Đề thi đại học đợt hai không quá khó
Ngày 8-7, trao đổi với PV bên lề buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói rằng, đề thi ĐH đợt 2 các khối B, C, D, M… tiếp tục theo hướng phân loại cao và không quá khó với thí sinh.
“Ở đợt 2, các khối B, C, D, M…, Bộ tiếp tục theo chủ trương ra đề không quá khó và không quá dễ đối với thí sinh. Tuy nhiên, nếu so với đề thi năm trước, đề thi đợt 2 này không khó hơn, nhưng có tính phân loại thí sinh cao”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Theo ông, ở đợt 1, các khối A, A1…, đề thi bốn môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh ra đúng chủ trương của ngành giáo dục là không nghiêng về phía điểm số thấp quá, hay cao quá. Phổ điểm đợt 1 được dự đoán tập trung ở mức 5-7 điểm. Do đó, điểm sàn tuyển sinh năm nay với các ngành thi đợt 1 nhiều khả năng sẽ cao hơn so với năm 2011.
Phổ điểm đợt 2 được dự đoán tập trung ở mức 5-6 điểm, từ đó phân ra hai hướng: cao hơn và thấp hơn. Trên cơ sở này, các trường sẽ dễ sàng lọc nguồn tuyển sinh, đánh giá và phân loại thí sinh tốt hơn để phù hợp với ngành và chất lượng đào tạo.
Kiểm soát thiết bị
Thứ trưởng Ga cho biết: Bộ chỉ đạo các hội đồng thi, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp phao tin lộ đề giả làm ảnh hưởng tâm lý thí sinh.
Bên cạnh đó, các hội đồng thi thực hiện đúng quy chế, thu lại đề, giấy nháp thí sinh nộp bài trước khi hết giờ. Cán bộ coi thi bóc đề thi kiểm tra ruột phong bì cẩn thận và thực hiện đúng quy chế, tránh trường hợp sai sót làm ảnh hưởng công tác thi của cả nước.
Về việc đề Toán ở đợt 1 bị đưa lên mạng trước khi hết giờ thi, ông Ga nói rằng, đây không phải là trường hợp lộ đề thi mà do thí sinh đưa lên mạng sớm. Cần làm rõ vấn đề có phải thí sinh mang thiết bị vào phòng thi rồi truyền lên mạng hay không.
Theo ông Ga, đợt 1, công tác tổ chức thi được đảm bảo, an toàn, nghiêm túc hơn các năm trước, nhưng cả nước vẫn có 129 trường hợp vi phạm quy chế, chủ yếu là do mang điện thoại di động (tăng 3 trường hợp so với năm ngoái).
Năm nay, quy chế có điểm mới về một số vật dụng được mang vào phòng thi, nhất là thiết bị ghi hình (nhưng không được phát sóng, truyền tin ra bên ngoài). Không chỉ giám thị giám sát thí sinh mà thí sinh cũng có thể giám sát ngược lại nếu phát hiện biểu hiện tiêu cực.
“Rõ ràng nhờ áp dụng quy chế mới về vật dụng mang vào phòng thi, đợt 1 kỳ thi ĐH đã có chuyển biến rõ rệt. Nhưng ở đợt 2 này do nhiều môn thi, khối thi, đặc biệt các môn tự luận… nên việc giám sát, quản lý cần tăng cường cao”, ông Ga nói.
Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đợt 2, ĐH Đà Nẵng bố trí mỗi phòng thi 2 cán bộ coi thi: một cán bộ gọi tên thí sinh vào phòng, một cán bộ kiểm soát chặt các vật dụng mang vào phòng thi, đặc biệt là tập trung nhắc nhở thí sinh về điện thoại di động…“Có nhiều em mang điện thoại vào phòng thi do vô ý, thậm chí đến gần hết giờ, cán bộ coi thi mới phát hiện ra. Đây là lỗi đáng tiếc của thí sinh, nếu phát hiện, chúng tôi kiên quyết lập biên bản”, PGS.TS Nam nói.
Đợt 1, ĐH Đà Nẵng có 15 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế, chủ yếu lỗi đáng tiếc là mang điện thoại vào phòng thi.
Khoảng 580.000 thí sinh dự thi đợt 2 Trong 2 ngày 9 và 10-7, gần 580.000 thí sinh dự thi đợt 2 và các môn năng khiếu tại 121 trường ĐH. Đợt này có 765.630 thí sinh đăng kí dự thi, nhưng sáng 8-7, chỉ có 576.534 thí sinh đến làm thủ tục dự thi (đạt 75,3%). Theo báo cáo nhanh của Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, hơn 80% trong tổng số trên 19.000 thí sinh dự thi đợt 2 đến làm thủ tục. Theo thống kê sơ bộ của các trường ĐH có tổ chức thi đợt 2, lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 8-7 tại cụm thi TPHCM chiếm tỷ lệ không cao như đợt 1. Tuy nhiên, theo đại diện các trường thì đây chỉ là con số thí sinh đến trong ngày làm thủ tục; nhiều em đã thi đợt 1 nên không cần đến làm thủ tục đợt 2. H.T - Q.P - N.H |