Đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường

Bên cạnh những tiết mục văn nghệ biểu diễn trực tiếp là 11 gian hàng triển lãm mỹ thuật và các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như nhảy sạp, uống rượu cần, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thời trang các dân tộc...

“Khi các em cảm thụ được và thấy có năng khiếu về thể loại âm nhạc dân tộc nào đó rồi thì khó mấy các em cũng tập, sáng tạo để tiết mục hấp dẫn hơn. Quan trọng là cách làm của chúng ta có tạo cơ hội cho các em thể hiện không mà thôi”. Đó là nhận xét của một giám khảo sau khi chấm chung khảo Liên hoan Mỹ thuật và âm nhạc dân tộc lần đầu tiên do Phòng GD&ĐT quận 12 (TP.HCM) tổ chức tuần qua.

Tất cả lều trại, các tiết mục văn nghệ và mỹ thuật đều do những học sinh (HS) THCS trong địa bàn quận dàn dựng và đều mang màu sắc, âm hưởng đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ các làn điệu dân ca, bản độc tấu và những bài múa hát đặc trưng của các dân tộc ở vùng cao.

Nhiều tiết mục được đầu tư và dàn dựng công phu khiến hàng trăm khán giả phải ồ lên vì những bản dân ca ngọt ngào da diết hoặc xem những bài múa quá điêu luyện của các em. Thích thú đến độ dù đã quá trưa, trời nóng bức nhưng sân Trường THCS Nguyễn Hiền - nơi diễn ra chương trình vẫn nhộn nhịp  tiếng reo hò, cổ vũ.

Đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường - 1

Nữ sinh duyên dáng bên nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Mỹ thuật và âm nhạc dân tộc quận 12 (TP.HCM) hôm 14-5. Ảnh: PHẠM ANH

Tất nhiên, không phải tự nhiên mà quận 12 lại có được một chương trình ấn tượng, nhiều năng khiếu hát hay vẽ đẹp như thế. Đó là cả một quá trình mà ngành giáo dục quận này đã chú trọng từ nhiều năm nay. Việc đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường, trước là để giáo dục cho các em, giúp các em cảm thụ được những cái hay trong các loại hình âm nhạc của dân tộc, sau là tạo sân chơi, cơ hội để phát triển năng khiếu trong HS.

Bà Phạm Thùy Liêm, đại diện Phòng GD&ĐT quận 12, chia sẻ rằng loại hình âm nhạc dân tộc được Phòng Giáo dục quận triển khai từ đầu năm học 2015-2016, vừa tạo sân chơi, phát hiện tài năng, vừa giáo dục nét đẹp văn hóa dân tộc cho các em. Dù các trường trên địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng quận vẫn định hướng đưa âm nhạc dân tộc vào trường học bằng nhiều cách như giới thiệu nhạc cụ bằng hình ảnh, chiếu clip cho HS nghe và xem, mời nghệ sĩ về biểu diễn, tạo các sân chơi về chủ đề âm nhạc dân tộc, mở nhạc dân tộc trong giờ chơi... Không chỉ ở THCS mà cả HS ở cấp tiểu học cũng được tiếp cận từ rất sớm.

Được biết Sở GD&ĐT TP.HCM đang xây dựng đề án đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường từ tiểu học đến THPT, dự kiến sẽ thực hiện từ năm học 2016-2017. Khi đề án này hai lần đưa ra lấy ý kiến từ các nhà giáo, nhà chuyên môn thì rất được ủng hộ về mặt chủ trương nhưng nhiều vấn đề vẫn còn gây tranh luận như tính khả thi và lộ trình thực hiện.

Thế nhưng qua cách làm của quận 12, một nhà giáo chuyên về âm nhạc đã thẳng thắn: “Khó khăn là điều không tránh khỏi, nhất là với cái gì mới bắt đầu lại càng khó. Nhưng nếu quận 12 làm được, một số giáo viên khác đã làm rất thành công thì không cớ gì những nơi khác không làm được. Chúng ta đừng áp đặt cách làm quá cụ thể, đừng bắt chước nhau làm cho có hình thức mà hãy để thầy trò thoải mái sáng tạo trong cách làm của mình. Cách nào cũng được, miễn là đừng để đề án chỉ nằm khô khốc trên giấy rồi nhìn nhau than khó”.

Quận 12 còn nhiều khó khăn về trường lớp nhưng lại đi đầu trong việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học. Từ đây, tôi cho rằng Sở GD&ĐT sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện và triển khai đề án đưa âm nhạc dân tộc vào trường học trong thời gian tới.

Nhạc sĩ BÙI ANH TÔN, Nhạc viện TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN