"Điểm tên" ba vấn đề của ngành giáo dục

Có những người dạy Toán cả một đời người nói với tôi, chương trình Toán phổ thông thừa đến 50 – 60 %. Vậy học sinh có học được, nhớ được hết không?

Dù đã qua tuổi 75 nhưng GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT vẫn đang miệt mài theo đuổi những nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển sự nghiệp “trồng người” của đất nước.

Trong chuyên đề bàn về những "thất vọng và kỳ vọng vào nền giáo dục, trước thềm Hội nghị TƯ 6, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ những trăn trở, tìm sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, và bản thân ông luôn kỳ vọng sẽ có sự biến đổi trong ngành giáo dục nước nhà.

- Là một người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, từng là người chèo lái "con thuyền giáo dục" Việt Nam qua khó khăn trong thời kỳ đổi mới, GS có những kỳ vọng và kế sách gì về nền giáo dục nước nhà hiện nay?

GS Phạm Minh Hạc: Thời điểm này, giáo dục Việt Nam phải làm được 3 việc tối thiểu sau:

Thứ nhất, đủ trường lớp với tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục về sỹ số. Kiên cố ở tất cả mọi vùng miền, học 2 buổi/ngày, 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp trung học. Theo quy định của Bộ là mỗi lớp chỉ 35 em, nhưng thực tế một cô giáo phải quản lý từ 40 – 60 học sinh/lớp. Quá vất vả và rất khó quản lý.

"Điểm tên" ba vấn đề của ngành giáo dục - 1

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bàn về giáo dục hiện nay

Thứ hai, Bộ GD& ĐT cần có một bộ sách giáo khoa (SGK) tốt, đạt chuẩn quốc tế, không quá tải, đủ đảm bảo chất lượng. Mau chóng có bộ sách giáo khoa mới (về khoa học tự nhiên như các nước có nền giáo dục tiên tiến, về khoa học xã hội thiết thực, vừa sức, không ôm đồm, tạo cơ sở hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn đầu hình thành nhân cách – thành người, làm người). Đủ thiết bị và phương tiện dạy học tối thiểu.

Thứ ba, chấn chỉnh, củng cố và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ tư cách và năng lực, đảm bảo số lượng, cơ cấu. Xem xét các chính sách đối với đội ngũ này, đảm bảo cho giáo viên đủ sống bằng nghề. Ví dụ, một giáo viên phổ thông cơ sở chỉ có 2,1 triệu/tháng, như thế là không đủ.

“Không có người cho thì không có người xin”

- Thưa nguyên Bộ trưởng, đa số người Việt Nam đều có tâm lý: “Hư văn, khoa cử, quan trường” (coi trọng tấm bằng, bảng điểm). Hiện tượng học giả thi giả, mua bằng không còn xa lạ đối với giáo dục hiện nay. Vậy, quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

GS Phạm Minh Hạc: Vấn đề này có hai khía cạnh:

Một là, nói một cách trực tiếp nhất là những người có trách nhiệm phải làm một cách công tâm, không tiêu cực, không tham nhũng thì làm sao có chuyện chạy điểm, đi thầy... Ví dụ vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang), nếu những giám thị nghiêm túc thì không có học sinh nào dám quay cóp được.

Hai là, cái nền dẫn đến hiện tượng đó là do tâm lý người dân. Tâm lý “chạy chọt”, con em học kém nhưng vẫn muốn vào trường này trường khác, lên lớp, tốt nghiệp hay điểm cao… Đó là cái gốc tạo ra tiêu cực. Người ta không hiểu thực chất của việc học là thành con người, thành nghề. Nếu hiểu thì không bao giờ họ làm như thế.

Và người trực tiếp quản lý là cái ngọn dẫn đến hiện tượng tiêu cực giáo dục. Thử ngẫm xem, nếu không có người cho thì sẽ không có người xin và nếu không xin thì ai dám cho.

- Hệ thống trường chuyên được mở ra và nhân rộng là một trong những chủ trương có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay phong trào “chạy đua” vào trường chuyên, lớp chọn không còn lạ. Đó có phải “cớ” để dẫn đến tiêu cực, gian lận không thưa GS?

GS Phạm Minh Hạc: Trường chuyên có từ năm 1965. Từ năm 1965 đến thời kỳ đổi mới, cả nước có 6 cơ sở trường chuyên. Là người đóng góp vào chủ trương mỗi tỉnh có một trường phổ thông trung học chuyên với khẩu hiệu phát triển đại trà và mũi nhọn, tôi nhận thấy đây là một bước đổi mới giáo dục.

Theo tôi, hiện tượng tiêu cực xảy ra ở đây là rất hãn hữu và không chạy theo thành tích. Vì ở đó học sinh phải học giỏi thực sự, các em phải học với tốc độ và "nồng độ" đậm đặc. Học kém cho vào cũng phải bị đào thải, không thể theo được.

- Vậy GS lý giải sao về hiện tượng phụ huynh học sinh thức đêm, chờ đợi hàng giờ, đạp đổ cổng trường để nộp đơn xin cho con vào lớp 1?

