kỹ và quan sát suốt cả quá trình thi” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) trao đổi với Tiền Phong.
Dư luận cho rằng đề thi môn Vật lý xuất hiện trên mạng trước giờ thí sinh được ra khỏi phòng thi. Ông nghĩ sao?
Với môn Vật lý, môn thi trắc nghiệm, thí sinh làm hết bài mới được ra khỏi phòng thi. Về nguyên tắc, thí sinh chưa ra thì đề chưa thể ra ngoài được. Trước đó, đề thi cũ của năm trước cũng đã được đưa lên mạng. Với Vật lý, cũng có thể dân cư mạng lại đưa đề cũ lên để gây sốc thôi.
Đối với môn Toán, sự việc có thể chưa ngã ngũ vì vẫn có dư luận đề thi xuất hiện sớm trên mạng?
Giám thị đã làm việc rất nghiêm túc nhưng rất có thể, thí sinh mang thiết bị thu phát mà giám thị chưa phát hiện ra được. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng gì đến kỳ thi. Sự việc đang tiếp tục được điều tra.
Thí sinh Lê Nguyễn Thùy Trang (thi vào ĐH Quy Nhơn) chính thức bị đình chỉ thi và hủy kết quả thi, sau khi đã thi xong cả 3 môn, mặc dù thí sinh mang tai nghe có chức năng thu phát vào phòng thi ngay từ buổi thi đầu tiên (sáng 4-7). Làm như vậy có đúng không?
Trường hợp này quá dễ và quá rõ ràng. Có màn hình, có tai nghe mang vào là phải xử lý ngay lập tức. Nếu không có màn hình, không có tai nghe, chỉ ghi được thì còn phải tính, chứ có nghe, có màn hình thì xử lý ngay. Bộ không nói từng chi tiết nhưng rõ ràng thế thì phải biết và xử lý ngay chứ.
Trên thực tế, các hội đồng thi vẫn đang lúng túng đâu là nghe, đâu là thu, đâu là phát, đâu là thu-phát?
Ôi trời! Cái đó các hội đồng thi phải biết mà triển khai chứ. Bộ làm sao chi tiết được đến mức độ như thế. Họ phải biết thiết bị nào nghe, cái nào ghi, cái nào phân vân thì hỏi chứ.
Làm sao Bộ có thể nói rõ thiết bị A là được, thiết bị B là không được, chỉ có thể hướng dẫn: không nghe, không xem trực tiếp, không thu-phát được. Khi các giám thị phát hiện thí sinh mang vào thì phải xem chức năng là gì; nếu không biết thì hỏi Hội đồng thi; Hội đồng thi không biết thì hỏi Ban Chỉ đạo tuyển sinh.
Tai nghe không dây kiểu này khiến một hội đồng thi ở Bình Định lúng túng
Bộ có biện pháp nào đối phó loại tiêu cực công nghệ cao kiểu này?
Sửa đổi quy chế lần này có tác dụng rất rõ rệt. Qua kiểm tra và qua báo cáo của các hội đồng thi, giám thị làm công tác thi năm nay nghiêm túc hơn những năm trước: Ngồi đúng vị trí, quan sát kỹ thí sinh, không làm việc riêng…
Đó là do tác động tích cực của quy chế sửa đổi. Những gì thí sinh được mang và không được mang đã được quy định rất rõ ở điểm c điều 25 rồi và không ảnh hưởng đến thí sinh.
Thí sinh chỉ được mang vật dụng nào đã được quy định cụ thể, những vật dụng khác thì giám thị phải xem xét mục đích, chức năng của thiết bị, nội dung thí sinh ghi vào đó để xử lý theo quy chế mới, chứ không đình chỉ ngay lập tức như xưa.
Quan trọng nhất là thiết bị thu phát và điện thoại nghiêm cấm tuyệt đối. Tai nghe Blue tooth là thiết bị thu phát không dây. Nếu bắt được thì bị đình chỉ ngay lập tức không cần xem xét . Bây giờ giám thị phải có trách nhiệm cao hơn, với thiết bị công nghệ cao thì giám thị phải quan sát rất kỹ và quan sát suốt cả quá trình thi.
Vấn đề cuối cùng vẫn là trách nhiệm của giám thị. Quy chế có cải tiến cách mấy nhưng giám thị không làm hết trách nhiệm thì khó đảm bảo kỷ luật phòng thi.
Đợt 2 có nhiều môn học thuộc lòng và môn thi trắc nghiệm. Các hội đồng thi sẽ phải làm gì để tránh tiêu cực phòng thi và tránh nhầm lẫn mã đề?
Đợt thi này đòi hỏi giám thị phải làm việc nghiêm túc hơn với tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Về việc in sao đề thi, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể về mặt kỹ thuật và năm nay, chuyển đề thi bằng giấy nên sẽ không có sự nhầm lẫn vì bộ phận sao in đề chỉ phô tô, không phải xử lý gì về mặt kỹ thuật.
Cảm ơn ông.
Khó xác định! “Quy định của các ông làm khổ chúng tôi!“. Đó là câu nói đùa, trách khéo của ông Cao Hữu Ngạn, cán bộ tổ chức thi ở Trường ĐH Hà Nội đối với Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trong cuộc viếng thăm của Thứ trưởng đến trường này để tìm hiểu tình hình chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Ông Ngạn nói: Quy chế quy định thiết bị mang vào phòng thi là chỉ thu được không phát được mà phải dùng thiết bị khác để xem. Tôi lấy ví dụ nếu thí sinh đem cái máy ảnh cổ lỗ sĩ dùng phim vào thì sao biết được vì phải rửa phim mới xác định được thì xử lý ra sao? Rồi về lý thuyết, có thể được sử dụng nhưng nếu thí sinh đứng lên là phạm quy. Hay như cái máy ở Đồng Ngô (máy quay thí sinh ở THPT Đồng Ngô (Bắc Giang) đã đem vào phòng thi-PV) và những thiết bị mà giáo viên coi thi không biết hết tính năng. Những thứ hiện đại quá thì chúng tôi toàn giảng viên không phải nhà tin học. Chúng tôi sẽ phải thu lại những thiết bị này, mang đến bộ phận xử lý để kiểm tra thiết bị, xong sớm trả thí sinh sớm. Nhỡ mất 1 tháng mới xác định xong thì sao? Rồi máy ảnh chụp phim có giữ lại đến hết 3 buổi thi mới trả lại thí sinh hay không?... Chúng tôi phải phân tích cả một buổi sáng để rõ ràng các loại thiết bị. |