Đổi mới giáo dục: Nên thay đổi tư duy nặng thi cử, bằng cấp

Sự kiện: Giáo dục

Đánh giá về chất lượng giáo dục phổ thông, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, kết quả học tập của học sinh đã được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm tỷ lệ áp đảo, còn học sinh yếu kém là rất ít. Nhưng thực tế, không ít thầy cô giáo cho rằng đánh giá này chưa thực chất.

Đổi mới giáo dục: Nên thay đổi tư duy nặng thi cử, bằng cấp - 1

Áp lực học tập, thi cử đè nặng

Mới đây, trên nhiều trang báo đưa hình ảnh hai cha con bước vào thang máy của khu chung cư ở Q. Thủ Đức, TPHCM từ tầng 7 để đi xuống hầm lấy xe lúc hơn 6h sáng. Cô nữ sinh bậc THPT bám vào tay vịn thang máy và gục trên thành thang, tranh thủ chợp mắt thêm chút ít. Đến tầng hầm, người bố phải kéo tay con gái. Cô học trò bước theo bố không giấu nổi vẻ mệt mỏi, rã rời. Đơn giản, áp lực học tập khiến cô bé mệt mỏi.

Không ít ông bố bà mẹ trên các trang mạng cũng than thở mọi sinh hoạt tối thiểu của học sinh bị biến dạng. Các con thiếu thời gian ngủ, nhiều em ăn uống tạm bợ, ăn vội vã ngay lúc ngồi sau xe máy cha mẹ chở đến trường, thậm chí nhịn ăn sáng mới kịp giờ đến lớp...

Bởi lẽ học sinh giỏi luôn là mục tiêu mà trẻ phải hướng tới và đạt được. Để kỳ sau hay năm học sau cũng đạt được thành tích như vậy, trẻ phải phấn đấu hơn nữa. Điều này khiến cho trẻ phải học nhiều hơn, trên lớp, về nhà rồi đi học thêm cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Không ít phụ huynh thường đòi hỏi con mình phải học thật giỏi, đứng thứ hạng cao trong lớp, nhưng bố mẹ đâu biết rằng những đòi hỏi quá cao đó đồng nghĩa bạn đã tạo cho trẻ một áp lực quá lớn. Không chỉ học ở trường, trẻ còn phải học thêm nhiều kiến thức nâng cao khác ở ngoài, rồi khi về nhà là hàng tá bài tập đang chờ trẻ giải quyết và trẻ hầu như không có thời gian vui chơi và nghỉ ngơi.

Không chỉ có vậy, trẻ phải học ngày học đêm với hy vọng đỗ vào trường điểm, trường chuyên có tiếng. Tuy nhiên, khi trẻ thi trượt, từ hy vọng thành thất vọng, bị cha mẹ than phiền, trẻ cũng tự mình cảm thấy chán nản, mất công học mà không thu được kết quả mong muốn.

Theo báo cáo kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011-2015 tại hội nghị đánh giá thực trạng y tế trường học, do Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, số học sinh có ý định tự tử tăng cao (17%).

Không ít vụ học sinh tử tự để lại tâm thư bày tỏ nỗi chán chường, khổ sở vì áp lực học tập, vì kỳ vọng quá cao mà cha mẹ dồn lên vai các em.

Đánh giá học sinh chưa thực chất

Đánh giá về chất lượng giáo dục phổ thông, một thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, kết quả học tập của học sinh đã được cải thiện và nâng cao. Trừ cấp tiểu học (chỉ đánh giá theo 2 tiêu chí hoàn thành và chưa hoàn thành), ở cấp THCS và THPT, học sinh khá giỏi chiếm tỷ lệ áp đảo, còn học sinh yếu kém là rất ít. 

Thế nhưng, không ít thầy cô giáo trong cuộc lại cho rằng đánh giá này chưa thực chất. Trên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Đình Anh nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu đánh giá thực chất, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu từ trung bình trở lên chỉ đạt khoảng 60%.

“Tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi mà Bộ GD&ĐT đánh giá là chưa thực chất. Bởi đánh giá cho đúng thì chất lượng học tập của học sinh phải đạt cả hai mặt: nắm chắc kiến thức văn hóa và phải thực hành thí nghiệm thành công kiến thức đã học”, Ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ.