GS Phạm Minh Hạc: Việc phụ huynh mong muốn chọn cho con em mình theo học trường tốt là không có gì phê phán cả. Cái điều đáng lên án, kêu ca là Bộ GD không thể tổ chức được nhiều trường như thế, hiện nay tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp! Nếu có nhiều, thì người dân không phải chen nhau đạp đổ cổng.

Sách giáo khoa vẫn… hết sức nặng nề

- Theo GS thì sách giáo khoa hiện nay bất cập như thế nào?

GS Phạm Minh Hạc: Chương trình SGK, đặc biệt là Toán, Văn vẫn còn nhiều bất cập và hết sức nặng nề. Khi tôi làm Bộ trưởng, tôi ra quyết định là bỏ hết các bài toán sao (toán khó – PV) và các cháu chỉ học rất cơ bản. Còn ngày nay thì những bài toán khó lại được in tràn lan. Ai đời sách tham khảo môn Toán có đến hơn 100 cuốn.

Có những người dạy Toán cả một đời người nói với tôi, chương trình Toán phổ thông thừa đến 50 – 60 %. Vậy học sinh có học được, nhớ được hết không?

Còn môn Văn thì dạy quá nhiều định nghĩa, văn phạm, nhưng ngữ văn thực hành thì rất kém. Năm 2015 mới có bộ SGK mới, vậy chúng ta, con em chúng ta phải đợi lâu quá! Mà chưa chắc năm 2016 có bộ sách mới bởi còn phải tập huấn, thí điểm…!

Năm học 2011 – 2012, Bộ tiến hành giảm tải chương trình sách giáo khoa. Nhưng thực tế, giảm tải mang tính hình thức, vụn vặn, không đến nơi đến chốn.

Cấm giao bài tập về nhà: “Ném đá ao bèo”

- GS đánh giá như thế nào về chủ trương của Bộ GD là không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học? Điều đó có thực sự hiệu quả, sát sao?

GS Phạm Minh Hạc: Theo tôi nếu học sinh tiểu học học ở trường 2 buổi/ngày thì không cần giao bài tập về nhà, nhưng nếu học 1 buổi thì nên. Hiện nay, có những tỉnh chỉ được 50% học 2 buổi. Và Bộ GD tuyên bố đến năm 2025 mới thực hiện 100% học sinh học 2 buổi/ngày.

Trong tình hình hiện nay, quản lý thời gian học ở nhà của các em, nhà nước chưa với tới được. Văn bản ra cũng có tác dụng nhất định, nhưng phần lớn chưa đi vào thực tế, chưa xuống hết đại bộ phận gia đình. Như ở Liên Xô trước đây quy định trẻ học lớp 1 học ở nhà 15 phút, lớp 2 chỉ 30 phút, lớp 3 là 45 phút… và người dân tuân theo vì họ coi đó là căn cứ khoa học. Còn ở Việt Nam thì chỉ là “ném đá ao bèo”!

- Thưa GS, ngay cả việc dạy thêm, học thêm cũng khiến nhiều người rất bức xúc. Bức xúc bởi vì nhiều khi học thêm không xuất phát từ nhu cầu thực, mà vì phụ huynh e sợ điều gì đó nên cứ cho con đến nhà cô học thêm. Xin thưa thật với GS, ngay ở thời điểm này, tại Hà Nội, có những giáo viên dạy thêm cho học sinh ngay từ lớp 1, lớp 2. Theo GS thì đâu là căn nguyên dẫn đến hiện tượng này?

GS Phạm Minh Hạc: Khía cạnh thứ nhất, người Việt Nam phần nhiều vẫn ưa chuộng hình thức danh tiếng. Người Việt có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Nhiều trường hợp quá kỳ vọng hoặc kỳ vọng quá sớm vào khả năng của con mình. Tất nhiên, tâm lý mong cho con mình tốt đẹp, nói rộng là tinh thần hiếu học của dân tộc là đáng khuyến khích. Nhưng vì quá kỳ vọng, nên hễ có điều kiện, họ đổ xô đưa con đi học thêm.

Khía cạnh thứ 2 là đời sống thiếu thốn, nhiều giáo viên tranh thủ lợi dụng tâm lý của phụ huynh để mở lớp. Không có gì chê trách khi họ sống bằng lao động nghề nghiệp của họ. Nhưng việc tổ chức này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và hoạt động của nhà trường thì không ai ủng hộ mà cần lên án. Sau năm 1996 đã đưa khẩu hiệu “chống dạy thêm, học thêm tràn lan”, nhưng suốt 16 năm nay tình hình chưa ổn và làm cực kỳ vất vả.

Khía cạnh 3, quản lý nhà nước về giáo dục chưa là cuộc vận động rộng rãi trong quần chúng và cần phải dựa vào đoàn thể. Như thế mới có thể chấn chỉnh, củng cố và đổi mới được nền giáo dục nước nhà.

Trân trọng cảm ơn GS!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Ngân (Báo Giáo Dục Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN