ĐH ngoài công lập: Nguy cơ tan rã lớn
Có một nhà khoa học nữ bất chấp tuổi tác đã thầm lặng “vi hành” các trường ĐH ngoài công lập (NCL) để tìm hiểu về hoạt động của các cơ sở giáo dục này. Bà là GS-TS Hoàng Xuân Sính. GS Sính đã thốt lên: Nguy cơ tan rã các trường ĐH NCL là rất lớn! Phóng viên báo Tiền Phong đã trao đổi với GS Sính và ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường NCL về vấn đề này.
GS Hoàng Xuân Sính: Họ đang tìm cách nhường trường!
Xin bà vui lòng cho biết đôi nét về chuyến khảo sát khu vực các trường NCL của bà?
Thực chất tôi có chương trình đi hết các trường ngoài công lập trong cả nước, đi theo kiểu “vi hành” thôi, nhưng mới đi được một số trường ở miền Bắc, trừ những trường đã khá yên ổn là ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Thăng Long và ĐHDL Phương Đông.
Bà đã thu nhận được những gì trong chuyến “công tác” đặc biệt này?
Tôi thấy các trường NCL đầy khó khăn, trường ở miền Bắc gặp nhiều khó khăn hơn miền Nam. Dường như người ngoài Bắc có thành kiến với trường NCL nên sinh viên ít chọn vào học các trường ĐH NCL. Tôi có cảm giác, người dân ở phía Bắc cũng nghèo hơn nên học phí cao cũng là một vấn đề...
GS Hoàng Xuân Sính
Sinh viên vào học các trường NCL ít hơn khiến hoạt động của các trường này rất khó khăn. Cũng vì thế, vốn liếng các trường bỏ ra khá nhiều nhưng đã trở thành vốn chết. Thử hình dung, ở miền Bắc, mỗi trường có hơn 200 tỷ tiền vốn; đền bù đất hết trên dưới 50 tỷ; xây trường trên dưới trăm tỷ; nội thất máy móc, khung giáo viên vẫn phải dựng lên ... vừa xoẳn.
Khi mới thành lập, mọi người cứ nghĩ: sẽ thu học phí bù vào để hoạt động nhưng sinh viên đã không vào học; giáo viên mời rồi, không có người học vẫn phải trả lương... 200 tỷ hết ngay.
Khi đi thăm trường tôi thấy tiêu điều lắm: cỏ bắt đầu mọc um lên; không có người làm vệ sinh... Theo tôi, tối thiểu phải có 500 -1.000 tỷ đồng mới có thể lập được 1 trường; nếu chỉ có 200 tỷ đồng thôi mà lập trường sẽ ngã gục ngay và nguy cơ tan trường là rất lớn.
Thí sinh của năm 2013. Ảnh: Hồ Thu
Tâm trạng của các nhà quản trị là như thế nào trước thực trạng này, thưa bà?
Rất buồn, chịu, không biết làm thế nào. Một số trường đã tìm ai giàu hơn thì nhường trường lại -đây không phải là mua bán, mà là nhường trường để người có vốn thì bỏ tiền bù lỗ. Thử hình dung, hệ thống có 81 trường NCL, nếu sập tất sẽ thiệt hại 16.000 tỷ đồng.
Ở phía Bắc rất nhiều trường như vậy. Chỉ có mấy trường tôi cho là yên ổn là có thể vượt qua khó khăn; còn lại, các trường khác, dù ít hay nhiều, đều nguy khốn cả.
Cũng có trường được đầu tư rất tốt, không thiếu tiền đầu tư nhưng sao vẫn không tuyển được người học?
Trường ĐH Hà Hoa Tiên là một ví dụ. Trường này xây dựng rất nhiều nhưng mấy năm nay đầy khó khăn: sinh viên không vào học. Trường mọc lên giữa đồng không mông quạnh, trời nắng chang chang, đường sá không có, ai thích vào học ở đó? Về địa điểm, toàn dồn họ vào những cánh đồng hoang cả thì ai đến học?
Các trường có nên đóng cửa không và học sinh ở đó sẽ phải được giải quyết theo cách nào?
Tôi biết, mọi người giấu diếm cả, nhưng cái tôi biết rất rõ là họ đang tìm người để... nhường trường để không phải đóng cửa và tới nay chưa thấy trường nào phải đóng. Nếu có đóng thì Bộ GD&ĐT cũng phải giúp chuyển sinh viên sang trường khác chứ.
Theo kế hoạch thì đến năm 2020 phải có từ 30% đến 40 % sinh viên học tại các cơ sở giáo dục ĐH tư thục. Bà nghĩ gì về con số này?
Phải có bàn tay nhà nước can thiệp vào, nếu để tình trạng thế này chỉ càng ngày càng ít đi người học và làm sao có thể đạt được 40% người học trường NCL. Có những chỉ tiêu nhiều khi được nói theo cảm hứng, không dựa trên tính toán nào cả, cần được xem lại.
Ông Trần Hồng Quân: Sẽ tuyển sinh riêng
Thưa ông Trần Hồng Quân, các trường NCL đang quẫy đạp thế nào trước nguy cơ mà bà Hoàng Xuân Sính đã nêu?
Hiệp hội các trường NCL (Hiệp hội) đã “báo động” lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình này hơn một tháng rồi. Chủ yếu là về các trường ở miền Bắc và miền Trung chứ miền Nam chưa có trường nào bị đe dọa.
Ông Trần Hồng Quân
“Chúng tôi đang đề xuất cơ chế tuyển sinh riêng - kiểm tra năng lực của học sinh qua phỏng vấn và không thi ba chung. Thực tế đào tạo cho thấy có những học sinh vượt điểm sàn nhưng vào học rồi lại phải ra...” . Ông Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo T.Ư, Chủ tịch HĐQT ĐH quốc tế Bắc Hà |
Không tuyển đủ người học không phải vấn đề riêng của các trường NCL, nhiều trường công lập (CL) cũng gặp khó khăn nhưng trường CL ở địa phương được cấp kinh phí nên họ vẫn “sống”. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT làm việc với Hiệp hội nhưng các giải pháp của Bộ chưa rõ ràng. Sắp tới đây. Các trường NCL sẽ tuyển sinh riêng để phù hợp với điều kiện của mình- tuyển sinh đa tiêu chí. Theo đó, lấy ĐH Phan Chu Trinh là ví dụ, sẽ tuyển sinh bằng 5 tiêu chí: Điểm thi ĐH chiếm 20% tổng điểm tuyển; điểm thi tốt nghiệp: 20%; điểm tổng kết 3 năm học THPT: 20%; điểm kiểm tra năng lực tư duy: 20%; điểm phỏng vấn vào trường: 20%.
Vậy thí sinh vào trường NCL không cần đạt điểm sàn?
Chúng tôi không quan tâm đến điểm sàn. Điểm sàn chỉ chiếm 20 % điểm tuyển. Tất nhiên, có trường chỉ có 4 tiêu chí hoặc 3 tiêu chí và có thể có hệ số cho từng môn học thích hợp với từng ngành đào tạo. Chúng tôi đang trình và chờ đợi quyết định của Bộ GD&ĐT để có thể thực hiện từ năm nay.
Theo ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long, các ĐH NCL chưa có thương hiệu chắc chắn gặp khó khăn và hiện nay còn khó khăn hơn nhiều, vì quá nhiều trường ĐH CL mới được mở ra, nhiều trường CĐ nâng cấp lên ĐH... chất lượng chưa chắc đã tốt.
Tuy nhiên, các ĐH NCL phải chấp nhận khó khăn để xây dựng thương hiệu. Nếu có nguồn tài chính bù lỗ; thì ĐH NCL mới trụ nổi. Nếu không, chỉ cần mỗi gánh nặng của cổ đông đòi chia cổ tức hằng năm đã đủ làm cho trường sụp đổ. Có tiền rồi cũng phải có đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý giỏi… thì mới tồn tại được.