Nhiều thầy cô cho rằng, học sinh giỏi xuất sắc trước đây chỉ là con số nhỏ, nhưng bây giờ thì em nào cũng điểm cao chót vót. 

PGS Văn Như Cương cũng đã phải lên tiếng vì có quá nhiều hồ sơ, học bạ giỏi toàn diện (toàn điểm 9, 10) nhưng khi nhận vào trường thì thực tế học tập lại không tương xứng.

Biến học sinh, sinh viên thành robot

Học để làm người, để cuộc sống tốt đẹp hơn vậy mà nhiều học sinh lại đang vật vờ, lờ đờ vì học... Ăn không ra ăn, ngủ không ra ngủ, chơi không ra chơi nhưng lại yêu cầu các em như những robot. Thế nên một nhà tuyển dụng ở TPHCM chia sẻ, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng, ngoại ngữ hay trình độ chuyên môn gì đó thật ra không đáng sợ bằng những bạn trẻ suy kiệt, yếu ớt về thể chất, tinh thần rệu rã thiếu sức sống.

Tuy nhiên ở nhiều trường học đang tạo ra được những học sinh giải toán, làm văn như cái máy và đạt thành tích cao trong các kỳ thi để đem lại danh tiếng cho nhà trường và lời khen cho cha mẹ, bất chấp học sinh phải trả giá như thế nào.

Chính lãnh đạo của Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) khi trả lời báo chí cũng đưa ra dẫn chứng về tỷ lệ 100% học sinh của trường đỗ đại học các năm, việc hàng nghìn hồ sơ dự tuyển vào trường để củng cố niềm tin rằng phương pháp giáo dục nghiêm khắc của mình là hoàn toàn đúng đắn.

Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT cho hay với xã hội phát triển, con người xem nhu cầu học là một nhu cầu tự thân, bằng cấp xem như là một chứng nhận tạm gọi người học đạt đến một trình độ hiểu biết nào đó, phải xem nó là nhu cầu chính đáng. Vấn đề là xã hội trọng bằng cấp, từ đó dẫn đến chuyện một số người đạt tới mục tiêu có bằng cấp để hy vọng được xã hội trọng vọng hơn.

Đổi mới nền giáo dục ứng thí?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận xét, ở Việt Nam, phương pháp đánh giá học sinh nói chung còn lạc hậu. Kết quả đánh giá chưa đạt được mục tiêu cung cấp thông tin cho nhà quản lý và giáo viên để hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động dạy học. Giáo viên và học sinh có xu hướng dạy và học để ứng phó với kỳ thi, chạy theo thành tích, thay vì hướng đến việc đạt được mục tiêu giáo dục. Do đó, các kỳ thi đã tạo ra nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và xã hội nói chung”. 

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất mong muốn làm rõ đổi mới đánh giá, thi cử như thế nào để đánh giá được năng lực của người học. Thực tế đã chứng minh học sinh thi gì học nấy chứ không phải học gì thi nấy. Học sinh vẫn chạy theo cái đích là vào đại học. Bởi vậy, chúng ta cần làm rõ vấn đề: Đổi mới đánh giá thi cử thế nào để đánh giá được năng lực người học? Và đánh giá có phải chỉ là qua điểm số như hiện nay?”.

Hiện nay, cả nước có gần 25.000  tiến sĩ thì chỉ có trên 9.500 người giảng dạy ở trong các trường ĐH,CĐ. Còn lại gần 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp...

Việc các cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp ưu tiên chọn người có học vị tiến sĩ để bổ nhiệm, cân nhắc cán bộ chỉ nên được coi là một tham chiếu, mang tính chất khuyến khích người có bằng cấp. Như vậy, tất cả công chức sẽ không chạy theo việc học tiến sĩ hay để có được tấm bằng tiến sĩ bằng mọi giá.

"Ở nhiều nước trên thế giới, từ khi tuyển dụng một ai đó vào làm việc hầu hết đều dựa trên năng lực chuyên môn và khả năng thực tế, phẩm chất đạo đức của lao động chứ không dựa theo việc xét duyệt hồ sơ bằng cấp. Còn việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ công chức nên dựa trên năng lực, phẩm chất đạo đức và quá trình cống hiến thực tế, thành tích của họ.”, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Cần nhưng phải chuẩn bị kỹ

Sáng 22/9, Ủy ban văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội thảo bàn về các vấn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Anh (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN